Thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam: Từ mạnh ai nấy làm đến giang sơn quy về một mối

Doanh nghiệp - Doanh nhân
09:28 AM 28/01/2021

Sau thời gian nở rộ, những hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như qua internet banking hay ví điện tử đang bộc lộ những mặt trái không đẹp, tạo nhiều gánh nặng cho chủ doanh nghiệp cũng như người dùng. Thế nên, hiện đang có rất nhiều startup hướng tới dịch vụ thanh toán đa kênh, "giang sơn quy về một mối", để giải quyết nổi đau của thị trường.

Theo Techfest, trong những năm vừa qua, Việt Nam đã chứng kiến sự bùng nổ của các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, bao gồm thẻ tín dụng, dịch vụ ngân hàng trực tuyến Internet banking, ví điện tử và các ứng dụng thanh toán kỹ thuật số khác. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tích cực đón nhận thanh toán kỹ thuật số bởi tính tiện lợi và tốc độ nhanh chóng, do đó hình thức thanh toán này được sử dụng thường xuyên hơn trong các giao dịch trực tiếp tại cửa hàng và mua sắm trực tuyến.

Khảo sát cũng cho thấy, các công nghệ thanh toán mới này đang thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng, với 82% người sử dụng cho biết, họ quan tâm đến phương thức thanh toán bằng sinh trắc học, chẳng hạn như sử dụng dấu vân tay hoặc xác thực bằng giọng nói để hoàn thành giao dịch, trong khi 81% người dùng quan tâm đến thanh toán thông qua ngân hàng số.

Tuy nhiên, tiền mặt vẫn đang chiếm ưu thế khi chiếm tới 90% giao dịch, tức là tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt mới chỉ chiếm khoảng 10%, còn thấp hơn so với mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là đến năm 2020, tỷ lệ thanh toán cashless phải chiếm hơn 30% trên tổng giá trị thanh toán thương mại trong tiêu dùng tại Việt Nam. Hiện mới có khoảng 31% số dân Việt Nam có tài khoản ngân hàng, 69% số người chưa có tài khoản tập trung ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. 

Ngoài việc tỷ lệ có tài khoản ngân hàng thấp, thì việc phải trả phí cho các dịch vụ thanh toán điện tử và đặc biệt bởi các hình thức thanh toán quá phân tán; ảnh hưởng xấu đến sự sẵn sàng sử dụng thanh toán không tiền mặt hay thanh toán điện tử của người dân Việt Nam.

Theo NHNN, Việt Nam đã có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet (Ngân hàng trong và ngoài nước cùng các sản phẩm thanh toán online của họ) và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động (mobile payment) như ví điện tử - các loại công nghệ thanh toán. Số tài khoản cá nhân đạt 95,6 triệu tài khoản, tăng 45,5% so với cùng kỳ năm 2016. Ví điện tử đang ở thời kỳ hoàng kim, khi Momo gọi được vốn khủng còn VNPay vừa chính thức trở thành "Kỳ lân" thứ hai của Việt Nam.

Việc có quá nhiều phương thức thanh toán không tiền mặt đơn lẻ, vừa tốt lại vừa không tốt cho cả chủ doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Tốt là họ có thể tha hồ lựa chọn; không tốt là vì quá nhiều nên người dùng chỉ có thể chọn 1, 2 hoặc 3 phương thức thanh toán, còn chủ cửa hàng buộc phải sử dụng rất nhiều phương thức, gây áp lực lên hệ thống quản lý – thanh toán của doanh nghiệp cũng như chi phí đấu nối.


Wee Digital hợp tác chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 triển khai công nghệ thanh toán bằng khuôn mặt FacePay 

Thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam:  Từ mạnh ai nấy làm đến giang sơn quy về một mối - Ảnh 1.

Ông Mai Thụy Nhân (trái) đang tiến hành ký kết hợp tác với ông Christian Nguyễn - Founder kiêm CEO của Wee Digital.

