Thành phố Thanh Hóa: Vẫn chưa có sự công tâm, công bằng cho gia đình mẹ liệt sĩ Phạm Thị Muôn

Tiếp thị - Pháp luật
01:39 PM 20/01/2021

Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị số ra ngày 25/8/2020 đã có bài phản ánh với nhan đề: “Thành phố Thanh Hóa: Cần lắm sự công tâm, công bằng cho gia đình mẹ liệt sỹ Phạm Thị Muôn, phường Đông Hải, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa”. Sau khi được phát hành, bài viết đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ của đông đảo bạn đọc.

Để tìm hiểu thêm thông tin về vụ việc, phóng viên (PV) Tạp chí DN&TT đã liên hệ với ông Lê Anh Xuân, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố. Trả lời PV, Bí thư Lê Anh Xuân bày tỏ sự thông cảm, trăn trở về việc thu hồi và cho rằng việc giải phóng mặt bằng (GPMB) đối với những khu đất của gia đình mẹ liệt sỹ vẫn còn những điều cần phải được làm rõ. Ông đã giao việc này cho Thanh tra thành phố kiểm tra, báo cáo để Chủ tịch UBND thành phố bố trí buổi làm việc gần nhất trả lời cho công dân và báo chí, bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng theo tinh thần thượng tôn pháp luật.

Thế nhưng, đã hơn 6 tháng qua, các cơ quan liên quan như TAND tỉnh, UBND thành phố Thanh Hóa vẫn im lặng một cách đáng sợ (!), buộc gia đình bà Phạm Thị Muôn, mà người đại diện là chị Lê Thị Tùng phải tiếp tục làm đơn khiếu nại gửi tới các lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, các cơ quan chức năng kêu cứu; bày tỏ nguyện vọng được các cơ quan chức năng xem xét, thực thi một cách công tâm, công bằng đối với các thửa đất còn đang bị "bỏ quên" ngoài sổ sách! Chị Lê Thị Tùng mong muốn: "Các cơ quan chức năng đừng vì thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, đo đạc diện tích đất ở thực tế và việc áp giá bồi thường khi thu hồi đất cho gia đình thuộc diện chính sách bị sai lệch, dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà bị xâm phạm nghiêm trọng cả về vật chất lẫn tinh thần".

Thành phố Thanh Hóa: Vẫn chưa có sự công tâm, công bằng cho gia đình mẹ liệt sĩ Phạm Thị Muôn! - Ảnh 1.

Bà Muôn thuộc diện được Đảng và Nhà nước quan tâm giúp đỡ đặc biệt. Bà Muôn nay đã gần 90 tuổi, cái tuổi gần đất xa trời. Bà không chỉ nuôi dưỡng 9 người con khôn lớn trưởng thành, mà còn động viên con cái hăng hái lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc. Con trai bà đã dũng cảm hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sự mất mát lớn lao của một người mẹ, lẽ ra việc giải quyết bồi thường tiền và phần đất ở nơi tái định cư cho bà phải được thực hiện kịp thời, nhanh chóng đảm bảo quyền lợi cho gia đình thuộc hộ chính sách theo quy định của pháp luật. 

Nhưng, trong vụ việc này, Ban Giải phóng mặt bằng và tái định cư (GPMT&TĐC) đã không thực hiện đúng quy trình kiểm kê, đo đạc diện tích đất thực tế mà lấy số liệu thiếu chính xác, thiếu hụt gần 800 m2 đất thổ cư của gia đình bà trong nhiều năm qua. Qua 4 lần áp giá đền bù cho gia đình bà, đã bộc lộ những thiếu sót, liệu có vi phạm pháp luật của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thuộc UBND thành phố Thanh Hóa, dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình bà bị xâm phạm nghiêm trọng cả về vật chất lẫn tinh thần. Hơn 12 năm qua bà phải sống trong cảnh tạm bợ, tư tưởng hoài nghi, lo âu kéo dài triền miên hết năm này qua năm khác…

Trên thực tế, gia đình bà Phạm Thị Muôn có nhiều thửa đất liền kề tại phố Lễ Môn, phường Đông Hải, thành phố Thanh Hóa, có nguồn gốc của cha ông để lại từ trước năm 1980. Diện tích gia đình bà đang quản lý là 1.785 m2, nhưng trong sổ mục kê tên ông Lê Khắc Bách (chồng bà Muôn đã chết) chỉ ghi là 1.038 m2; bản đồ 364 năm 1994 đổi thành thửa 224, Tờ bản đồ số 05 mang tên Lê Khắc Quang (con bà Muôn, nay anh Quang đã chết), lại ghi diện tích là: 1.095 m2. 

