Thế giới tiền số đã có tầm nhìn và sứ mệnh mới, đối lập hoàn toàn với Bitcoin

Đầu tư và Tiếp thị
06:51 PM 08/06/2021

Thứ khiến làng công nghệ hào hứng ở thời điểm hiện tại rất khác so với các giá trị cơ bản của Bitcoin.

Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng sau hơn 1 thập kỷ từ khi Bitcoin ra đời, cuối cùng chúng ta cũng có được sự đồng thuận về việc Bitcoin là gì.

Những người ủng hộ Bitcoin so sánh nó với "vàng kỹ thuật số" – 1 tài sản giống như hầm trú ẩn an toàn mà cách sử dụng tốt nhất là hãy nắm giữ dài hạn. Đối với những người hoài nghi hơn về Bitcoin, dù ít hay nhiều họ cũng chấp nhận kết luận này. Hầu như ngày nào chúng ta cũng thấy một vài nhà đầu tư nổi tiếng phát biểu trên truyền thông rằng "Bitcoin đang nổi lên là 1 nơi cất giữ giá trị, mà giống như vàng thì loại tài sản này có thể đóng vai trò quan trọng trong 1 danh mục đầu tư đa dạng".

Không giống như trước đây, không nhiều người nói về hiện thực Bitcoin không được sử dụng phổ biến trong các giao dịch thường ngày. Cũng ít ai nói về việc Bitcoin quá chậm hoặc biến động quá mạnh để trở thành 1 loại tiền tệ hữu dụng. Những nhận định này hoàn toàn đúng nhưng giờ đã trở nên lạc hậu.

Tất nhiên, ý tưởng một thứ biến động quá mạnh như Bitcoin lại trở thành "hầm trú ẩn" vẫn bị chế giễu. Nhưng không thể phủ nhận hoàn toàn sự tồn tại của loại tài sản đã có giá trị vốn hóa lên tới gần 1 nghìn tỷ USD dù chẳng có gì hậu thuẫn phía sau.

Bitcoin vs vàng

Hãy cùng so sánh Bitcoin và vàng:

Cả hai đều không có công dụng nào khác ngoài vai trò 1 tài sản để cất trữ. Bạn có thể dùng vàng làm trang sức và kim loại này cũng được sử dụng trong công nghiệp. Tuy nhiên trong phần lớn trường hợp thì mọi người nắm giữ vàng như 1 tài sản tài chính.

Không giống như dầu mỏ, không có các "vương quốc vàng" (hay Bitcoin), những nơi có trữ lượng tài nguyên dồi dào và giúp 1 quốc gia nắm thế thượng phong trên thị trường.

Cả hai đều khó khai thác và tiêu tốn nhiều năng lượng

Dù lượng cung vàng không cố định ở một con số tuyệt đối như Bitcoin, ta có thể dễ dàng dự đoán tổng lượng vàng có trên trái đất

Cả hai đều có nguồn gốc "kỳ bí". Cha đẻ Bitcoin là ai vẫn là 1 ẩn số, trong khi vàng được những người cổ đại coi là vật thiêng liêng vì không bị xỉn đi như các kim loại khác.

Tất nhiên bạn hoàn toàn có thể không đồng tình với quan điểm Bitcoin là "hầm trú ẩn an toàn", nhưng ngày càng có nhiều người có suy nghĩ như vậy.

Những quan điểm trái ngược

Gây nhiều tranh cãi đã trở thành 1 đặc điểm nổi bật của Bitcoin nói riêng và thị trường tiền số nói chung. Đối với Bitcoin, có vô số cuộc tranh luận về việc giá nên đi đến đâu và Bitcoin nên được sử dụng như thế nào.

Cuộc tranh luận đáng chú ý nhất trong thời gian gần đây xảy ra trong giai đoạn 2015-2017, được gọi là "trận chiến blocksize". Một nhóm muốn thay đổi thuật toán đằng sau Bitcoin, tăng kích thước mỗi block để tốc độ xử lý các giao dịch với đồng Bitcoin nhanh hơn và tốn ít chi phí hơn.