"Thanh toán bằng tiền mặt luôn vô cùng rắc rối, nhất là ở khâu vận hành và tính an toàn cũng như rất khó để mang đến những trải nghiệm khách hàng khác biệt. Dù hiện tại, nhiều người Việt vẫn chủ yếu thích thanh toán bằng tiền mặt, nhưng soi vào các con số mà GS25 thu thập được, rõ ràng thanh toán bằng tiền mặt đang ngày càng được ưa chuộng hơn. Trước đây, chỉ có 10% doanh thu của GS25 là không dùng tiền mặt, nhưng nay đã tăng lên 30%.

Tuy nhiên, mảng thanh toán không tiền mặt cũng có các vấn đề của nó, ví dụ: GS25 Việt Nam hiện đang hợp tác với khoảng 22 dịch vụ thanh toán, tức chúng tôi cũng phải dành rất nhiều thời gian và nguồn lực để tích hợp với các hệ thống thanh toán", ông Mai Thụy Nhân – CEO của chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25 chia sẻ trong buổi lễ ký kết hợp tác cùng Wee Digital, bắt đầu thử triển khai dịch vụ thanh toán bằng khuôn mặt FacePay trên toàn hệ thống tại Việt Nam.

Các bước thực hiện khá đơn giản: người dùng sẽ dùng app để chụp ảnh người dùng và lưu lại.

Sau khi chọn hàng và nhân viên cửa hàng quét giá xong, người cùng chỉ cần để một máy tính bảng nhỏ quét nhận diện khuôn mặt người dùng và xác thực bằng password tài khoản là hoàn tất thanh toán. Tất nhiên, trước đó app FacePay của bạn phải tích hợp với một tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử nào đó. GS25 Việt Nam sẽ là chuỗi bán lẻ đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công cụ thanh toán bằng khuôn mặt, nếu họ chính thức triển khai FacePay trên toàn chuỗi vào đầu năm 2021 như dự định.

Qua sự hợp tác cùng Wee Digital – FacePay và NAPAS, GS25 Việt Nam mong muốn việc thanh toán qua online sẽ giúp người dùng cảm thấy an toàn, tiện lợi, nhanh hơn và thú vị hơn. Ông Mai Thụy Nhân cũng cho rằng, chính fintech và ngân hàng sẽ giúp ngành bán lẻ chuyển đổi một cách toàn diện để trở nên mới mẻ và tốt hơn.

Wee Digital chính là một startup hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực nhân dạng số. Họ vận hành với mục tiêu đưa từng cá nhân trở lại vị trí trung tâm của mọi hoạt động và giao dịch, san lấp khoảng cách giữa môi trường online và offline của các nền tảng bán hàng đa kênh (omni-channel). Họ tự xây dựng thuật toán nhận diện bằng khuôn mặt với lực lượng hơn 50 kỹ sư người bản địa. Năm 2018, Wee Digital từng vô địch Fintech Challenge Vietnam.

Thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam:  Từ mạnh ai nấy làm đến giang sơn quy về một mối - Ảnh 2.

Một sản phẩm Wee Digital đã triển khai cho Vinpearl.

Ngoài sản phẩm FacePay dành cho ngành bán lẻ, startup này còn có những sản phẩm khác liên quan đến nhân dạng số cho ngành ngân hàng – Face OTP, văn phòng – Smart Locker, khách sạn – bất động sản, hàng không…

"Wee Digital đang tham gia giải quyết các thách thức lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam, như hành trình đi đến một xã hội không dùng tiền mặt. Hiện chúng tôi là một số ít doanh nghiệp trên thị trường Việt Nam và cả châu Á có đầy đủ các dịch vụ - sản phẩm cung cấp cho các đối tác trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, từ nhận dạng bằng khuôn mặt – QR Code – phát triển phần cứng – tự phát triển thuật toán. Nhờ dịch vụ đa dạng và công nghệ hiện đại bậc nhất thị trường, năm 2020, doanh thu của chúng tôi rơi vào khoảng 2,2 triệu USD.