Đến năm 2007, khi cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) cho bà Muôn, UBND thành phố Thanh Hóa mới chỉ thừa nhận gia đình bà có 1.008,24 m2 diện tích đất ở mà bỏ ngoài sổ sách 776,86 m2 đất ở của bà. Trong đó, thửa đất thứ 2 liền kề là thửa số 162 có diện tích thể hiện trong bản đồ 299 là 280 m2 nhưng lại không có tên trong sổ mục kê và diện tích đất ngõ chưa được công nhận. Đây là điều then chốt cần phải làm sáng tỏ để xác minh sự thật trong vụ việc này.

Việc thu hồi này nằm trong khuôn khổ thực hiện dự án xây dựng Đại lộ Nam sông Mã. Ngày 12/8/2020, Hội đồng thẩm định, với đầy đủ các thành viên theo quy định, đã tiến hành thực hiện thẩm định tại chỗ theo yêu cầu của TAND tỉnh Thanh Hóa đối với hiện trạng sử dụng đất ở, nhà và tài sản khác gắn liền với đất của hộ gia đình bà Muôn, dưới sự chủ trì của Thẩm phán Lê Thị Dung. 

Việc đo đạc do nhân viên chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) được thực hiện bằng máy đo định vị, có sự tham gia của BGPMB & TĐC UBND TP, cán bộ địa chính UBND và Công an phường Đông Hải, cán bộ thôn Lễ Môn và 4 hộ liền kề. Kết thúc buổi làm việc thông qua biên bản, lẽ ra, Hội đồng phải công khai kết quả đo đạc và đưa vào Biên bản Thẩm định nhưng ông Lê Khắc Sơn (Tổ trưởng tổ đo đạc) lại nói: "Số liệu chưa công bố được, vì phải đối chiếu xem đất đai nhà bà Muôn có bị chồng lấn với đất hộ khác hay không rồi ngày mai sẽ cung cấp cho những ai có nhu cầu". Người viết bài này cũng như gia đình bà Muôn chờ đợi mãi nhưng vẫn không được ai trong Hội đồng thẩm định nói trên cung cấp kết quả về số liệu đo đạc thực tế.

Trong việc làm trên, ông Tổ trưởng Lê Khắc Sơn đã vi phạm Điều 88 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, không làm đúng và đầy đủ chức trách của một cán bộ công chức được Giám đốc Văn phòng Đăng ký QSDĐ TP Thanh Hóa giao và Hội đồng Thẩm định của Tòa án trưng cầu, ảnh hưởng đến chậm tiến độ giải quyết vụ án. Trách nhiệm này còn thuộc về Thẩm phán Lê Thị Dung.

Đã hơn 12 năm nay, gia đình bà Muôn đã gửi nhiều đơn thư đến các lãnh đạo từ Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội; Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, ông Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường, Viện trưởng VKSND tỉnh Thanh Hóa… Hầu hết các vị này đều có ý kiến chỉ đạo cho các phòng, ban chức năng của thành phố Thanh Hóa giải quyết dứt điểm báo cáo kết quả, thế nhưng, các phòng ban chức năng của thành phố vẫn không có động thái gì mà chỉ im lặng kéo dài.

Ngày 01/01/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước. Chỉ thị cũng nêu rõ: "Yêu cầu các ngành, địa phương, người lãnh đạo phải thượng tôn pháp luật; nâng cao đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ nhân dân; thực hiện đúng và đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao, không đùn đẩy, né tránh, bỏ sót nhiệm vụ và không trực tiếp xử lý công việc được giao. Kiên quyết loại bỏ ra khỏi bộ máy các cán bộ, công chức… tham nhũng, có năng lực yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm phẩm chất đạo đức, không hoàn thành nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật". 

Vì vậy, rất mong các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhanh chóng giải quyết kịp thời và dứt điểm vụ việc trên cơ sở khách quan toàn diện, đảm bảo cho sự công minh và công bằng của xã hội để xác định quyền và lợi ích chính đáng cho gia đình bà Muôn. Có như vậy mới lấy lại niềm tin của gia đình bà và người dân. Hướng tới chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị sẽ tiếp tục theo dõi và phản ánh kết quả vụ việc tới bạn đọc.

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn
VSMCamp & CSMOSummit 2024 khởi động với gần 40 bài tham luận trong ngày đầu tiên VSMCamp & CSMOSummit 2024 khởi động với gần 40 bài tham luận trong ngày đầu tiên

Đại hội Sales và Marketing toàn quốc (VSMCamp) và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing (CSMOSummit) mùa thứ 8 đã trở lại trong hai ngày 22-23/11/2024, tại trường Đại học VinUni, Hà Nội, với chủ đề “FORWARD+ Chiến lược sales và marketing trong kỷ nguyên phát triển bền vững”. Trong ngày đầu tiên của chuỗi sự kiện, hơn 60 diễn giả, chuyên gia; các cơ quan truyền thông, báo chí; những người hoạt động và có mối quan tâm tới lĩnh vực sales & marketing cùng sinh viên các trường Đại học đã hội tụ tại sự kiện sales và marketing lớn nhất năm.