The Loadstar: Chuyên gia quốc tế nói gì về việc đường sắt Việt Nam lần đầu có tàu container chạy thẳng sang Bỉ?
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) mới đây đã cho khởi chạy chuyến tàu chở hàng đầu tiên chạy thẳng từ Việt Nam sang châu Âu vào 20/7. Tuy nhiên, trước nhu cầu vận tải tăng vọt do mùa dịch cộng với tình hình thời tiết bất lợi ở Trung Quốc, việc thông thương bằng hình thức này sẽ còn gặp nhiều khó khăn.
The Loadstar đưa tin, do sự quá tải của vận chuyển hàng container bằng đường biển dẫn đến nhu cầu giao thương hàng hóa từ các nước Đông Nam Á sang các cảng, ga tại Trung Quốc bằng tàu hỏa hay xe tải đang có xu hướng tăng lên.
Với tuyến đường sắt mới mở của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), hàng hóa hiện tại có thể được vận chuyển trực tiếp bằng đường sắt đến tận Bỉ, trung chuyển qua cảng Trịnh Châu (Hà Nam, Trung Quốc).
Đại diện công ty đường sắt VNR cho biết, VNR dự kiến sẽ khai thác khoảng 8 chuyến hàng mỗi tháng, với tổng thời gian vận chuyển dự kiến cho toàn bộ hành trình là 25-27 ngày và chủ yếu là các sản phẩm điện tử.
Lý giải về việc nhu cầu vận chuyển đường sắt xuyên biên giới tăng mạnh trong thời gian này, đại diện VNR cho hay, chính tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam trong 3 tháng gần đây đã gây cản trở cho lĩnh vực vận chuyển đường biển. Điều này buộc nhiều nhà vận chuyển trong nước phải đổi sang các phương thức vận tải trung chuyển qua các cảng, ga ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo như ông Robert Foster, giám đốc phát triển kinh doanh của Norman Global Logistics, vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt từ Hà Nội có lẽ vẫn chưa phải là một phương thức giải quyết ổn thỏa cho tình trạng vận tải hàng hóa tại Việt Nam hiện nay.
Trả lời The Loadstar, ông Robert Foster nhận định: “Ngay thời điểm hiện tại, thời gian vận tải bằng đường biển từ Việt Nam đến cảng Hamburg (Đức) mất trung bình từ 30-35 ngày trong trường hợp tàu rời cảng đúng lịch trình. Tuy nhiên, nếu nhà vận chuyển lựa chọn tuyến đường sắt Trung Quốc - châu Âu, hàng hóa cũng sẽ đến Hamburg trong 30 ngày bao gồm các yếu tố gây chậm trễ trong giao hàng hiện nay. Vậy nên, tôi không chắc về tính cạnh tranh của vận tải đường sắt Việt Nam sẽ như thế nào nếu xét thêm yếu tố thời gian trung chuyển hàng tại các ga”.
Theo như truyền thông Trung Quốc, tuyến đường sắt Trung Quốc - châu Âu đã đạt mức tăng trưởng đột phá trong năm 2021. Trong hai quý đầu năm 2021, khối lượng hàng hóa vận chuyển và luân chuyển đạt con số 707.000 Teu, với tốc độ tăng là 52%. Hơn thế, số chuyến tàu đã rời ga được ghi nhận là 7377 chuyến, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, ông Foster cũng lo ngại sự tăng lên đột ngột về nhu cầu và thay đổi hình thức vận chuyển có thể dẫn đến tắc nghẽn và chậm trễ trên các tuyến đường sắt.
Lý giải về điều này, vị giám đốc của Norman Global Logistics cho hay: "Hiện nay, việc quá tải diễn ra do lượng lớn hàng hóa từ các cảng biển được chuyển sang hình thức vận tải đường sắt.
Tùy thuộc vào tuyến đường biển, các công ty logistics không thể chất hàng của mình lên tàu trong khoảng 2-3 tuần tới. Bởi vì để có thể có được một chỗ chất hàng trên tàu hiện nay là điều không hề dễ dàng. Thêm vào đó, nhà vận chuyển còn gặp khó khăn bởi các trận lũ lụt mới đây ở Trịnh Châu (Trung Quốc), Đức và Hà Lan, đồng thời các thiết bị và toa tàu để trung chuyển tại cửa khẩu Brest (Ba Lan) - Mala (Belarus) cũng đang bị thiếu hụt".
Đặng SơnTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.