Thành phố Thái Nguyên – Điểm hẹn mùa xuân 2023
Nằm cách Thủ đô Hà Nội 75km về phía Đông Bắc, Thành phố Thái Nguyên đang là địa chỉ thu hút khách du lịch bốn phương. Mùa xuân này, bạn hãy cùng về thăm Thành phố xinh đẹp nơi Thủ đô gió ngàn để cùng tận hưởng không gian xanh mướt của những đồi chè và những trải nghiệm khó quên tại các bảo tàng, khu di tích cùng những khu sinh thái thơ mộng đầy quyến rũ.
Thành phố Thái Nguyên có gần 20 địa danh, với 3 loại sản phẩm du lịch chủ yếu, gồm: Du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử và du lịch sinh thái, tham quan, trải nghiệm. Hiện toàn Thành phố có 184 cơ sở lưu trú, 150 nhà nghỉ, 120 nhà hàng và 20 doanh nghiệp lữ hành, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách.
Những di tích kể lại câu chuyện lịch sử
Với những du khách thích tìm hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc, chắc chắn TP Thái Nguyên là sự lựa chọn bởi Thành phố hiện có 116 di tích, trong đó có 06 di tích xếp hạng Cấp Quốc gia, 22 di tích xếp hạng Cấp tỉnh. Có những di tích mang đậm dấu ấn lịch sử của đất nước như: Cụm di tích Khởi nghĩa Thái Nguyên, Nhà lao Thái Nguyên, Đền thờ Đội Cấn, Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sỹ thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái..; và Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Lực lượng vũ trang Việt Bắc Quân khu 1, Bảo tàng tỉnh Thái Nguyên.
Nằm ở đường Đội Cấn, phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là một điểm nhấn của du lịch Thái Nguyên, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Đây là một trong 7 Bảo tàng Quốc gia của Việt Nam với hơn 20.000 đơn vị tài liệu hiện vật gốc quý hiếm thuộc di sản văn hoá của 54 dân tộc được lưu giữ, phân chia thành năm phòng khác nhau. Với kiến trúc đẹp và đồ sộ gồm hệ thống trưng bày trong nhà và không gian văn hóa trải nghiệm ngoài trời sống động, du khách đến với Bảo tàng sẽ được thưởng lãm những câu chuyện văn hóa về con người, đất nước Việt Nam.
Hàng năm, Khu di tích lịch sử Quốc gia 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái tọa lạc tại phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên tiếp đón hàng vạn khách du lịch đến thăm viếng, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ TNXP. Đến với di tích, du khách không chỉ dâng hương tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng của 60 thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái khi đang làm nhiệm vụ vào đêm Noel năm 1972, mà còn được tham quan không gian trưng bày trong khu di tích với gần 350 hiện vật, tài liệu, tư liệu nhằm tái hiện ý chí kiên cường, tinh thần chiến đấu gian khổ và sự hy sinh anh dũng của 60 thanh niên xung phong khi vận chuyển, giải tỏa gần 20.000 tấn lương thực và hàng hóa quốc phòng được viện trợ còn tồn ở trung tâm thành phố Thái Nguyên, tránh bị tổn thất do máy bay Mỹ ném bom phá hủy, sự hy sinh anh dũng của các chị, các anh đã đi vào lịch sử, tạc nên tượng đài bất tử trong lòng dân tộc, trở thành tấm gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Với những du khách yêu thích các trải nghiệm văn hóa tâm linh thì Chùa Hang – còn có tên chữ "Kim Sơn Tự", hay được gọi là "Tiên Lữ Phật Động" nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 3km về phía Bắc. Tương truyền rằng: Chùa Hang có từ thời Nhà Lý (thế kỷ XI), tọa lạc trên vùng đất bằng phẳng nằm trong lòng ba ngọn núi lớn, phía trước là dòng sông Cầu trong xanh uốn lượn. Ngọn núi đứng giữa có tên Huyền Vũ, hai bên là hai ngọn Thanh Long – Bạch Hổ vươn cao uy nghi, ba ngọn kết nối nhau bởi dải yên ngựa chừng 1000m. Hiện nay, chùa Hang đã được trùng tu và xây dựng thêm các công trình như: Chính điện Tam Bảo, Tam quan nội, Tam quan ngoại, Lầu chuông, Lầu trống - Đây là Di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh Cấp Quốc gia. Hàng năm, từ ngày 19 đến ngày 21 tháng Giêng âm lịch, Lễ hội Chùa Hang thu hút đông đảo du khách thập phương về chiêm bái.