Do chúng ta đi sau, nên đi rất nhanh. Trung Quốc cần hơn 20 năm mới đi được từ thanh toán tiền mặt lên thanh toán bằng khuôn mặt, nhưng Việt Nam chỉ cần 5 năm để đi hết hành trình dài đó, khi chúng ta gần như bỏ qua giai đoạn QR Code", Christian Nguyễn - Founder kiêm CEO của Wee Digital nêu cụ thế.

Ngoài GS25, khách hàng của Wee Digital còn có những thương hiệu đang dẫn dắt thị trường như Vietinbank hay Vingroup.

Payoo – HSBC triển khai Giải pháp thu đa kênh cho Galaxy Studio

Cùng quan điểm với lãnh đạo GS25, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc toàn quốc Trung tâm thanh toán và quản lý tiền tệ thuộc HSBC Việt Nam, nhận định trong buổi ký kết hợp đồng triển khai dịch vụ Giải pháp thu đa kênh (Omni Channel Collections Solution) cho Galaxy Studio: trong quá trình làm việc cùng, HSBC thấy các khách hàng của mình gặp rất nhiều bất cập khi sử dụng cùng lúc nhiều phương thức thanh toán điện tử.

Cụ thể: khi sử dụng nhiều hình thức thanh toán, mỗi một đối tác thanh toán có một quy trình và cách làm việc khác nhau nên họ phải đối chiếu và rà soát theo trình tự và thời gian tương ứng, thêm nữa tiền về tài khoản doanh nghiệp phải trung bình sau 3 ngày, điều này tạo ra một độ rủi ro nhất định bởi rõ ràng khách hàng đã dùng dịch vụ rồi xong doanh nghiệp vẫn chưa nhận được tiền.

Ngoài ra, còn có chi phí tiềm ẩn như nhiều nhà cung cấp tương ứng với nhiều chi phí liên kết và thẩm định cũng như xử lý tiền mặt. Hay thiếu đi sự giám sát quá trình giao dịch, đối với phương thức thanh toán khi nhận hàng, việc theo dõi các giao dịch trong quá trình thực hiện bị hạn chế.

Thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam:  Từ mạnh ai nấy làm đến giang sơn quy về một mối - Ảnh 3.

Đại diện HSBC và Galaxy Studio đang ký thỏa thuận triển khai giải pháp thanh toán đa kênh đầu tiên tại Việt Nam.

Trước thực trạng này của thị trường, HSBC cùng Payoo đã cho ra mắt Giải pháp thu đa kênh (Omni Channel Collections Solution). Giải pháp thu đa kênh này sẽ trang bị cho doanh nghiệp chỉ một nền tảng duy nhất, hỗ trợ việc thu tiền bán vé từ nhiều phương thức khác nhau, với trung bình 500.000 giao dịch mỗi tháng.

Chưa hết, nó còn giúp Galaxy Cinema tiết kiệm công sức khi không phải làm việc với nhiều nhà cung cấp dịch vụ thanh toán cùng một lúc, đồng thời cung cấp tiêu chuẩn dịch vụ nhất quán, tập trung đầu mối, hỗ trợ việc triển khai, thủ tục và truy vấn. Theo chia sẻ của chị Đinh Thị Thanh Hương - CEO Galaxy Studio, Galaxy có khoảng 10 triệu khách hàng và mỗi tháng có 500.000 giao dịch, 1.500 giao dịch trong đó là qua đường trực tuyến. Galaxy Cinema hiện sở hữu 18 rạp chiếu phim và 108 phòng chiếu trải dài trên khắp Việt Nam.

Theo tiết lộ của bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, đây là giải pháp thu đa kênh đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và nước ta là thị trường thứ 7 hoặc 8 mà HSBC bán sản phẩm này. Sở dĩ HSBC và Payoo có thể cam kết trả tiền cho doanh nghiệp chỉ sau 1 ngày thay vì trung bình 3 ngày như ở thị trường bên ngoài, bởi họ đã có một thỏa thuận riêng với 21 ngân hàng Việt Nam, 6 ví điện tử, 31 bên có thanh toán QR Code, các ngân hàng quốc tế tại Việt Nam và cả thanh toán trả sau với hơn 10.000 cửa hàng bán lẻ khắp toàn quốc (VinMart, Coop Mart…)...

