Tháo gỡ khó khăn, quyết tâm đưa nền kinh tế Quảng Nam vượt qua thách thức
Theo báo cáo, tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm của tỉnh Quảng Nam được đánh giá không mấy khả quan, với nhiều chỉ số giảm mạnh, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm so với cùng kỳ. Trước tình hình đó, đại diện các Sở, ngành đã thể hiện sự quyết tâm khắc phục khó khăn, tồn tại, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra.
Chiều 17/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang đã chủ trì buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023. Dự họp báo có lãnh đạo các Sở, ngành liên quan và đại diện các cơ quan báo, đài của Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo tại buổi họp báo, tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm của tỉnh Quảng Nam được đánh giá không mấy khả quan, với nhiều chỉ số giảm mạnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước giảm 9,2% so với cùng kỳ. Quy mô nền kinh tế ước đạt 54,6 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành), thuộc nhóm các tỉnh thành có quy mô nền kinh tế lớn trên cả nước, xếp vị thứ 23/63 tỉnh, thành phố; xếp vị thứ 5/14 tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ; xếp vị thứ 3/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung (sau Đà Nẵng, Quảng Ngãi).
Giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp giảm 24,3% so với cùng kỳ; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 30%. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 29,87% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng giảm 16,4% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, thu ngân sách chưa đạt tiến độ đề ra. Đến ngày 30/6/2023, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 11.646 tỷ đồng, đạt 44% dự toán, bằng 57% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu khoảng 1.903,18 triệu USD, giảm 26,22% so với cùng kỳ...
Mặc dù còn nhiều tồn tại, hạn chế, song, tình hình KT – XH 6 tháng đầu năm của tỉnh Quảng Nam có điểm nổi trội đó là sự vực dậy mạnh mẽ của ngành du lịch sau thời gian dài bị trì trệ do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo thống kê, tổng lượt khách tham quan, lưu trú du lịch ước đạt 4.566 nghìn lượt khách, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ. Doanh thu du lịch ước đạt 4.600 tỷ đồng, tăng gấp 2,64 lần so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 34,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ.
Sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, nền nhiệt độ cao, lượng mưa bổ sung nhiều, thuận lợi cho các loại cây trồng sinh trưởng phát triển và nuôi trồng thủy sản. Giá trị gia tăng ngành nông nghiệp tăng 4,3% so với cùng kỳ.
Công tác hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo được tập trung đẩy mạnh. Hệ thống y tế được củng cố; giáo dục được quan tâm đúng mức; ngành văn hóa thể thao đạt nhiều kết quả; công tác bảo trợ giảm nghèo, bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới được tăng cường. Cải cách hành chính được tập trung triển khai với nhiều nội dung, gắn với xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương được tổ chức thực hiện tốt, an ninh trật tự xã hội được đảm bảo; công tác thanh tra có trọng tâm, trọng điểm; hoạt động đối ngoại được tăng cường.
Tại buổi họp báo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang cùng đại diện các Sở, ngành đã giải đáp cụ thể những vấn đề nổi cộm được xã hội quan tâm trong thời gian qua. Đồng thời chia sẻ những giải pháp cũng như thể hiện sự quyết tâm khắc phục khó khăn, tồn tại, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra, sớm đưa nền kinh tế tỉnh Quảng Nam vượt qua thách thức, đạt được những kết quả tích cực.
Phùng SơnTheo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.