Thế và lực Thanh Hóa trên đường hội nhập
Thanh Hóa là tỉnh nằm ở Bắc Trung Bộ, cách Thủ đô Hà Nội 150 km. Về vị trí địa lý, Thanh Hóa có chiều dài 102 km bờ biển; diện tích tự nhiên trên 1,1 triệu km2, lớn thứ 5 cả nước; dân số gần 3,7 triệu người (gần 2,3 triệu người trong độ tuổi lao động).
Thanh Hóa là tỉnh nằm ở Bắc Trung Bộ, cách Thủ đô Hà Nội 150 km. Về vị trí địa lý, Thanh Hóa có chiều dài 102 km bờ biển; diện tích tự nhiên trên 1,1 triệu km2, lớn thứ 5 cả nước; dân số gần 3,7 triệu người (gần 2,3 triệu người trong độ tuổi lao động). Với đầy đủ các loại địa hình, hệ sinh thái, đó là: trung du miền núi, đồng bằng và ven biển; có nguồn tài nguyên rừng, biển, đất đai, khoáng sản phong phú, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đa dạng các ngành công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và dịch vụ, du lịch.
Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu", phát huy những lợi thế của quê hương, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng đường lối phát triển đúng đắn và phấn đấu không ngừng, đến nay, Thanh Hóa đã có những bước tiến đáng kể, thần tốc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, đã và đang vươn mình trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa lớn của khu vực Bắc Trung Bộ nói riêng và cả nước nói chung.
Những thành tựu vượt bậc
Thanh Hóa là vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử cùng thiên nhiên ưu đãi. Trong những năm qua, trên cơ sở phát huy nội lực, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực kinh tế - xã hội, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế - GRDP giai đoạn 2016-2019 đạt 12,6%, gấp 1,6 lần bình quân cả nước, cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực, đúng định hướng, thu ngân sách Nhà nước tăng bình quân hàng năm 12,3%. Đặc biệt năm 2019 nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa có bước đột phá mới, tăng trưởng GRDP đạt 17,15%, cao nhất từ trước đến nay, trong đó tăng trưởng ngành công nghiệp, xây dựng đạt 21.87%, GRDP bình quân đầu người đạt 2.325 USD... Thanh Hóa là tỉnh xếp thứ 8 của Việt Nam về thu hút vốn FDI và là điểm đến của nhiều nhà đầu tư quốc tế lớn và các tập đoàn hàng đầu trong nước… Đó là những con số minh chứng cho những chủ trương, quyết sách đúng đắn của tỉnh Thanh Hóa.
Về lĩnh vực nông nghiệp, trong những năm qua, Thanh Hóa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn vào đầu tư, từ đó đã xây dựng được các mô hình điểm về sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị như: Các dự án chăn nuôi bò sữa của Vinamilk, nhà máy chế biến gia cầm xuất khẩu Viet AVIS, các dự án chăn nuôi lợn quy mô lớn, các dự án nông nghiệp công nghệ cao… Đây là những kết quả nổi bật, giúp giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp Thanh Hóa tăng bình quân 2,8 % năm trong giai đoạn 2016-2018.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh, giá trị sản xuất ước đạt 126.072 tỷ đồng, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm 2018. Điển hình là Khu kinh tế Nghi Sơn - một trong 8 khu kinh tế công nghiệp trọng điểm quốc gia được ưu tiên giành nguồn lực đầu tư và hưởng các chính sách ưu đãi nhất của Chính phủ Việt Nam. Với diện tích 106.000 ha, 6 khu công nghiệp đã được quy hoạch và lợi thế đặc biệt của cảng nước sâu. Khu kinh tế Nghi Sơn là khu vực phát triển công nghiệp tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, với trung tâm là công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp cơ bản. Đến nay, Nhà máy lọc hóa dầu đi vào hoạt động đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu về xăng dầu của các tỉnh miền Bắc, thỏa mãn nhu cầu nội địa về một số sản phẩm hóa dầu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước.