Với những ngân hàng hoặc fintech đã tham gia làm đối tác của giải pháp này, dòng tiền đó sẽ phải lưu chuyển theo ‘luật chơi’ riêng của giải pháp này chứ không phải theo quy trình chung của ngân hàng hoặc fintech nữa. Đó chính là nguyên do mà HSBC – Payoo có thể tự tin khẳng định là họ chỉ cần thời gian T 1 để đổ tiền vào tài khoản doanh nghiệp. Phân khúc khách hàng mà HSBC muốn nhắm tới khi ra mắt giải pháp này tại Việt Nam là các doanh nghiệp vừa, như Galaxy Studio.

Dù theo HSBC, đây là lần đầu tiên thị trường Việt Nam xuất hiện giải pháp thu đa kênh được thiết kế riêng cho một doanh nghiệp, song giải pháp này đã được Payoo hoà thiện vào cuối năm 2019 và rao bán cho các doanh nghiệp suốt năm 2020.

Thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam:  Từ mạnh ai nấy làm đến giang sơn quy về một mối - Ảnh 4.

Sản phẩm Payoo One-Stop Payment Acceptance

"Gần đây nhất, Payoo vừa cho ra mắt giải pháp thanh toán đa kênh, với tên gọi Payoo One-Stop Payment Acceptance - chấp nhận đa dạng phương thức thanh toán trên một thiết bị duy nhất.

Thực tế, do có quá nhiều phương tiện và cách thức thanh toán khác nhau, dẫn đến ít nhiều trở ngại, đặc biệt thường gặp phải ở những doanh nghiệp muốn tăng cơ hội bán hàng, như: tốn kém về nguồn lực và chi phí trong việc kết nối, lắp đặt thiết bị, khó khăn trong việc vận hành và quản lý khi phải kết nối nhiều đối tác và hình thức thanh toán khác nhau.

Để hỗ trợ giải quyết vấn đề đó, giải pháp thanh toán toàn diện "Payoo One-Stop Payment Acceptance" được ra đời với mong muốn gỡ bỏ những khó khăn từ khâu thanh toán trên một thiết bị cho đến tối ưu hóa chỉ qua một luồng đối soát.

Chỉ cần một kết nối duy nhất, doanh nghiệp có thể chấp nhận nhiều hình thức thanh toán hiện có như: thẻ quốc tế (visa, JCB, Master), thẻ ngân hàng nội địa, 6 Ví điện tử (Payoo, ví điện tử Moca trên ứng dụng Grab, ZaloPay, ViettelPay, VinID, True money), thanh toán qua QR Code trên 27 ứng dụng của 25 ngân hàng phổ biến và các phương thức thanh toán khác (coupon, voucher, thẻ trả trước v.v…).

Dựa trên sự tiện lợi, an toàn và phương thức thanh toán đa dạng, chỉ thông qua 1 thiết bị hoặc 1 kết nối duy nhất Payoo đã giải quyết được thấu đáo nỗi trăn trở của nhiều cửa hàng, khách hàng trong quá trình chuyển dịch sang xu hướng chấp nhận các giao dịch thanh toán điện tử", startup Payoo quảng cáo về sản phẩm thanh toán đa phương thức của mình.

Tất nhiên, để có thể ‘giang sơn quy về một mối’, những startup fintech như Wee Digital hay Payoo phải có những hậu thuẫn to lớn trong ngành tài chính – ngân hàng đứng đằng sau. Với cái tên đầu tiên là NAPAS, cái tên thứ hai là Mastercard. Payoo đã được Công ty Tài chính toàn cầu Mastercard chọn làm đối tác chiến lược vào năm 2013.

Quỳnh Như
Ý kiến của bạn