Thành phố Phan Thiết: Khánh thành Trung tâm Điều hành Đô thị thông minh
Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) Phan Thiết (Bình Thuận) vừa được khánh thành ngày 10/12 vừa qua. Được biết, Trung tâm IOC giai đoạn thí điểm có tổng mức đầu tư 2,9 tỷ đồng, được xây dựng đưa vào vận hành 9 phân hệ.
9 phân hệ bao gồm: Hệ thống Phản ánh hiện trường; Hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội; Hệ thống Giám sát thông tin, báo chí, truyền thông trên không gian mạng; Hệ thống Camera giám sát an ninh trật tự; Hệ thống Giám sát lĩnh vực Y tế; Hệ thống Giám sát lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo; Hệ thống Camera giám sát vi phạm giao thông; Hệ thống Du lịch thông minh và Hệ thống Giám sát dịch vụ công.
Sau 4 tháng triển khai, đến nay tất cả các hạng mục xây dựng Trung tâm Điều hành đô thị thông minh thành phố (IOC) Phan Thiết đã hoàn thành. Với 9 phân hệ được triển khai tại Trung tâm IOC, thành phố Phan Thiết đang tiến tới một chính quyền năng động - chính quyền số, hướng tới một chính phủ điện tử như mục tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy về chuyển đổi số giai đoạn 2025 - 2030 đã đề ra.
Trung tâm IOC Phan Thiết là bước đi đầu tiên của chính quyền thành phố nhằm tiến tới cải thiện Chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), góp phần cải thiện chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI)... tiến tới mục tiêu phục vụ, nâng cao chất lượng cuộc sống cho các tầng lớp Nhân dân thành phố; góp phần đưa thành phố Phan Thiết trở thành đô thị thông minh của tỉnh Bình Thuận.
Đặc biệt, thành phố Phan Thiết đang tập trung vận hành Hệ thống Phản ánh hiện trường, được gọi là “Phan Thiết-S”, là ứng dụng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân trên nền tảng số. Phòng điều hành tại Trung tâm IOC Phan Thiết sẽ giám sát toàn bộ các hoạt động của thành phố qua hệ thống camera tầm cao và các camera an ninh trên tất cả 18 phường, xã phục vụ sự chỉ đạo điều hành của chính quyền thành phố. Thông qua “Phan Thiết-S”, mọi người dân, tổ chức, doanh nghiệp phản ánh, kiến nghị về các mặt đời sống xã hội đến chính quyền thành phố từ an ninh trật tự, trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, rác thải; tham gia giám sát mọi hoạt động của chính quyền thành phố…
Chủ tịch UBND tỉnh - Đoàn Anh Dũng cho rằng: Việc đưa Trung tâm IOC Phan Thiết đi vào hoạt động chỉ là bước khởi đầu của quá trình xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số của tỉnh Bình Thuận; phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm, còn nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra, đòi hỏi sự kiên trì, nỗ lực quyết tâm và sự chung tay, góp sức của các ngành, các cấp, sự hỗ trợ tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân.
Để IOC thành phố Phan Thiết vận hành thông suốt, đem lại hiệu quả thiết thực, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị UBND thành phố Phan Thiết tiến hành rà soát, đánh giá toàn bộ công tác vận hành trung tâm IOC ở giai đoạn 1, đồng thời đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành giai đoạn 2. Bên cạnh đó, thành phố Phan Thiết đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức, hiểu biết và sự hưởng ứng tích cực của nhân dân đối với chủ trương xây dựng chính quyền đô thị thông minh; chỉ đạo trung tâm IOC tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, chuẩn hóa và cập nhật đầy đủ các dữ liệu vào hệ thống phần mềm; quản lý, vận hành, sử dụng và khai thác tối đa hiệu quả các tính năng của Trung tâm IOC…
Đối với Sở Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần khẩn trương triển khai xây dựng Trung tâm IOC của tỉnh Bình Thuận. Song song đó, cùng các sở, ban, ngành liên quan tranh thủ tối đa các nguồn lực của xã hội, hỗ trợ các đơn vị, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
H.D (t/h)Theo các chuyên gia, để duy trì và phát huy vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng các chính sách đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp nội địa kết nối với doanh nghiệp FDI, đặc biệt là nâng cấp năng lực doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.