Cùng với đà tăng trưởng trên, Thanh Hóa xác định phát triển "tứ giác kinh tế" gồm: Sầm Sơn, Bỉm Sơn, Nghi Sơn và Lam Sơn. Đây là nhiệm vụ quan trọng, nhằm biến 4 vùng kinh tế có tiềm năng, thế mạnh trở thành các đô thị vệ tinh, tạo động lực cho sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Nhìn vào thực tế trong 5 năm trở lại đây, kinh tế tăng trưởng đã tác động rất lớn đến việc thay đổi kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông, thủy lợi và những yếu tố đáp ứng nhu cầu phát triển trước mắt và lâu dài. Hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh đã phát triển đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối các vùng, các khu kinh tế động lực, các trục giao thông thông suốt, an toàn. Trong đó, đặc biệt là Cảng hàng không Thọ Xuân - cầu nối giao thông hiện đại đang khai thác hiệu quả các đường bay trong nước và có tốc độ tăng trưởng đột phá. Năm 2013 lượng khách qua cảng đạt gần 90 ngàn lượt khách thì đến năm 2018 tăng lên 989.409 lượt khách. Đến ngày 10/12/2019 số lượng hành khách đạt 1 triệu, vượt xa so với quy hoạch năm 2020…
Nhiều dự án lớn về xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cũng được hoàn thành như: Tuyến đường từ Cảng hàng không Thọ Xuân đi Khu kinh tế Nghi Sơn, đường vành đai phía Tây thành phố Thanh Hóa, đường từ Quốc lộ 47 đến đường Hồ Chí Minh. Đây là các dự án quan trọng tạo động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Thanh Hóa.
Mặt khác, với hệ thống danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa lịch sử đặc trưng như: Di sản văn hóa Thành nhà Hồ, Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Đền bà Triệu… cùng với các bãi biển đẹp như: Sầm Sơn; Hải Tiến, Hải Hòa, Đảo Mê… đang là nguồn tài nguyên quý giá để Thanh Hóa phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch biển, du lịch văn hóa, lịch sử. Đặc biệt, Khu quần thể du lịch nghỉ dưỡng Sầm Sơn và sân golf đẳng cấp - là nơi tổ chức nhiều sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế và là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng cho cuộc sống tiện nghi và hạnh phúc của nhiều du khách…
Môi trường thông thoáng và tầm nhìn chiến lược
Điểm nhấn mang tầm chiến lược đó là: Thanh Hóa - một trong ba tỉnh của Việt Nam chủ động hợp tác với tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển KTXH Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Vạch ra chiến lược phát triển toàn diện để nắm bắt các triển vọng tăng trưởng.
Đến với Thanh Hóa các nhà đầu tư được hỗ trợ toàn diện; ngoài chính sách chung của Chính phủ, Thanh Hóa còn ban hành nhiều chính sách ưu đãi khác trong thuê đất, giải phóng mặt bằng, thuế thu nhập doanh nghiệp, đào tạo lao động, xây nhà công nhân… Tính đến ngày 14/11/2019, toàn tỉnh đã thu hút được 194 dự án đầu tư trực tiếp với số vốn đăng ký tăng cao, trong đó vốn đăng ký của các dự án đầu tư trực tiếp trong nước đạt 20.528 tỷ đồng tăng 18,85% và các dự án FDI tăng đạt 320,2 triệu USD, gấp 7,6 lần so với năm 2018. Đây chính là minh chứng rõ nét nhất về môi trường đầu tư hấp dẫn của Thanh Hóa.
Có thể nói, Thanh Hóa hội đủ các yếu tố về hạ tầng kinh tế kỹ thuật, hạ tầng xã hội, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên, an ninh trật tự… để các nhà đầu tư lựa chọn làm nơi đầu tư kinh doanh hiệu quả, bền vững. Những thế và lực mới đang tạo đà để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tăng tốc, bứt phá, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư ngày 10/6/2020, đồng chí Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy đã trịnh trọng tuyên bố: Với nhận thức - thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh; Thanh Hóa khẳng định quan điểm nhất quán và cam kết sẽ đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư kinh doanh có hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Với khát vọng thịnh vượng, văn minh, chắc chắn Thanh Hóa sớm trở thành "Tỉnh kiểu mẫu" như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn.
Triều NguyệtMới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.