Thế giới lãng phí 1.000 tỷ USD thực phẩm mỗi năm

Quốc tế
10:04 AM 31/03/2024

Báo cáo mới nhất về Chỉ số lãng phí thực phẩm của Liên hợp quốc cho biết, thế giới lãng phí khoảng 1/5 lượng thực phẩm (tương đương 1 tỷ tấn thức ăn), gây tổn thất khoảng 1.000 tỷ USD mỗi năm. Lãng phí thực phẩm cũng là nguyên nhân lớn gây ra khủng hoảng khí hậu.

Hơn 1 tỷ bữa ăn bị vứt đi mỗi ngày ở các quốc gia nghèo và phát triển dù hơn 730 triệu người trên thế giới đang sống trong cảnh đói khát. 

Các nhà hoạt động Đức biểu tình phản đối tình trạng lãng phí thực phẩm. Ảnh: Reuters

Các nhà hoạt động Đức biểu tình phản đối tình trạng lãng phí thực phẩm. Ảnh: Reuters

Các hộ gia đình lãng phí thực phẩm nhiều nhất, với khoảng 60% trong số 1 tỷ tấn thực phẩm bị vứt bỏ hàng năm. Các hệ thống thực phẩm thương mại cũng góp phần đáng kể, với dịch vụ thực phẩm lãng phí 28% và 12% đối với ngành bán lẻ.

Những thống kê kể trên đã loại trừ 13% lượng thực phẩm bị thất thoát trong chuỗi cung ứng tính từ thời điểm thu hoạch đến khi đưa ra thị trường. Nguyên nhân thường do thực phẩm bị hư hỏng.

Việc lãng phí thực phẩm không chỉ gây lãng phí tài nguyên thiên nhiên mà còn là tác nhân lớn gây ra khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học.

Inger Andersen, Giám đốc Điều hành của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) mô tả, sự lãng phí thực phẩm là “một thảm kịch toàn cầu”, hoàn toàn đối lập với thực tế hàng triệu người đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực.

Andersen nói: "Trong một ngày, hàng triệu người sẽ đói vì lương thực bị lãng phí trên khắp thế giới. Đây không chỉ là một vấn đề lớn mà tác động của chất thải thực phẩm còn gây ra những tổn thất đáng kể cho khí hậu và thiên nhiên".

Trên khắp thế giới, trung bình mỗi người sẽ lãng phí khoảng 79kg thực phẩm mỗi năm.

Dù vậy, rất ít quốc gia có kế hoạch giảm lãng phí thực phẩm và hầu hết đều không đưa vấn đề này vào đề xuất giảm lượng khí thải carbon. Tuy nhiên, tại một số quốc gia, bao gồm Anh, Australia, Indonesia, Mexico và Nam Phi, tình trạng lãng phí thực phẩm cũng đã giảm đáng kể từ năm 2007. Nhật Bản cắt giảm gần 1/3 mức lãng phí thực phẩm, trong khi tỷ lệ này tại Anh là 18%.

Lisa Moon, Giám đốc Điều hành của Mạng lưới ngân hàng thực phẩm toàn cầu (GFN), đã kêu gọi các nhà bán lẻ và nhà sản xuất thực phẩm hợp tác chặt chẽ hơn với các ngân hàng thực phẩm để giảm lãng phí, hướng đến mục tiêu giải quyết nạn đói và khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Bà cho biết: “Ngân hàng thực phẩm là một mô hình quan trọng và độc đáo trong việc giảm thất thoát và lãng phí thực phẩm, bởi ngân hàng thực phẩm không chỉ làm việc với các trang trại, nhà sản xuất, nhà bán lẻ và dịch vụ thực phẩm để "giải cứu" các loại thực phẩm còn dùng được mà họ còn đảm bảo rằng thực phẩm sẽ được tái sử dụng và bán trên thị trường".

Tại Anh, chính phủ đã công bố tài trợ 295 triệu bảng Anh cho các hội đồng địa phương để tổ chức thu gom rác thải thực phẩm hàng tuần nhằm mục đích làm phân trộn và ngăn chặn rác thải thực phẩm đi đến bãi chôn lấp, nơi quá trình phân hủy của rác thải tạo ra khí mê-tan, một loại khí nhà kính. Mọi người được khuyến khích thay đổi thói quen của mình trong việc phân loại rác thực phẩm riêng biệt.

Minh An (Theo The Guardian)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.