Thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng sau hợp nhất
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1459/QĐ-TTg thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng.
Theo quyết định, thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng và Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương.
Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng (sau đây gọi tắt là Ban Quản lý) là cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố Hải Phòng; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định của pháp luật.
Ban Quản lý có tư cách pháp nhân, có tài khoản, con dấu mang hình Quốc huy; kinh phí quản lý hành chính nhà nước, kinh phí hoạt động sự nghiệp của Ban Quản lý và vốn đầu tư phát triển do ngân sách nhà nước cấp theo kế hoạch và nguồn kinh phí khác theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Một khu công nghiệp tại Hải Phòng. Ảnh: Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng
Ban Quản lý thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trưởng ban Ban Quản lý trình Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý theo quy định của pháp luật.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành; bãi bỏ Quyết định số 1329/TTg ngày 19 tháng 9 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, thành phố Hải Phòng.
Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất bãi bỏ Quyết định số 96/2003/QĐ-TTg ngày 13 tháng 5 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương theo quy định của pháp luật.
Việc thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng không chỉ là bước đi kỹ thuật trong sắp xếp bộ máy hành chính, mà còn thể hiện quyết tâm đổi mới tư duy quản lý và nâng cao hiệu quả điều hành trong phát triển kinh tế - công nghiệp. Trong bối cảnh Hải Phòng là trung tâm cảng biển, logistics và công nghiệp, còn Hải Dương đóng vai trò vệ tinh công nghiệp năng động, việc hợp nhất mô hình quản lý sẽ tạo điều kiện đồng bộ trong thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính và hỗ trợ sản xuất - kinh doanh.
Với mô hình tổ chức mới, Hải Phòng được trao thêm công cụ để điều hành linh hoạt, chuyên nghiệp hơn, từ đó tạo nền tảng vững chắc cho đà tăng trưởng trong giai đoạn phát triển công nghiệp và đô thị hóa mạnh mẽ hiện nay.
Ngô Huy
Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng trong kỳ điều hành ngày mai (3/7) được dự báo có thể giảm từ 1.200-1.400 đồng/lít, còn giá dầu diesel giảm ít hơn.