Tháo gỡ nút thắt cho xuất khẩu nông sản giữa đại dịch

Đầu tư và Tiếp thị
06:33 PM 20/08/2021

Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khiến việc xuất khẩu nông thủy sản có thể gặp những khó khăn vào những tháng cuối năm. Để xuất khẩu nông sản Việt Nam bắt kịp với nhu cầu phục hồi của thị trường thế giới cần có kế hoạch trước mắt và dài hơn vừa hỗ trợ được người nông dân, vừa đồng hành cùng doanh nghiệpvươn ra các thị trường quốc tế.

Nhiều rào cản

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 7 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thuỷ sản (NLTS) ước đạt trên 53,2 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 28,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Hoa Kỳ đạt trên 8,2 tỷ USD, chiếm 28,9% thị phần; đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc gần 5,5 tỷ USD, chiếm 19,2% thị phần; thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,9 tỷ USD, chiếm 6,8%; thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,2 tỷ USD, chiếm 4,3%.

photo-1629443567225

Xuất khẩu nông sản đang gặp khó do dịch bệnh bùng phát

Gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, việc xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai vẫn còn gặp một số khó khăn, hạn chế do trong thời gian gần đây phía Trung Quốc thực hiện kiểm tra và khử trùng phòng dịch đối với các loại hàng hóa nhập khẩu được vận chuyển cả bằng container lạnh và container thông thường do lo ngại dịch bệnh Covid-19 dễ lây lan qua biên giới thông qua hàng hóa nhập khẩu dẫn đến giảm thời gian thông quan tại khu vực cửa khẩu, phát sinh chi phí đối với các doanh nghiệp.

Với thị trường Mỹ, từ khi dịch bệnh bùng phát từ tháng 3, Mỹ yêu cầu nhân viên bản xứ phải quay về nước, trong đó có nhân viên của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ, việc kiểm dịch bị ách tắc. Giải pháp tạm thời là cử nhân viên Việt Nam của cơ quan này nhận ủy quyền vào TPHCM thực hiện kiểm dịch cho trái cây xuất khẩu sang Mỹ.

Hiện các doanh nghiệp sẽ bị thiệt hại rất nhiều vì ký hợp đồng với các đối tác, ký và bao tiêu nhà vườn. Nhiều doanh nghiệp đã hạ giá bán, mở rộng thị trường tiêu thụ mới, thúc đẩy thị trường trong nước trong khi chờ nhân viên kiểm dịch của Mỹ sang.

Theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, đơn vị này có một sàn giao dịch nông sản. Thời gian qua, sàn giao dịch đã nhận được nhiều đơn hàng XK như bưởi, gạo hay sầu riêng. Đơn cử có đơn hàng XK gạo đi châu Phi với sản lượng 500 tấn/tháng hay XK trái cây sang Nhật Bản. Tuy nhiên, vấn đề gặp phải là việc thu gom các đơn hàng để XK trong bối cảnh hiện nay lại rất khó khăn do tình hình giãn cách vì dịch COVID-19.

Phải làm chuẩn

Hiện, Bộ NN&PTNT đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương 19 tỉnh, thành phía Nam ưu tiên tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho 100% lực lượng công nhân các nhà máy chế biến nông sản, thủy sản, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm đang thực hiện "3 tại chỗ" và các cơ sở sản xuất liên kết với nhà máy thực hiện theo chuỗi giá trị, trực tiếp sản xuất. Hiện nay, qua khảo sát một số nhà máy, lượng công nhân duy trì sản xuất đông nhưng mới chỉ tiêm vắc xin khoảng 30-40%, nguy cơ lây lan dịch bệnh là rất cao.

Bộ NN&PTNT đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước triển khai mạnh mẽ, hiệu quả gói tín dụng đối phó Covid-19. Trong đó, có thiết kế chính sách hỗ trợ riêng cho các DN, hợp tác xã, người nông dân. Bên cạnh đó, thực hiện cơ cấu lại nợ (khoanh nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi vay), và tiếp tục cho vay mới với lãi suất ưu đãi để các thành phần kinh tế phục hồi sản xuất.

photo-1629443568536

Nông sản là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

Theo các chuyên gia, để hoạt động xuất khẩu nông sản bền vững trước hết là phải làm chuẩn. Đúng các tiêu chuẩn, quy chẩn là con đường ngắn nhất, dễ nhất để các sản phẩm nông sản chinh phục thị trường xuất khẩu đặc biệt là các thị trường khó tính như Mỹ và EU. Để đáp ứng được các tiêu chuẩn của các thị trường này các DN phải rất nỗ lực trong nhiều năm liên tục. Hiện nay, nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đã chinh phục được thị trường thế giới. Trong đó, các sản phẩm trồng trọt đã có mặt tại 65 nước, mặt hàng tôm dã có mặt tại 139 nước, cá tra đã xuất khẩu đi 128 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các DN phải nâng cao chất lượng, đáp ứng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến vào sản xuất để có thể đáp ứng yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao và khắt khe của các thị trường, đặc biệt là thị trường trong khối EU và các thị trường truyền thống như Mỹ và Nhật Bản. Chúng ta không nên xem là rào cảmn thương mại, mà phải xem là mục tiêu để phát triển cho ngành chế biến nông sản và thuỷ sản để xuất khẩu phát triển bền vững.


Anh Sa
Ý kiến của bạn