Thanh Hóa: Xuất khẩu hàng hóa trên đà tăng trưởng tích cực
Từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều tăng trưởng tích cực. Theo báo cáo của Sở Công Thương, quý 1/2025, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu ước đạt 1.461 triệu USD tăng 17,2% so với cùng kỳ.
Năm 2025, tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 8 tỷ USD. Các tín hiệu từ thị trường và đơn hàng xuất khẩu của nhiều ngành hàng hiện nay rất khả quan, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy xuất khẩu ngay từ đầu năm. Với những thuận lợi cơ bản về đơn hàng và thị trường, xuất khẩu hàng hóa năm 2025 nhiều khả năng sẽ đạt và vượt mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Dệt may là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Thanh Hóa.
Nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Thanh Hoá tăng so với cùng kỳ như: giầy dép tăng 17,5%; hàng may mặc tăng 17,9%; Tinh bột sắn tăng 22,1%; xi măng tăng 16,1%; thịt súc sản tăng 8,2% so với cùng kỳ; đá ốp lát tăng 21,8%; bóng đá tăng 35,9%; benzen tăng 58,9%…
Đến nay, toàn tỉnh có 304 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu hàng hoá đến 68 thị trường với 55 chủng loại hàng hoá. Đơn hàng xuất khẩu cho năm 2025 của nhiều nhóm ngành hàng rất khả quan, nhiều doanh nghiệp đã ký kết các đơn hàng hết quý 2, quý 3/2025, tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng khẩu hàng hoá trên địa bàn tỉnh.
Dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực và giữ vai trò quan trọng đối với tăng trưởng của nền kinh tế tỉnh Thanh Hóa. Hiện nay, ngành dệt may đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đẩy mạnh đổi mới công nghệ để bắt nhịp xu hướng và mở rộng thị trường, tăng năng suất lao động, hiệu quả cạnh tranh. Bên cạnh những tín hiệu tích cực do nhu cầu thị trường tăng, các doanh nghiệp dệt may Thanh Hóa đã chủ động, linh hoạt, đa dạng hóa thị trường.
Nhiều doanh nghiệp dệt may đã và đang từng bước đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng đến hết năm nay. Từ đầu năm 2025 đến nay, các doanh nghiệp dệt may có kim ngạch xuất khẩu tăng 17,9% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên những tác động từ các chính sách thuế quan mới của Mỹ cũng đang khiến doanh nghiệp đối diện nguy cơ có thể giảm xuất khẩu do nhu cầu thị trường yếu đi, xu hướng tăng bảo hộ thương mại, chi phí logistics, rủi ro lãi suất và tỷ giá tăng cũng như khả năng bị áp thuế cao hơn.
Hiện ngành Công Thương đang theo dõi diễn biến thị trường, biến động kinh tế, chính trị, chính sách trong khu vực và trên thế giới ảnh hưởng tới thương mại của Việt Nam, nhằm kịp thời tham mưu các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường.
Để đạt mục tiêu trên, ngành Công Thương tỉnh Thanh Hóa đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp chế biến sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm và khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường.
Yến Hoàng
Bốn dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 được đăng ký đưa vào khai thác tuyến chính dịp 30/4/2025 gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi; Hàm Nghi - Vũng Áng; Bùng - Vạn Ninh; Vân Phong - Nha Trang.