Thanh toán không dùng tiền mặt - Làm sao để lan tỏa?
Việc thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đã và đang có những bước phát triển mạnh mẽ với sự cạnh tranh sôi động về phát triển dịch vụ bán lẻ phi tín dụng của các ngân hàng thương mại, các công ty công nghệ hỗ trợ dịch vụ thanh toán, tổ chức trung gian thanh toán.
Xu thế tất yếu
Theo Ngân hàng Nhà nước, TTKDTM trong 5 năm qua (2016-2020) đã đạt được các bước tiến lớn cả về chất và lượng. Đến nay, có 78 tổ chức triển khai thanh toán qua Internet, 49 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua di động và 34 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Năm 2019, giao dịch qua Internet tăng 64% về số giao dịch và tăng 37% về giá trị giao dịch, qua kênh di động tăng tương ứng 198% và 210% so với năm 2018.
Việc TTKDTM đã và đang là xu thế tất yếu. Ảnh minh họa
Các chuyên gia cho rằng, một khi TTKDTM được phổ biến sẽ mang lại lợi ích rất lớn cả về thời gian, tài chính cho nền kinh tế. Việc thanh toán bằng thẻ tín dụng, hay chuyển tiền qua ứng dụng trên điện thoại thông minh thì mọi chuyện đều phải minh bạch. Các nghiệp vụ TTKDTM đều được thực hiện thông qua hệ thống các ngân hàng, do đó góp phần giúp cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ kiểm soát được nạn "rửa tiền", kiểm soát hoạt động của các đơn vị kinh tế, của các ngành nghề một cách nhanh chóng, chính xác và kịp thời đưa ra các giải pháp giúp nền kinh tế tăng trưởng tốt và bền vững.
Ngoài ra, TTKDTM cũng tham gia góp phần chống thất thu thuế. Khi khách hàng tham gia thanh toán qua ngân hàng thì tất cả các khoản thu nhập hay chi tiêu đều thực hiện trên tài khoản ngân hàng, do đó việc tính thuế và cả thu thuế sẽ được tiến hành chính xác và nhanh chóng hơn so với khi khách hàng thanh toán bằng tiền mặt.
TTKDTM cũng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng. Khách hàng sau khi có tài khoản tại ngân hàng, có thể sử dụng với tính thanh khoản cao, đồng thời tiết kiệm được các chi phí phát sinh như chi phí vận chuyển chi phí kiểm đếm, chi phí bảo quản tiền mặt. Đặc biệt, khách hàng sẽ không phải đối mặt với các vấn để như khi sử dụng tiền mặt thanh toán trực tiếp như trộm cắp, hỏa hoạn, yên tâm khi thực hiện các giao dịch với khối lượng tiền lớn.
Cần tháo gỡ nút thắt
Theo các chuyên gia, TTKDTM là xu thế tất yếu của toàn thế giới và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Chính phủ đã mong muốn một xã hội không tiền mặt bằng Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam. Đây tất nhiên là điều đáng mừng bởi với một nền một nền kinh tế ít tiền mặt hơn sẽ mang lại lợi ích cho các bên.
TTKDTM sẽ tạo chuyển biến rõ rệt, làm thay đổi dần tập quán sử dụng các phương tiện thanh toán trong xã hội, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, giảm tỷ lệ tiền mặt trong lưu thông tính trên GDP, tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán. Đồng thời nâng cao được hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan nhà nước, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán trong nền kinh tế và thu nhập cá nhân trong xã hội, góp phần vào công tác phòng, chống tham những, tiêu cực và tội phạm kinh tế.
Chúng ta có thể hình dung đơn giản rằng, nhờ TTKDTM người dân sẽ bớt cảm thấy phiền toái và mất an toàn khi ra đường bởi ví tiền và túi xách. Người bán không phải vất vả với tiền lẻ và hoạch toán sổ sách. Còn Nhà nước sẽ dễ dàng thu thuế hơn, kiểm soát được các hoạt động chi tiêu của người dân, tiểu thương hoặc ngay cả những người bán hàng rong khi sử dụng giao dịch điện tử.
Tuy nhiên việc TTKDTM hiện nay ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn. Theo ông Trịnh Xuân Tuyền - Ngân hàng Vietinbank, một trong những lý do tiền mặt còn phổ biến đó là tập quán và thói quen của người dân về chi tiêu ăn sâu trong tiềm thức mỗi người chưa thể thay đổi một sớm, một chiều.
Thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, văn hóa bán hàng đúng như quảng cáo chưa được nhiều thương nhân thực hiện tốt; các thiết chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có nhưng chưa được thuận tiện cho người mua hàng khi có nhiều khiếu nại cũng là lý do cản trở TTKDTM.
Việc thanh toán online cũng bất cập khi mà ở đâu đó, thông tin giữa các trung gian tài chính và người tiêu dùng bị kẻ gian đánh cắp, dẫn đến mất tiền trong tài khoản, ảnh hưởng đến niềm tin người tiêu dùng.
"Yếu tố lòng tin của người tiêu dùng với các đối tác cung ứng dịch vụ hàng hóa chưa thể nâng cao lập tức thì lòng tin giữa các đối tác mua bán với nhau còn thấp", ông Tuyền chia sẻ.
Còn theo ông Phạm Xuân Hòe – nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước): :Để phương thức TTKDTM có sức lan tỏa, cần điều chỉnh mức phí hợp lý cho những khách hàng có nhiều giao dịch trong một ngày, nhất là những giao dịch nhỏ.
Cần mở rộng mạng lưới các điểm chấp nhận thanh toán là một nhiệm vụ quan tọng. Cần nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu liên thông cấp quốc gia. Nếu được hưởng nhiều lợi ích như không bị thu phí cao, được nhận nhiều khuyến mại…người dùng sẽ thay đổi thói quen chuyển dần sang TTKDTM".
Để giải quyết những rào cản cho sự phát triển của TTKDTM, theo các chuyên gia, các cơ quan chức năng cần tiếp tục chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại vào các sản phẩm, dịch vụ thanh toán bảo đảm tiện ích, an toàn, bảo mật, chi phí hợp lý.
Một hệ thống thanh toán tổ chức tốt hơn, an toàn hơn, ít rủi ro thì không chỉ làm tăng doanh số thanh toán, làm cho dịch vụ thanh toán ngày càng trở nên hoàn thiện trong mắt người tiêu dùng mà còn góp phần hỗ trợ tích cực cho các hoạt động của các dịch vụ khác phát triển.
Trương HưngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.