Thành phố Ninh Bình: Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế

Sự kiện
06:00 AM 26/11/2020

Xác định là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh, Đảng bộ và nhân dân thành phố Ninh Bình luôn đoàn kết, chú trọng tăng cường công tác quản lý đô thị, nhất là quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng và quản lý đất đai; tập trung phát triển kinh tế đa dạng, thu hút nhiều nhà đầu tư có khả năng tạo bước đột phá cho kinh tế thành phố.

Những năm qua, thành phố Ninh Bình không ngừng đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo; có tầm nhìn mới về một thành phố hiện đại, thông minh để phát huy tiềm năng, thế mạnh đặc thù. Thành phố luôn tạo ra những động lực cho sự phát triển, đó là tập trung đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh trên địa bàn, ưu tiên phát triển lĩnh vực dịch vụ du lịch, các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, bảo tồn và duy trì các ngành nghề truyền thống nhằm thu hút và giải quyết việc làm cho người lao động. 

Đồng thời, quan tâm đến các vấn đề chính trị, xã hội của địa phương; tham gia vào các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo; huy động nguồn lực xây dựng các công trình chỉnh trang đô thị thành phố ngày càng văn minh, hiện đại. Thành phố cam kết sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thành phố Ninh Bình: Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - Ảnh 1.

Khu đô thị thành phố Ninh Bình.

Hiện thành phố có hàng ngàn doanh nghiệp đang hoạt động trên các lĩnh vực đưa giá trị sản xuất của các doanh nghiệp năm 2019 đạt 45.425 tỷ đồng, tăng 93,3% so với năm 2015; tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm giai đoạn 2015 - 2020 đạt 14,1%. Các doanh nghiệp trên địa bàn năm 2019 đóng góp thuế cho ngân sách thành phố 429 tỷ đồng, bằng 86% ngân sách thu thường xuyên góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố. Năm 2020, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19, lũ lụt có những diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp thành phố Ninh Bình vẫn nỗ lực vượt khó khăn, duy trì, giữ vững hoạt động sản xuất, kinh doanh. Về sản xuất nông nghiệp, diện tích gieo trồng đạt 2,442 ha, trong đó diện tích lúa đạt 1,82ha với sản lượng ước đạt 10,620 tấn, tăng 1,068 tấn so với năm 2018. 

Thành phố tiếp tục triển khai thực hiện đề án hỗ trợ xây dựng mô hình trồng rau, hoa ứng dụng công nghệ cao tại xã Ninh Phúc, phường Ninh Sơn; Chỉ đạo làm tốt công tác ứng phó với diễn biến của khí hậu thiên tai, bảo vệ an toàn hệ thống đê điều và tài sản của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để người phát triển sản xuất nông nghiệp. Thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi mô hình kinh doanh khai thác chợ, trong đó tập trung xây dựng và thí điểm "tuyến đường đi bộ, kết hợp mua sắm ẩm thực". Xây dựng phương án đấu thầu các ki-ốt tại chợ Rồng; một số công trình tạo điểm nhấn cho vóc dáng đô thị đã được hoàn thành như Hồ điều hòa công viên thành phố, cảnh quan bờ Tây sông Vân, sông Đáy, Non nước; thực hiện đề án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng ba xã theo tiêu chí trở thành phường; triển khai các thủ tục hỗ trợ hơn 2 tỷ tấn xi măng xây dựng hơn 93/128 công trình dân sinh tạo điều kiện thuận lợi về giao thông, văn hóa, thể thao, y tế... cho người dân tại ba xã Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Phúc.

Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội tiếp tục được quan tâm thực hiện và đạt kết quả tốt. Công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc người có công được chú trọng. Trong năm, thành phố đã thăm hỏi, tặng 30.000 suất quà trị giá 375 triệu đồng. Tổ chức thành công lễ phát động xây dựng quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" quyên góp ủng hộ được 3 tỷ đồng; công tác giảm nghèo của thành phố luôn được thường xuyên quan tâm. Đến nay, số hộ nghèo giảm còn 1,01%, hộ cận nghèo còn 1,47%. Đặc biệt, 543 hộ nghèo, 851 hộ cận nghèo và 2.423 đối tượng bảo trợ xã hội được cấp thẻ BHYT. Công tác giáo dục - đào tạo luôn được UBND tỉnh đánh giá là đơn vị dẫn đầu ngành và cũng là đơn vị xếp thứ nhất trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Công tác y tế, dân số kế hoạch hóa gia đình được quan tâm thực hiện hiệu quả 142/183 thôn, phố không có người sinh con thứ ba trở lên, tỷ suất sinh giảm 0,21%.

Với chủ đề "Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng; phát huy hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của chính quyền; huy động sức mạnh tổng hợp xây dựng thành phố Ninh Bình theo tiêu chí đô thị loại 1, hướng tới thành phố du lịch". Ngay tại Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 vừa qua, Đảng bộ thành phố Ninh Bình đã đề ra phương hướng là bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch mà chỉ tiêu chủ yếu đưa tốc độ tăng doanh thu của các cơ sở sản xuất kinh doanh bình quân từ 14,5%/năm trở lên; tạo việc làm cho 2.200 người. 

Mặt khác, tiếp tục huy động các thành phần kinh tế đầu tư vào các lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch, giáo dục, công nghiệp, nông nghiệp an toàn, sạch; đẩy mạnh công tác quản lý đô thị; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh.

Phát triển đô thị thông minh và bền vững là mục tiêu thành phố Ninh Bình hướng đến, trên cơ sở đó xây dựng một chính quyền điện tử theo Đề án của UBND tỉnh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; nâng cao năng lực quản lý, điều hành của hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của thành phố ngày một phát triển.

Hoàng Thị Thanh Hải
Ý kiến của bạn
Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5% Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5%

Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%). Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ.