Thêm nghị định hỗ trợ doanh nghiệp ảnh hưởng dịch Covid-19
Tổng cục Thuế vừa có thông tin chính thức về việc Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết. Như vậy là sau nhiều kiến nghị của DN và các Hiệp hội, quy định mới cũng đã được ban hành.
Thêm nghị định hỗ trợ DN ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh minh họa
Theo đó, tại Điều 1 của Nghị định 68/2020/NĐ-CP quy định tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với DN có giao dịch liên kết sẽ có những thay đổi so với quy định tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP như sau: Thứ nhất, tổng chi phí lãi vay được hiểu là chi phí lãi vay sau khi đã trừ đi lãi tiền gửi và lãi cho vay.
Thứ 2, chi phí lãi vay trong kỳ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ.
Con số này theo Nghị định 20/2017/NĐ-CP là 20%. Và thứ 3, phần chi phí lãi vay không được trừ (vượt mức 30% ở trên) sẽ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 5 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.
Về hiệu lực thi hành, Nghị định có hiệu lực từ ngày ký và áp dụng từ kỳ tính thuế TNDN năm 2019. Đối với các trường hợp đã áp dụng quy định tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP cho kỳ tính thuế TNDN năm 2017, 2018 sẽ được xác định lại theo Nghị định 68/2020/NĐ-CP.
Cụ thể, người nộp thuế được khai bổ sung hồ sơ quyết toán thuế TNDN năm 2017, 2018 và nộp cho cơ quan quản lý thuế trực tiếp trước ngày 1/1/2021. Trường hợp sau khi khai bổ sung, số thuế TNDN phải nộp giảm đi thì sẽ được giảm số tiền chậm nộp tương ứng (nếu có).
Trường hợp người nộp thuế có số tiền thuế TNDN, tiền chậm nộp đã nộp NSNN lớn hơn số tiền thuế TNDN, tiền chậm nộp được xác định lại thì phần chênh lệch được bù trừ vào số thuế TNDN phải nộp trong năm 2020. Nếu chưa bù trừ hết thì được bù trừ vào số thuế TNDN phải nộp trong các năm tiếp theo nhưng tối đa không quá 5 năm kể từ năm 2020. Kết thúc thời hạn trên, không xử lý số thuế còn lại chưa bù trừ hết.
Nghị định mới ban hành được đánh giá là đã kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là những DN có vốn mỏng, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Trước đó, Nghị định 20/2017/NĐ-CP là văn bản pháp lý đầu tiên ở cấp Nghị định của Chính phủ về quản lý thuế đối với giao dịch liên kết.
Việc thực hiện quy định về khống chế chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN với mục tiêu quan trọng hơn là chốt chặn, ngăn ngừa triệt để lợi nhuận thu được sau đấu tranh chống chuyển giá bị các DN vô hiệu hóa thông qua công cụ lãi vay đã phát huy được hiệu quả.
Trong quá trình áp dụng, nhiều ý kiến cho rằng việc áp trần chi phí lãi vay 20% gây khó cho những DN làm ăn chân chính. Dù có những vướng mắc và đã được tháo gỡ, song theo Bộ Tài chính, qua 3 năm thực hiện Nghị định đã mang lại những kết quả nhất định trong công tác đấu tranh chống chuyển giá.
Hà ThanhCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.