Thế giới ghi nhận gần 172 triệu ca nhiễm COVID-19, Châu Á vẫn là tâm điểm của đại dịch
Theo trang web thống kê worldometers.info, tính đến sáng 2/6 (giờ Việt Nam), thế giới có tổng số 171.899.542 ca nhiễm và 3.575.253 ca tử vong vì dịch COVID-19. Trong một ngày qua có thêm 432.968 ca nhiễm và 10.110 ca tử vong mới. Tính đến nay, Mỹ vẫn là nước có tổng số ca nhiễm bệnh và tử vong nhiều nhất do đại dịch này.
Châu Á vẫn là tâm điểm của đại dịch
Số liệu trên worldometers.info cũng cho thấy, tính đến sáng 2/6, đã có 154.388.271 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 13.936.018 ca bệnh đang điều trị, có 13.845.344 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,3%) và 90.674 ca (chiếm 0,7%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm 133.228 ca nhiễm, Ấn Độ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil (77.898 ca) và Mỹ (10.683 ca). Cùng với đó, Ấn Độ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 3.205 ca, sau đó là Brazil (2.346 ca) và Argentina (640 ca).
Châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới. Trong đó, 690.694 ca đã tử vong do COVID-19 và 47.628.390 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 28.306.883; 5.256.516 và 2.923.823 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 335.114; 47.656 và 80.327 ca.
Trong 24 giờ qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 47.305 ca nhiễm và 1.331 ca tử vong mới vì COVID-19. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Pháp, Nga và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 5.677.172; 5.081.417 và 4.490.438 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Anh hiện vẫn là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 127.782 ca, dù không ghi nhận thêm ca tử vong nào trong 24 giờ qua; tiếp sau đó là Italy (126.221 ca) và Nga (121.873 ca).
Bắc Mỹ là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục gia tăng, với 39.832.676 ca, trong đó có 894.702 ca tử vong và 32.697.816 ca được điều trị khỏi. Với 34.133.793 ca nhiễm và 619.379 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.413.742 và 1.383.215 ca nhiễm, cùng 223.568 và 25.566 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 149.200 ca nhiễm và 3.670 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 28.959.497 ca và 784.103 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 77.898 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 16.625.572 vào thời điểm hiện tại. Với 2.346 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau đó là Argentina với 640 ca tử vong mới và Colombia với 523 ca tử vong mới do COVID-19.
Tại Châu Phi, tính đến sáng 2/6, tổng số ca nhiễm COVID-19 là 4.895.690 ca, trong đó có 131.317 ca tử vong và 4.414.697 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.669.231 ca nhiễm và 56.601 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 3.614 ca nhiễm mới và 95 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 519.610 và 346.986 ca nhiễm bệnh cùng 9.154 và 12.720 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 68.645 ca nhiễm (tăng 43 ca) và 1.252 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 12 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 30.118 ca, trong đó 910 ca tử vong.
Các quốc gia đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục hoành hành mạnh mẽ trên thế giới với số lượng ca mắc và tử vong không ngừng gia tăng, các quốc gia đang nỗ lực không ngừng đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân.
Các nước châu Á như: Pakistan, Afghanistan, Bangladesh và Sri Lanka hiện đang đề nghị được chia sẻ một phần trong số 80 triệu liều vaccine COVID-19 mà Mỹ sẽ hỗ trợ các nước vào cuối tháng 6 này.
Đối mặt với sức ép phải chia sẻ vaccine cho các nước đang phát triển trong bối cảnh đại dịch bùng phát mạnh với nhiều chủng mới ở Ấn Độ và Brazil, chính quyền Mỹ cho biết sẽ sớm hỗ trợ các nước khoảng 60 triệu liều vaccine AstraZeneca và 20 triệu liều vaccine Moderna, Pfizer và Johnson & Johnson do Mỹ sản xuất. Mỹ tuyên bố sẽ gửi số vaccine nói trên cho các nước thông qua cả phương thức trực tiếp và sáng kiến toàn cầu cung cấp vaccine cho các nước nghèo (COVAX).
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 1/6, đã phê chuẩn sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 của hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc). Đây là vaccine thứ hai của Trung Quốc đã được WHO "bật đèn xanh". Ủy ban độc lập của WHO khuyến cáo sử dụng vaccine của Sinovac cho người từ 18 tuổi trở lên, hai liều các nhau 2 – 4 tuần. Không có giới hạn độ tuổi cao hơn vì các dữ liệu cho thấy vaccine này có hiệu quả bảo vệ ở người cao tuổi.
Quyết định này của WHO sẽ mở đường cho vaccine thứ hai của Trung Quốc được sử dụng tại các nước nghèo theo COVAX, trong bối cảnh cơ chế này đang đối mặt các vấn đề lớn về nguồn cung khi Ấn Độ ngừng xuất khẩu vaccine.
Phạm Thủy (TH)Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.