Thành lập Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực tại TP.HCM và Đà Nẵng
Bộ Chính trị vừa đồng ý chủ trương đối với Đề án xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam. Theo đó, thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP.HCM và Trung tâm tài chính khu vực tại TP Đà Nẵng.
Lựa chọn phát triển các trung tâm tài chính có ranh giới địa lý và đối tượng điều chỉnh được xác định theo tiêu chí rõ ràng, theo mô hình "kết hợp" với các chính sách đặc thù, vượt trội theo lộ trình.
Trung tâm tài chính được áp dụng cơ chế quản lý đặc thù, vượt trội hơn so với quy định hiện hành, mang tính cạnh tranh, nhưng phải kèm theo các cơ chế giám sát, quản lý rủi ro phù hợp; vừa làm vừa rút kinh nghiệm; không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ; dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".
Thành lập các cơ quan để quản lý trung tâm tài chính, gồm: cơ quan quản lý, điều hành; cơ quan giám sát; cơ quan giải quyết tranh chấp. Việc thành lập các cơ quan này triển khai thực hiện theo đúng quy định và thông lệ quốc tế.
Về áp dụng các chính sách xây dựng trung tâm tài chính và lộ trình triển khai, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương, từ nay đến năm 2030, ban hành và tổ chức thực hiện ngay tám nhóm chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện Việt Nam và cần áp dụng ngay. Đồng thời, thí điểm sáu nhóm chính sách thông dụng tại các Trung tâm tài chính lớn trên thế giới, nhưng cần có lộ trình áp dụng để phù hợp với điều kiện thực tế tại Việt Nam.
Từ năm 2030 đến năm 2035, tổ chức thực hiện đầy đủ theo lộ trình các nhóm chính sách thông dụng tại các Trung tâm tài chính lớn trên thế giới, phù hợp với điều kiện thực tế Việt Nam.
Lộ trình khung này mang tính chất tương đối, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhanh nhất có thể. Nếu thời cơ thuận lợi, điều kiện đã chín muồi, thì có thể làm ngay các bước tiếp theo, không chờ theo thứ tự.
Bộ Chính trị giao Ban cán sự đảng Chính phủ xem xét quyết định thành lập Ban chỉ đạo Trung tâm tài chính để triển khai thực hiện; nghiên cứu, đánh giá tác động của các chính sách đột phá, mang tính cạnh tranh để kiến tạo mô hình phát triển trung tâm tài chính; phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội ban hành văn bản quy phạm pháp luật về Trung tâm tài chính quy định các nội dung mang tính nguyên tắc, khung chính sách và giao Chính phủ hướng dẫn nội dung chi tiết, xử lý các vấn đề cụ thể.
Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu ban hành các văn bản cụ thể, đầu tư nguồn lực tương xứng để triển khai thực hiện các nội dung của Đề án; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ và phân công trách nhiệm rõ ràng, rành mạch giữa Trung ương và địa phương, trên cơ sở phân cấp phân quyền, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo.
Bộ Chính trị yêu cầu các cơ quan phải xác định quyết tâm chính trị cao trong tổ chức thực hiện Đề án. Đây không phải chỉ là việc riêng của TP.HCM và TP Đà Nẵng mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cùng tham gia thực hiện.
Trong định hướng phát triển, Đảng bộ và chính quyền TP.HCM đã chú trọng phát triển thị trường tài chính, xem đây là một trong những lĩnh vực ưu tiên của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từ đó hình thành ý tưởng về việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM.
Hơn 20 năm qua, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi và tăng trưởng kinh tế nhanh, ổn định là điều kiện để các trung tâm tài chính hình thành, phát triển ở TP.HCM. Trong khi đó, với vị thế đầu tàu nền kinh tế cả nước, TP.HCM hiện đóng góp 15,5% GDP (tổng sản phẩm nội địa), chiếm hơn 20% ngân sách quốc gia, thu hút gần 34% dự án FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) cả nước.
Với Đà Nẵng, thành phố năng động ven biển, đang vươn lên với mục tiêu đầy tham vọng trở thành Trung tâm tài chính, khẳng định vị thế của mình trên bản đồ kinh tế toàn cầu, góp phần vào sự phát triển chung của Việt Nam. Địa phương được đánh giá là một trong những thành phố có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế toàn diện tại TP.HCM và Trung tâm tài chính khu vực tại TP Đà Nẵng là bước đi chiến lược của Việt Nam trong việc khẳng định vị thế trên bản đồ tài chính toàn cầu. Những nỗ lực không ngừng của 2 thành phố trong việc phát triển hạ tầng, công nghệ và nguồn nhân lực sẽ là nền tảng vững chắc cho sự thành công trong tương lai. Với những bước đi vững chắc, TP.HCM và Đà Nẵng đang dần khẳng định là những đầu tàu kinh tế không chỉ của Việt Nam mà còn của cả khu vực ASEAN.
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.