Thảo luận “nóng” các vấn đề về lạm phát, lãi suất và chứng khoán

Diễn đàn
11:37 AM 18/07/2022

Lạm phát đang tăng cao kỷ lục và trở thành vấn đề “nóng” ở nhiều quốc gia trên thế giới. Để đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố lạm phát, lãi suất đến nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng, Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA) kết hợp với Công ty Cổ phần Chứng khoán Nhất Việt (VFS) tổ chức chương trình Hội thảo "Lạm phát, lãi suất và chứng khoán".

Thảo luận “nóng” các vấn đề về lạm phát, lãi suất và chứng khoán - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo "Lạm phát, lãi suất và chứng khoán".

Buổi hội thảo diễn ra sáng 15/7, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, số 35 Hùng Vương (Hà Nội), với sự tham gia của TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê; TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia; cùng nhiều chuyên gia, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương.

Hội thảo còn có sự tham dự của đại diện các doanh nghiệp, như: Ông Trần Văn Dương - Phó Tổng Giám đốc Amber Capital; bà Nguyễn Thị Lan - Phó Tổng Giám đốc Amber Capital; bà Nguyễn Thu Hằng - Giám đốc Chi nhánh VFS; ông Nguyễn Minh Hoàng - Giám đốc phân tích VFS. Đặc biệt, có sự tham gia của đại diện các cơ quan thông tấn báo chí và công chúng quan tâm đến kinh tế, tài chính, chứng khoán.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch VFCA Lê Long Giang cho biết: Kinh tế thế giới trong 6 tháng đầu năm 2022 đang đối mặt với nhiều thách thức, chủ yếu do khủng hoảng tại Ukraine, bất định gia tăng với các lệnh trừng phạt, chuỗi cung ứng tiếp tục bị đứt gãy, khiến giá cả, lạm phát toàn cầu gia tăng, buộc các nước phải đẩy nhanh tốc độ thu hẹp chính sách tài khóa và tiền tệ, tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.

Ông Lê Long Giang nhận định, vấn đề "nóng" nhất hiện nay là lạm phát. Lạm phát đang tăng cao kỷ lục khắp các nền kinh tế thế giới vượt ngoài tầm kiểm soát và suy thoái kinh tế đang cận kề. Lạm phát tại nhiều nước đã đạt mức kỷ lục trong tháng 5 năm 2022, lạm phát của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ năm 1981; lạm phát của khu vực đồng Euro tăng 8,1% gấp 4 lần lạm phát mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu…

Tại Việt Nam, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,44% chủ yếu là do giá cả (xăng dầu, khí đốt, nguyên vật liệu, logistics và nhu cầu du lịch, ăn uống, đi lại … ) đều tăng, đây là thành công trong kiểm soát lạm phát của Việt Nam trước bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát gia tăng ở hầu khắp các quốc gia.

Chủ tịch VFCA Lê Long Giang, hiện nay các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong nước vẫn dồi dào, các giải pháp và biện pháp của Chính phủ về quản lý, điều hành về bình ổn giá, hạn chế biến động của mặt hàng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân kịp thời và hiệu quả. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với mức lạm phát hiện nay dư địa kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4% trong năm còn khá lớn.

Thảo luận “nóng” các vấn đề về lạm phát, lãi suất và chứng khoán - Ảnh 2.

TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia - phát biểu tại hội thảo.

Tại hội thảo, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia - đã trình bày tham luận với chủ đề "Kinh tế - Tài chính thế giới và Việt Nam năm 2022: Tăng trưởng, lạm phát và lãi suất".

Tham luận khẳng định: Thị trường chứng khoán và bất động sản Việt Nam đang được điều chỉnh, lành mạnh hóa. Cơ hội đầu tư thiên về hướng sàng lọc, đa dạng hóa, ít đòn bẩy và hướng về trung, dài hạn nhiều hơn. Tuy nhiên, tác động của việc USD tăng giá mạnh sẽ tạo rủi ro về tỷ giá. Lãi suất USD và ngoại tệ khác tăng, chi phí vay nợ, trả nợ bằng USD tăng dẫn tới những rủi ro vỡ nợ tăng.

