Thêm nhiều địa phương mở lại di tích, cơ sở tôn giáo
Nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã cho phép các di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được hoạt động trở lại trong bối cảnh đã kiểm soát được dịch bệnh COVID-19.
Từ hôm nay (11/3), tỉnh Quảng Ninh cho phép các cơ sở dịch vụ, du lịch, các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo và các cơ sở dịch vụ khác hoạt động trở lại. Tuy nhiên vẫn phải tiếp tục duy trì nghiêm quy trình, biện pháp phòng dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới khi đưa, đón khách tham quan.
Địa phương cũng mở lại các hoạt động du lịch, khuyến khích thu hút khách du lịch nội tỉnh, khách từ các tỉnh trong cả nước (trừ những địa phương giáp ranh có dịch đang phải áp dụng các biện pháp phong tỏa, cách ly theo Chỉ thị số 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ).
Tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các cấp ủy, chính quyền các địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh, các sở, ban, ngành tiếp tục nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh; tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn hiệu quả bốn nguồn lây nhiễm có nguy cơ xâm nhập vào địa bàn, thực hiện phương châm "phòng" hơn "chống".
UBND tỉnh Thái Bình chính thức cho phép các di tích, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh mở cửa trở lại từ 7h ngày 10/3. Tuy nhiên, không được tổ chức lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao tập trung đông người.
Đây là một trong những biện pháp nới lỏng trong phòng, chống dịch COVID-19 nhằm tạo trạng thái bình thường mới, khi diễn biến dịch đang trong tầm kiểm soát của chính quyền địa phương.
Tại các di tích, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng phải thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch như: Lập trạm kiểm soát ghi nhật ký (họ tên, địa chỉ, số điện thoại của du khách); tổ chức phân luồng (lối vào, lối ra một chiều, bảo đảm khoảng cách…); yêu cầu du khách đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ dung dịch sát khuẩn tay ở những nơi thuận tiện cho du khách.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các huyện, thành phố Thái Bình được giao nhiệm vụ tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các di tích, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng thuộc phạm vi quản lý. Nếu các địa điểm này không bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch thì yêu cầu tạm dừng hoạt động...
Ngày 10/3, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành công văn về việc tổ chức các hoạt động kinh tế-xã hội trong trại thái bình thường mới. Trong đó, các hoạt động tập trung đông người được hoạt động bình thường trở lại nhưng phải bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch bệnh.
Trưởng Ban Quản lý khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến thực hiện mở cửa đối với các di tích trong khu di tích quốc gia.
UBND tỉnh yêu cầu Đài truyền thanh thành phố, UBND các phường, xã tổ chức thông tin tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân đề cao cảnh giác, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, coi thường dịch bệnh, tự giác thực hiện thông điệp 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tỉnh Bình Thuận cũng vừa có thông báo về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái "bình thường mới".
Theo đó, các hoạt động lễ hội, lễ nghi tôn giáo, hội chợ, hội nghị, hội thảo, hội thao... được phép tổ chức trở lại, nhưng phải thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch như: Đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, khai báo y tế và theo dõi sức khỏe; chú trọng đảm bảo an toàn phòng chống lây nhiễm COVID-19 tại hộ gia đình, tại trường học, trên phương tiện giao thông công cộng, trong các cuộc họp….
Các sở, ban, ngành căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao tiếp tục triển khai các nhiệm vụ chuyên môn, bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu kép trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
PV (theo Chinhphu.vn)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.