Điều này nghe có vẻ vô thưởng vô phạt, nhưng nếu coi Bitcoin là "vàng kỹ thuật số" thì đó là 1 sự thay đổi mạo hiểm. Thay đổi thuật toán sau Bitcoin cũng giống như thay đổi cấu trúc nguyên tử của vàng để khiến nó trở nên lấp lánh hơn. Vàng lấp lánh hơn cũng tốt, nhưng liệu đó có còn là loại vàng mà mọi người đã tin tưởng suốt mấy nghìn năm?

Hơn nữa, nhiều người cho rằng tăng kích thước block sẽ đe dọa đến tính phi tập trung của mạng lưới. Tại sao lại như vậy? Một trong những giáo lý chủ chốt của cộng đồng tiền số là bất kỳ ai ở bất kỳ đâu trên trái đất cũng có thể vận hành 1 "node" Bitcoin đầy đủ, cho phép tải xuống một bản sao hoàn chỉnh của cả chuỗi khối và kiểm tra bất kỳ giao dịch mới nào. Bằng cách đó bất kỳ cá nhân nào cũng có thể kiểm chứng một cách độc lập điều gì đang diễn ra, có bao nhiêu coin, những giao dịch nào đã được thực hiện...

Hiện nay việc này có thể được thực hiện trên cả những chiếc máy tính rẻ tiền. Tuy nhiên nếu như kích thước block tăng lên và khối lượng cần máy tính xử lý quá lớn, điều đó không thể diễn ra được nữa.

Cuối cùng thì cấu trúc của Bitcoin đã được giữ nguyên dù có một số thay đổi nhỏ không đáng kể. Nhìn chung thì triết lý phát triển Bitcoin cực kỳ bảo thủ và không chấp nhận sự thay đổi – trái ngược hoàn toàn với đặc tính "chuyển động thật nhanh và phá vỡ mọi thứ" của thung lũng Silicon. Tuy nhiên một lần nữa, điều này phù hợp với mục tiêu trở thành "vàng kỹ thuật số".

Trên thế giới vẫn có những người bị cuốn hút vào phát minh của Satoshi nhưng cũng muốn tạo ra một thứ gì đó không chỉ để nắm giữ như vàng. Một trong số đó chính là Vitalik Buterin, cha đẻ của mạng lưới Ethereum. Trong sách trắng Ethereum công bố năm 2013, anh đã viết rằng với một vài điều chỉnh, 1 blockchain có thể làm nhiều thứ hơn là chỉ là 1 cơ sở dữ liệu đơn thuần.

Buterin mong muốn tạo ra 1 nơi lưu trữ tài liệu phi tập trung, các sản phẩm tài chính phái sinh phi tập trung và nhiều thứ khác. Về cơ bản những khái niệm mới mẻ như DeFi, NFT, DAO... đều đã được miêu tả trong sách trắng Ethereum.

 Và đến đây chúng ta bước vào một "giáo phái" mới trong thế giới tiền số.

Tiền số vs Token

Có thể coi Bitcoin và Ethereum là hai đại diện chính thức của hai "bộ lạc" riêng biệt. Những người sở hữu Bitcoin giữ thái độ hoài nghi với mọi đối tác, không tin tưởng vào hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các NHTW. Đến giờ Satoshi vẫn là 1 cái tên nặc danh chưa từng xuất hiện chính thức. Ethereum hoàn toàn khác. Nhà sáng lập công khai danh tính rõ ràng và có tầm ảnh hưởng khá lớn. Có đồn đại rằng những người ủng hộ Bitcoin thích ăn thịt còn bên phía Ethereum thích ăn chay. Buterin ăn rất nhiều dừa, socola đen, các loại hạt và bơ.

