Thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn còn khó khăn
Trong thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Tuy nhiên, việc phát triển TTKDTM khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế do đại bộ phận người dân chưa có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ và tiện ích thanh toán hiện đại.
- Đại dịch COVID-19 thay đổi thói quen, 'bùng nổ' thanh toán không dùng tiền mặt
- Chính phủ đặt mục tiêu năm 2025 giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP
- Chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt là nhu cầu bức thiết, các dịch vụ đã đi vào mọi ngóc ngách của đời sống
- Thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam: Từ mạnh ai nấy làm đến giang sơn quy về một mối
Rào cản lớn cho phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại KVNT
Ngày 1/12, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp tổ chức Hội thảo “Ngày nông dân không dùng tiền mặt”.
Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặt mục tiêu tạo sự chuyển biến tích cực và từng bước phát triển về thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Với tiêu chí 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản; số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/năm…
Theo NHNN, hoạt động thanh toán qua các kênh điện tử tăng trưởng mạnh qua các năm, trong đó, thanh toán qua di động tăng 50-80%/năm về số lượng; thanh toán qua internet tăng 35-40%/năm về số lượng; tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.
Tuy vậy, ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho rằng, việc phổ cập phương thức thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn gặp khó khăn do còn hạn chế số lượng điểm chấp nhận phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân. Cùng với đó là những khó khăn về hạ tầng viễn thông, internet; cơ sở pháp lý cho hoạt động ngân hàng đại lý; rủi ro an ninh mạng...
Vì thế, cần các giải pháp quyết liệt từ các bộ, ngành có liên quan. Quan trọng hơn, cần phải đồng bộ từ chính sách tới hạ tầng cơ sở để phương thức thanh toán hiện đại có điều kiện sử dụng một cách rộng rãi hơn ở khu vực nông thôn.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Trước vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng khẳng định, ngành Ngân hàng luôn quan tâm và triển khai nhiều chính sách nhằm đưa sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đến với bà con ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Cụ thể, NHNN đã nghiên cứu, ban hành quy định tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích phát triển thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa như: hướng dẫn mở tài khoản thanh toán bằng phương thức điện tử trực tuyến (eKYC); thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) và đã cấp phép cho 3 nhà mạng viễn thông gồm Viettel, VNPT và MobiFone triển khai thí điểm; nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại như thẻ ngân hàng, QR Code, ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking… đã được các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán triển khai...
Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, cụ thể như:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định 1813/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị liên quan triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ; Trình Chính phủ Nghị định về TTKDTM và ban hành các văn bản hướng dẫn, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, hạ tầng Hệ thống thanh toán bù trừ tự động phục vụ các giao dịch bán lẻ theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7 cho mọi đối tượng và người dân; nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ mới vào lĩnh vực thanh toán để đưa ra những sản phẩm, dịch vụ tiện ích, phù hợp với hành vi tiêu dùng ở khu vực nông thôn.
Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục tài chính về TTKDTM nhằm nâng cao nhận thức của người dân về TTKDTM, tăng cường các biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp người tiêu dùng.
HM (T/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.