Tháo "nút thắt" để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán
Tháo gỡ các “nút thắt” như: “ký quỹ trước giao dịch”, giới hạn room ngoại; quyền bình đẳng tiếp cận thông tin giữa nhà đầu tư trong và ngoài nước, đang tạo thêm kỳ vọng cho thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức nâng hạng vào năm 2025.
Nâng hạng thị trường chứng khoán chính là giải pháp quan trọng nhất để thúc đẩy mạnh mẽ thị trường chứng khoán phát triển, kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.
Để hiện thực hóa mục tiêu nâng hạng thị trường vào năm 2025, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan gỡ “nút thắt” cho việc nâng hạng thị trường.
Theo đó, Bộ Tài chính, Uỷ Ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), các ngân hàng lưu ký đang tích cực xây dựng các giải pháp; các công ty chứng khoán như SSI, TCBS đang tích cực chuẩn các điều kiện về nhân lực, công nghệ, tài chính cho nâng hạng thị trường chứng khoán.
Đặc biệt, với “nút thắt” lớn nhất là “ký quỹ trước khi giao dịch” (prefunding) với nhà đầu tư nước ngoài, Bộ Tài chính hiện đang hoàn thiện Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 120/2020/TT-BTC, Thông tư 119/2020/TT-BTC, Thông tư 121/2020/TT-BTC và Thông tư 96/2020/TT-BTC, trong đó tập trung xử lý vấn đề cho phép nhà đầu tư nước ngoài không cần phải ký quỹ 100% tiền trước khi thực hiện giao dịch mua chứng khoán.
Về “nút thắt” giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (room ngoại) và quyền tiếp cận bình đẳng thông tin với nhà đầu tư nước ngoài, dự thảo Thông tư mới này cũng tập trung vào nội dung bắt buộc các công ty niêm yết phải công bố thông tin bằng tiếng Anh và tiếng Việt nhằm tạo thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận nhanh nhất thông tin trên thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai các giải pháp liên quan đến thủ tục mở tài khoản đầu tư vốn gián tiếp cho nhà đầu tư nước ngoài; danh mục ngành nghề đầu tư gắn với room ngoại.
Chia sẻ tại Toạ đàm "Thị trường chứng khoán Việt Nam: Động lực mới, cơ hội mới" tổ chức ngày 23/7, bà Lê Thị Lệ Hằng, Giám đốc Chiến lược Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI cho biết, bên cạnh các rào cản với thị trường chứng khoán như quy định "prefunding" hay room ngoại, trong những năm qua, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chưa xây dựng được các rổ hàng hoá mới để tạo nên sức hấp dẫn riêng cho nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư ngoại.
Để góp phần nâng hạng thị trường chứng khoán, cơ quan quản lý cần có các quy định cụ thể, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trên UPCoM (các doanh nghiệp đã thực hiện đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng-IPO) có thể thuận lợi lên sàn giao dịch chính thức HoSE hoặc HNX.
Không chỉ vậy, để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển trở thành kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế, việc đầu tư mạnh tay cho công nghệ và đa dạng hoá sản phẩm đầu tư là rất quan trọng bởi các nhà đầu tư hiện nay khá trẻ.
Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Techcombank (TCBS), cho biết hiện thị trường chứng chỉ quỹ được quản lý bởi các công ty quản lý quỹ tại Việt Nam vẫn rất nhỏ, chỉ chiếm 1% GDP nên tiềm năng đầu tư cực lớn. Vì vậy, việc thu hút đầu tư vào thị trường này cũng là cách để thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển.
Ngoài ra, Việt Nam cũng nên thí điểm xây dựng mô hình sandbox (cơ chế thử nghiệm) cho thị trường chứng khoán, trong đó chọn các định chế tài chính, chọn các công ty chứng khoán trung gian có đủ năng lực, các doanh nghiệp tốt, các nhà đầu tư giỏi để tham gia phát triển một số sản phẩm tái cấu trúc trên thị trường chứng khoán.
Chỉ bằng cách như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam mới có thể bắt kịp sự phát triển nhanh của các thị trường khác trong khu vực, bà Hằng chỉ rõ.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang được hai tổ chức quốc tế là MSCI và FTSE Russell (tổ chức xếp hạng thị trường chứng khoán) xếp vào thị trường cận biên. Riêng FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên thị trường mới nổi với 7/9 tiêu chí đã đạt.
Trong khi đó, MSCI đánh giá Việt Nam có sự cải thiện. Tính toán của World Bank cho thấy việc nâng hạng có thể mang lại 25 tỉ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam tới 2030.
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.