Sức hút mãnh liệt từ những đồi chè Tân Cương
Xuân Quý Mão - 2023, các bạn trẻ trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã lên kế hoạch chuyến du xuân thưởng ngoạn nét đẹp trên những đồi chè. Bạn Hà My, một thành viên trong nhóm không giấu được vẻ háo hức nói: "Ngắm những tấm ảnh bạn bè chụp từ đồi chè Tân Cương, bọn em ấp ủ kế hoạch lâu rồi nên sau mấy ngày đón Tết bọn em sẽ lên đường ngay để được sống trong không gian xanh mướt, đẹp mê hồn của những đồi chè này".
Thái Nguyên có vùng chè Tân Cương (cách Trung tâm Thành phố 10km) được mệnh danh là "Đệ nhất danh trà", tại đây, người dân sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ, xây dựng thương hiệu chè đạt các tiêu chí OCOP và nhiều cơ sở sản xuất chè đã đầu tư phát triển dịch vụ tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu về văn hóa trà. Năm 2017, vùng chè Tân Cương đã được công nhận là điểm du lịch địa phương và hiện nay, nơi đây đang tích cực triển khai xây dựng mô hình điểm về du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Với diện tích hơn 1.300 ha, những đồi trồng chè ở đây đều thoai thoải hướng về phía mặt trời mọc dường như đang hấp thụ toàn bộ tinh hoa của đất trời tạo nên khung cảnh hùng vĩ, nên thơ khiến khi đến nơi đây, bạn dường như thấy mình đang lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh.
Chè Tân Cương là đặc sản níu chân du khách bởi hương vị quyến rũ, đậm đà và lắng đọng vị ngọt khi thưởng. Đến vùng chè Tân Cương, du khách còn được thỏa chí tìm hiểu về lịch sử trà Thái Nguyên qua Không gian văn hóa trà Tân Cương bởi nơi đây như một nhân chứng ghi lại tất cả những thành tựu về loài cây này trên mảnh đất Thái Nguyên, giúp du khách có cơ hội thưởng trà theo đúng văn hóa uống trà của Việt Nam.
Để quảng bá thương hiệu chè Tân Cương, lưu giữ bản sắc văn hóa trà, Thái Nguyên đã khôi phục Lễ hội "Hương sắc Trà xuân" và tổ chức định kỳ hằng năm với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa như: Thi rước cây chè cổ, thi sao chè, vò chè bằng phương pháp thủ công…
Trải nghiệm khó quên tại các khu du lịch sinh thái
Với xu hướng "sống xanh" trong cuộc sống hiện đại ngày nay, ngày càng nhiều người muốn được trở về với cuộc sống thanh bình, yên ả và thân thiện với môi trường, được nghỉ dưỡng và bảo đảm sức khỏe, tinh thần. Vậy nên Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đưa ra định hướng: "Phát triển du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường".
Thời gian qua, TP Thái Nguyên rất chú trọng đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững. Hồ Núi Cốc - Vùng hồ huyền thoại, với khoảng 1/5 diện tích mặt nước nằm trên địa bàn thành phố Thái Nguyên là lợi thế rất lớn để địa phương khai thác và phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, dã ngoại gắn với những điểm đến hấp như: Khu Bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải nằm trên địa bàn xã Thịnh Đức, có diện tích khoảng 25ha với 30 ngôi nhà sàn tuổi đời hàng trăm năm. Khu du lịch được chia thành nhiều không gian khác nhau như khu bảo tồn, khu ẩm thực, khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí, khu sự kiện…có thể chứa được 2000 khách du lịch trong cùng một thời điểm – đây là khu du lịch tư nhân đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên được công nhận là điểm đến du lịch địa phương. Nơi đây đã đón tiếp nhiều khách du lịch quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau.
Tháng 12/2022, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đã công bố danh sách 32 điểm đến trên toàn thế giới trở thành "Làng Du lịch tốt nhất năm 2022". Trong đó, Khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải của Việt Nam vinh dự góp tên trong danh sách trên. Theo UNWTO, Lễ trao giải sẽ diễn ra tại AlUla, Ả-rập Xê-út vào ngày 27, 28 tháng 2/2023.
Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Nam Phương Hồ Núi Cốc cũng là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn được bao bọc bởi 5ha cây xanh và gần 2ha diện tích bám mặt hồ Núi Cốc giúp du khách tận hưởng không gian thiên nhiên trong lành khoáng đạt.
Khu du lịch sinh thái cao cấp Đồi Trinh nữ cũng là địa chỉ ấn tượng với du khách khi đến TP Thái Nguyên. Khu du lịch này được xây dựng trên diện tích hơn 18ha bao gồm nhiều hạng mục vừa mang nét truyền thống vừa mang nét hiện đại.
Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế đó, nhiều điểm đến, dịch vụ du lịch tư nhân khác trên địa bàn thành phố được đầu tư xây dựng cũng đã phần nào đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí và khám phá văn hóa của du khách như: Khu sinh thái An Bình, Việt Phượng Royal Palace, Trống Đồng Plaza, Đông Á Plaza, Khách sạn Dạ Hương, Kim Thái, Không gian văn hóa trà Hương Vân…. Ngoài ra các khách sạn, nhà hàng ẩm thực, khu sinh thái và các siêu thị cao cấp đang ngày càng phát triển theo nét đặc trưng của thành phố Thái Nguyên.
Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thành phố Thái Nguyên: "Hiện nay, thành phố đẩy mạnh công tác phối hợp với các sở, ngành và các cơ quan liên quan của tỉnh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, triển khai các dự án trọng điểm phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí như: Khu văn hóa thể thao vui chơi giải trí phục vụ công cộng Linh Sơn Hills (xã Linh Sơn); Công viên giải trí gắn với dịch vụ du lịch trải nghiệm có trách nhiệm và bảo tồn thiên nhiên EcoValley (xã Phúc Trìu); Khu giáo dục trải nghiệm và sản xuất nông nghiệp hữu cơ Eco Valley; Khu Tổ hợp thể thao du lịch và nghỉ dưỡng Thái Nguyên (xã Huống Thượng); Khu du lịch nghỉ dưỡng EcoValley..."
Nhằm phát triển lĩnh vực du lịch, cũng theo ông Nguyễn Thanh Hải cho biết: "Các sản phẩm du lịch trên địa bàn thành phố là sự giao thoa giữa các yếu tố lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội, tạo nên nét đặc trưng riêng có để thu hút du khách. Để du lịch của thành phố tiếp tục có những điểm nhấn, xứng với tiềm năng, TP Thái Nguyên đã xây dựng Đề án phát triển du lịch TP Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, với tổng kinh phí đầu tư gần 4,3 tỷ đồng. Mục tiêu là đến năm 2025, hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với văn hóa trà tại xã tân Cương, có thương hiệu và sức cạnh tranh về quy mô, chất lượng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…".
Có thể nói, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc phát triển du lịch của tỉnh nói chung và của thành phố nói riêng cũng như sự đồng thuận của người dân trong việc xây dựng sản phẩm du lịch của thành phố, tin tưởng rằng, thành phố Thái Nguyên sẽ luôn là một điểm đến hấp dẫn với du khách.
Phương LoanCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.