Đánh giá về áp lực đối với lạm phát trong 6 tháng cuối năm 2022, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, giá hàng hóa thế giới còn tăng và Việt Nam đứng trước nguy cơ nhập khẩu lạm phát, nhất là khi Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu vào nhập khẩu. Cùng với đó, lương tối thiểu vùng, phí giáo dục, giá dịch vụ y tế… tăng từ tháng 07/2022 và tác động vòng 2, vòng 3 của việc tăng giá xăng dầu, giá nguyên nhiên liệu tạo áp lực lạm phát. Đà hồi phục kinh tế và sự sôi động của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng cũng tạo ra áp lực lạm phát.

Bàn về giải pháp cho doanh nghiệp, theo TS. Cấn Văn Lực, doanh nghiệp, nhà đầu tư cần tận dụng tối đa các nguồn hỗ trợ, tiết giảm chi phí, giữ lao động, tăng năng suất lao động. Đặc biệt, doanh nghiệp nên áp dụng mô hình 6Rs, bao gồm: Respond (thích ứng, linh hoạt), Recover (phục hồi càng nhanh càng tốt), Restructure (tái cấu trúc), Re-invent (đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số), Risk management (quản lý rủi ro), Resilience (tăng sức đề kháng khả năng chống chịu các cú sốc)…

Thảo luận “nóng” các vấn đề về lạm phát, lãi suất và chứng khoán - Ảnh 3.

Các chuyên gia cùng trao đổi và thảo luận về những tác động của các yếu tố lạm phát và lãi suất đến thị trường chứng khoán hiện nay.

Tại hội thảo, TS Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - trình bày tham luận "Mối quan hệ giữa lạm phát và giá hàng hóa thiết yếu". Qua đó khẳng định: Lạm phát chuỗi cung ứng là nhóm yếu tố tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát của nền kinh tế trong thời gian tới do kinh tế nước ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, với tỷ lệ chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu trong tổng chi phí nguyên vật liệu của toàn nền kinh tế ở mức cao, và tỷ lệ này trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo - ngành có vai trò là động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế chiếm hơn một nửa.

Bên cạnh đó, đại dịch và khủng hoảng Nga - Ukraine đã đẩy giá nguyên, nhiên vật liệu thế giới tăng cao, kéo giá nguyên nhiên vật liệu trong nước tăng theo, tạo áp lực lên hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, qua đó tạo áp lực lên lạm phát. Đồng thời, tổng cầu tăng đột biến trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng cũng là yếu tố gây áp lực lên lạm phát trong thời gian tới.

TS Nguyễn Bích Lâm nhận định: Chính phủ đang khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện trong hai năm 2022-2023 "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng", cùng với các gói hỗ trợ của năm 2021 đang thẩm thấu vào mọi lĩnh vực của nền kinh tế, sẽ làm cho tổng cầu tăng đột biến, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch là áp lực lớn lên lạm phát trong năm 2022 và 2023.

Theo TS Nguyễn Bích Lâm, trong thời gian tới, Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính, rà soát bãi bỏ các quy định không hợp lý nhằm cắt giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng thúc đẩy tổng cung, giảm áp lực lạm phát.

Tiếp đó, trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng, các nước thực hiện lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đối với Nga làm trầm trọng thêm thiếu hụt nguồn cung. Chính phủ, các bộ, ngành liên quan, đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp cần đa dạng nguồn cung, đảm bảo nguồn cung của từng nhóm nguyên vật liệu của mỗi ngành không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Tài chính cũng phối hợp chặt chẽ, thực hiện hài hoà chính sách tài khoá và tiền tệ. Chủ động và linh hoạt điều tiết thị trường tiền tệ, lãi suất và tỷ giá trong bối cảnh ngân hàng trung ương các nền kinh tế lớn, phát triển nâng lãi suất để kiểm soát lạm phát.

Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn
Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5% Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5%

Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%). Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ.