Thanh toán không dùng tiền mặt lan tỏa ở cả 2 khối công, tư

Tài chính - Đầu tư
03:22 PM 24/06/2025

6 tháng đầu năm 2025, thanh toán không tiền mặt ở nhiều lĩnh vực vẫn tiếp tục chiều hướng tăng trưởng tốt ở khối dịch vụ công lẫn tư nhân, cho thấy sự tiện lợi, trải nghiệm trong thanh toán ngày càng được ưu tiên.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến cuối năm 2024, tổng thanh toán không tiền mặt đạt 17,7 tỷ giao dịch với giá trị 295 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 56% về số lượng và 32% về giá trị so với cuối năm 2023. 

Khảo sát xu hướng thanh toán nửa đầu 2025 của Payoo, một trong những đơn vị trung gian thanh toán lớn tại Việt Nam, nhiều cơ quan nhà nước và đơn vị công lập đã tích cực triển khai thanh toán không tiền mặt, đặc biệt là các khoản phí, lệ phí hành chính tại UBND các cấp, sở ngành. Hình thức thanh toán chủ yếu qua mã QR, thẻ ngân hàng và ví điện tử, được tích hợp trực tiếp trên các nền tảng trực tuyến hoặc điểm giao dịch.

Một điểm sáng khác là lĩnh vực giao thông công cộng tại các đô thị lớn như metro, xe buýt nhanh đã ứng dụng thanh toán không tiền mặt. Theo Sở GTVT TPHCM, tỉ lệ hành khách thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 70% trên các tuyến metro, cho thấy sự thay đổi rõ nét trong thói quen di chuyển đô thị, đồng thời khẳng định hiệu quả của việc chuyển đổi số trong lĩnh vực giao thông công cộng.

Thanh toán không dùng tiền mặt lan tỏa ở cả 2 khối công, tư- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Internet

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hồi tháng 5/2025 cũng cho thấy, tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong quý I năm nay tăng hơn 44% so với cùng kỳ năm trước, với giao dịch qua mã QR tăng gần 82%, là hình thức phổ biến tại các điểm dịch vụ công cộng.

Bên cạnh việc đáp ứng chủ trương của Chính phủ trong thúc đẩy chuyển đổi số, việc khối công triển khai thanh toán không tiền mặt còn giúp giảm tải thủ tục hành chính, minh bạch dòng tiền và tăng hiệu quả quản lý. Đồng thời, người dân cũng hưởng lợi nhờ giảm thời gian xếp hàng, tăng sự chủ động và thuận tiện khi tiếp cận dịch vụ công.

Ở khối doanh nghiệp tư nhân, ngành F&B tiếp tục giữ vững vị thế dẫn đầu về thanh toán điện tử, nhờ việc các chuỗi cửa hàng ngày càng phổ cập hình thức không dùng tiền mặt, đồng thời được thúc đẩy bởi loạt ưu đãi từ ngân hàng và tổ chức thẻ.

Một số lĩnh vực khác như bán lẻ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định, nhờ nhu cầu chi tiêu thiết yếu của người dân vẫn ở mức cao.

Bên cạnh đó, ngành thời trang và bán lẻ cao cấp cũng ghi nhận sự phục hồi nhẹ, được hỗ trợ bởi sự sôi động trở lại của du lịch nội địa và quốc tế.

Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sức khỏe và làm đẹp như nhà thuốc, phòng khám đến spa cũng tăng trưởng giá trị thanh toán không tiền mặt, cho thấy người dân ngày càng chú trọng đầu tư cho sức khỏe thể chất và tinh thần.

Payoo nhận định xu hướng thanh toán không tiền mặt trong cả hai lĩnh vực công - tư sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới khi các đơn vị dịch vụ công áp dụng thêm nhiều giải pháp công nghệ đơn giản, dễ tiếp cận, như thanh toán qua điện thoại (soft POS), QR tích hợp trên hóa đơn, giúp cả người dân và cán bộ dễ sử dụng, đồng thời đảm bảo an toàn và đối soát rõ ràng.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Hà Nội: 126 xã, phường vận hành chính quyền địa phương hai cấp thông suốt, hiệu quả Hà Nội: 126 xã, phường vận hành chính quyền địa phương hai cấp thông suốt, hiệu quả

Sau 15 ngày đầu chính thức vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, hoạt động của 126 xã, phường tại Hà Nội đang dần ổn định, không bị gián đoạn, tiếp nhận tới gần 67.000 hồ sơ thủ tục hành chính…