Tuy nhiên điểm quan trọng nhất nằm ở chỗ ngoài vai trò là 1 đồng tiền số, Ethereum còn là 1 token. Token là gì? Giải thích theo cách đơn giản nhất, đó là loại tiền tệ có thể quy đổi ra hàng hóa và dịch vụ trong những môi trường rất đặc biệt. Ví dụ, token tại Chuck E.Cheese cho phép bạn chơi videogame và trò pinball cùng nhiều trò chơi khác. Trong thế giới Ethereum, bạn thanh toán bằng đồng ETH để mạng lưới Ethereum vận hành nhiều ứng dụng được xây dựng trên nó.

Có những điều quan trọng xảy ra khi 1 đồng tiền số trở thành 1 token. Nếu có ai đó đưa cho bạn 1 lượng token Chuck E. Cheese trị giá 100 USD, bạn sẽ cảm thấy thật phiền hà vì chúng hoàn toàn vô dụng cho đến khi bạn lái xe tới Chuck E. Cheese để sử dụng số token đó. Có thể bạn không muốn làm thế vì không thích chơi game, nhưng bạn vẫn biết công dụng của chúng.

Đối với Bitcoin, bạn chỉ đơn thuần là đặt niềm tin vào đó. Còn với token, nếu bạn muốn sử dụng 1 ứng dụng được phát triển trên nền tảng Ethereum, bạn phải sử dụng ETH. Nếu ai đó gửi cho bạn ETH, bạn biết rằng mình có thể sử dụng chúng trong hoàn cảnh nào. Có thể bạn vẫn hoài nghi và nghĩ rằng đây chỉ là 1 trò đầu cơ, nhưng giống như token ở Chuck E. Cheese, những đồng tiền này hoạt động và cần thiết nếu như bạn muốn tham gia vào mạng lưới đó.

Cuộc cách mạng DeFi

Vài tháng gần đây trong thế giới tài chính bàn tán nhiều về sự trỗi dậy của DeFi – "decentralized finance" (tài chính phi tập trung). Cụm từ này bao trùm nhiều thứ, trong đó có cả blockchain và cả những loại hình giao dịch thông thường như môi giới, tài khoản tiết kiệm, khoản vay, bảo hiểm, phái sinh, quản lý dòng tiền.

Từ góc độ công nghệ, thật hào hứng khi nghĩ đến chuyện xây dựng cả 1 ngân hàng giả lập kết nối người đi vay và người cho vay trong thế giới ảo. Tuy nhiên đó là cả 1 công trình rất phức tạp và hiện mới chỉ xuất hiện mô hình lai kết hợp giữa những nghiệp vụ tài chính do con người thực hiện và nguồn vốn phi tập trung giúp cho vay bằng tiền số.

Ngoài những rào cản kỹ thuật, tồn tại 1 câu hỏi lớn là liệu các chính phủ có hài lòng với những ứng dụng có chức năng giống như ngân hàng, định chế tài chính hay thị trường chứng khoán mà không bị ràng buộc bởi các luật lệ thông thường hay không.

Kết luận

Hiện nay hầu hết các nhà đầu tư bước chân vào thị trường tiền số mà không suy nghĩ quá nhiều. Có thể họ thích mua những đồng tiền mà họ từng nghe danh, có thể họ chỉ mua những loại có mệnh giá thấp vì như vậy sẽ mua được nhiều hơn.

Trong các chu kỳ tăng và giảm giá của thị trường, các đồng tiền số đều đồng điệu với nhau: cùng lên, cùng xuống, khiến cho chúng trở nên giống nhau. Tuy nhiên, rõ ràng tồn tại sự khác biệt lớn trong phương pháp tiếp cận và triết lý ẩn sau mỗi đồng tiền số. Thứ khiến làng công nghệ hào hứng ở thời điểm hiện tại rất khác so với các giá trị cơ bản của Bitcoin.

Khi thị trường này trưởng thành, chắc chắn đặc tính của mỗi đồng tiền số sẽ thể hiện rõ nét hơn và diễn biến giá sẽ ít đồng điệu hơn so với hiện tại.

Thu Hương
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.