Thêm 9 dự án nhà ở được vay vốn ưu đãi 2%
Bộ Xây dựng vừa gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo chung cư cũ (đợt 3) được hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ.
Trên cơ sở báo cáo của các địa phương đến ngày 23/9/2022 và rà soát điều kiện theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, Bộ Xây dựng xác định thêm 9 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ bảo đảm đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất 2% từ ngân sách nhà nước.
Các dự án này do UBND các tỉnh: Lạng Sơn, Phú Thọ, Thanh Hóa, Đắk Lắk đề xuất với quy mô 5.858 căn hộ, tổng mức đầu tư 4.703 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 1.420 tỷ đồng.
Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, tổng hợp và thông báo đến các ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước bảo đảm đúng quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.
Theo danh mục gửi kèm, có 9 dự án nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân đủ điều kiện vay vốn hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP có nhu cầu vay vốn.
Đắk Lắk, Phú Thọ và Lạng Sơn mỗi tỉnh có 1 dự án gồm: Nhà ở xã hội số 2 thành phố Lạng Sơn (quy mô 796 căn hộ, tổng mức đầu tư 708,3 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn theo đề xuất của UBND tỉnh Lạng Sơn là 100 tỷ đồng); Khu nhà ở và dịch vụ Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì (quy mô 671 căn hộ, tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn theo đề xuất của UBND tỉnh Phú Thọ là 30 tỷ đồng); Dự án nhà ở xã hội tại khối 6, phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột (quy mô 67 căn hộ, tổng mức đầu tư 29 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn theo đề xuất của UBND tỉnh Đắk Lắk là 10 tỷ đồng).
Riêng tỉnh Thanh Hóa có 6 dự án đủ điều kiện vay vốn ưu đãi 2%, gồm: Dự án nhà ở xã hội tại khu dân cư Đông Nam Khu đô thị Đông Phát, thành phố Thanh Hóa (quy mô 405 căn hộ, tổng mức đầu tư 370 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn theo đề xuất của UBND tỉnh Thanh Hóa là 100 tỷ đồng);
Dự án nhà ở xã hội thôn Bào Ngoại, phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa (quy mô 569 căn hộ, tổng mức đầu tư 389,9 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn theo đề xuất của UBND tỉnh Thanh Hóa là 30 tỷ đồng);
Dự án nhà ở xã hội tại phường Quảng Thắng, thành phố Thanh Hóa (quy mô 552 căn hộ, tổng mức đầu tư 500 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn theo đề xuất của UBND tỉnh Thanh Hóa là 200 tỷ đồng);
Dự án nhà ở xã hội AMCI tại phường Quảng Thành, thành phố Thanh Hóa (quy mô 900 căn hộ, tổng mức đầu tư 526,9 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn theo đề xuất của UBND tỉnh Thanh Hóa là 350 tỷ đồng);
Dự án nhà ở công nhân Khu công nghiệp và đô thị Hoàng Long, thành phố Thanh Hóa (quy mô 500 căn hộ, tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn theo đề xuất của UBND tỉnh Thanh Hóa là 200 tỷ đồng);
Dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân tại khu vực phía Đông Khu công nghiệp Lễ Môn (quy mô 1.398 căn hộ, tổng mức đầu tư 1.428,4 tỷ đồng, nhu cầu vay vốn theo đề xuất của UBND tỉnh Thanh Hóa là 400 tỷ đồng).
Trước đó, qua xét duyệt đợt 1, đợt 2 của Bộ Xây dựng, đã có 15 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ được UBND cấp tỉnh (Lào Cai, Hòa Bình, Tây Ninh, Tiền Giang, TP Hồ Chí Minh, Bình Định) chịu trách nhiệm về hồ sơ pháp lý và đề xuất với quy mô 14.330 căn hộ, tổng mức đầu tư 14.311 tỷ đồng và nhu cầu vay vốn theo đề xuất của các địa phương khoảng 6.096 tỷ đồng.
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.