Thanh long xuất khẩu sang Nhật vướng mã số vùng trồng

Xuất nhập khẩu
02:25 PM 17/02/2023

Mới đây, đơn hàng một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long ruột đỏ đi Nhật Bản tại Long An bị dừng lại đột ngột do vướng phải rào cản bản quyền giống.

Bất ngờ vướng rào cản bản quyền

Nguyên nhân của sự việc này liên quan đến vấn đề bản quyền giống, đối với trái cây xuất khẩu. Nhiều nông dân trồng thanh long ruột đỏ xuất khẩu đi Nhật như đang "ngồi trên đống lửa".

Cụ thể, theo kế hoạch, một số lượng thanh long tại huyện Châu Thành, Long An sẽ được thu hoạch để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, đến hiện tại, doanh nghiệp vẫn chưa thể thu mua cho bà con nông dân. Giờ toàn bộ số thanh long này có khả năng sẽ được bán ở chợ. 

Thanh long xuất khẩu sang Nhật vướng mã số vùng trồng - Ảnh 1.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long đi Nhật bị dừng đơn hàng đột ngột. Ảnh: Doanh nghiệp kinh tế xan

Sở dĩ có tình trạng này là do thời gian qua, một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long bị vướng rào cản bản quyền. Trước đây, việc cấp mã số vùng trồng không có yêu cầu về bản quyền, bảo hộ cây giống. Gần đây, Nhật Bản và Hàn Quốc yêu cầu hàng nhập khẩu phải có giấy chứng nhận bảo hộ giống. Nhưng đa số các vùng trồng thanh long của bà con không đáp ứng được yêu cầu này.

Đa số bà con nông dân ở Long An đều canh tác giống thanh long ruột đỏ LĐ1 và phổ biến trên diện tích lớn, hiện đã lên tới hàng chục ngàn ha. Vấn đề vướng mắc ở chỗ, để có mã số vùng trồng thì phải chứng minh giống đang trồng là giống thanh long LĐ1.

Tuy nhiên, năm 2017, giống thanh long ruột đỏ LĐ1 đã được Viện nhượng quyền bằng bảo hộ cho Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit với thời gian 20 năm. Do vậy, doanh nghiệp muốn được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu thì phải làm việc với Công ty Hoàng Phát Fruit để có chứng nhận nguồn gốc giống.

Tháo gỡ nút thắt về bản quyền giống

Tại buổi họp thông tin về giống thanh long ruột đỏ xuất đi Nhật (LĐ1) trước yêu cầu mới về mã số vùng trồng, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit, cho biết một số doanh nghiệp không xuất khẩu được thanh long ruột đỏ sang Nhật không phải do vấn đề bản quyền mà bởi các lý do khác như tiêu chuẩn, chất lượng. 

Tuy nhiên, công ty sẽ hỗ trợ bản quyền miễn phí 5 năm về mã số vùng trồng giống thanh long LĐ1 tại thị trường nội địa. Nếu doanh nghiệp nào cần truy xuất nguồn gốc, Hoàng Phát sẵn sàng chia sẻ.

"Với những vùng đang trồng giống LĐ1 xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, công ty sẽ ký bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn thị trường 20 - 30%. Hợp tác xã nào có sử dụng giống LĐ1 muốn mở rộng sản xuất, có nhu cầu xuất đi Nhật Bản, Hoàng Phát sẽ hướng dẫn sản xuất theo tiêu chuẩn thị trường. Còn xuất vào thị trường Nhật, Hàn, công ty sẽ thu phí", bà Thoa nói.

Qua câu chuyện mua bản quyền giống thanh long LĐ1 để thấy rằng, cần có thông tin cụ thể hơn trong việc mua bán bản quyền giống cây trồng để tránh tranh chấp, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đối với các thị trường xuất khẩu.

Việc đăng ký bản quyền giống thanh long nói riêng và các giống cây trồng khác là rất cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần đảm bảo lợi ích hài hòa của các bên.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng cần nên có những quy định rõ ràng trong việc xác nhận thương hiệu, chất lượng, hàng rào kỹ thuật.

Rõ ràng việc nông sản phải tuân thủ yêu cầu của thị trường nhập khẩu ở đây là bản quyền, bảo hộ cây giống là yêu cầu tất yếu nếu muốn nông sản của ta được thị trường nhập khẩu chấp nhận. Việc này nhằm tránh vi phạm quyền bảo hộ giống cây trồng theo Luật Sở hữu trí tuệ, đồng thời đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.