Theo chân cựu binh trở về núi Bà Đen ghi dấu một thời oanh liệt

Tiếp thị
03:13 PM 25/07/2024

Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh liệt sĩ, các cựu binh Liên đội 7 sẽ về thăm núi Bà Đen (Tây Ninh). Nhiều hoạt động ý nghĩa để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ sẽ được tổ chức tại ngọn núi đã ghi dấu một chiến tích hào hùng của dân tộc.

Lễ dâng đăng và nhiều hoạt động ý nghĩa tưởng nhớ các liệt sĩ

Theo chân cựu binh trở về núi Bà Đen ghi dấu một thời oanh liệt- Ảnh 1.

Toàn cảnh đỉnh núi Bà Đen trong mây

Ngày 27/7/2024, núi Bà Đen sẽ đón 25 đồng chí của Liên đội 7, trong đó có nhiều cựu chiến binh trở về thăm lại chiến trường xưa. Tại đây, các cựu chiến binh sẽ viếng Tượng đài dũng sĩ dưới chân núi Bà Đen và viếng bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại chùa Hang – nơi 181 đồng chí đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu khốc liệt để giải phóng núi Bà Đen vào ngày 6/1/1975.

Cũng tại đây, du khách đến núi Bà Đen sẽ có một ngày vô cùng ý nghĩa khi tham gia buổi giao lưu với các cựu chiến binh để ôn lại những ngày tháng mưa bom bão đạn, và tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh anh dũng vì sự nghiệp giải phóng đất nước.

Theo chân cựu binh trở về núi Bà Đen ghi dấu một thời oanh liệt- Ảnh 2.

Lễ dâng đăng tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ sẽ diễn ra vào tối 27/7/2024.

Nhân dịp này, vào tối 27/7, lễ dâng đăng tưởng nhớ công đức các anh hùng liệt sĩ sẽ được khu du lịch Sun World Ba Den Mountain tổ chức trang nghiêm và quy mô trên đỉnh núi Bà Đen. Là một nghi thức mang dấu ấn riêng của núi Bà Đen trong các tối thứ 7 và các dịp lễ lớn, lễ dâng đăng tối 27/7 sẽ là thời khắc để các cựu chiến binh, các Phật tử và du khách cùng tỏ lòng tôn kính và hướng tấm lòng tri ân trước sự hy sinh của các anh hùng đã dành cả cuộc đời để cống hiến cho Tổ quốc.

Hàng ngàn ngọn đăng lấp lánh sẽ được chính tay các cựu chiến binh và du khách viết lời cầu nguyện cho hương linh những vị anh hùng đã hi sinh trên đỉnh núi thiêng, cầu cho đất nước Việt Nam mãi mãi thanh bình.

Nhớ về núi Bà Đen thời mưa bom bão đạn

Ở độ cao 986m so với mực nước biển, núi Bà Đen, Tây Ninh không chỉ được biết đến với danh xưng "đệ nhất thiên sơn" với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và một hệ thống các công trình tâm linh quy mô. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, "nóc nhà Nam bộ" từng là nơi án ngữ cửa ngõ ở hướng Bắc, Tây Bắc Sài Gòn. Với vị trí độc tôn, núi Bà Đen đã bị Mỹ - Ngụy chiếm giữ và xây dựng một căn cứ truyền tin trên đỉnh núi. Đây là trung tâm tiếp phát sóng liên lạc, quan sát, dùng hỏa lực bắn phá Chiến khu Dương Minh Châu và chế áp Quân Giải phóng Miền Nam.

Đầu năm 1962, một đơn vị trinh sát và thông tin (Liên đội 7) của mặt trận Tây Ninh được cử lên núi Bà Đen hoạt động. Liên đội 7 được giao nhiệm vụ cắm chốt trên núi Bà Đen, lập đài quan sát, theo dõi điều tra mọi hoạt động quân sự của địch khi vào cửa căn cứ Trung ương cục Miền Nam.

Hàng ngày, khắp vùng núi khoảng 50.000m2 phải hứng chịu mật độ bom đạn dày đặc liên tục với quyết tâm tiêu diệt "con mắt nguy hiểm" của đảng Cộng sản. Trong suốt 13 năm bám trụ, các cán bộ chiến sĩ lấy hang động làm nhà, lấy đá làm giường, và nhiều người đã hy sinh anh dũng trên mảnh đất này.

Theo chân cựu binh trở về núi Bà Đen ghi dấu một thời oanh liệt- Ảnh 3.

Động Kim Quang từng là căn cứ kháng chiến tại núi Bà Đen.

Ngày 15/9/1974, Tiểu đoàn Trinh sát 47 được lệnh của Bộ Tư lệnh phối hợp cùng Liên đội 7 quyết tâm tiêu diệt căn cứ của địch tại núi Bà Đen. Cùng sự tăng cường của trung đội Thông tin hữu tuyến, đội Trinh sát kỹ thuật, đội Đặc công, đội Phòng không và các phân đội tên lửa cá nhân, cuộc chiến đấu giành quyền kiểm soát cao điểm chiến lược này đã diễn ra vô cùng khốc liệt. Ngọn núi cao nhất Nam bộ rung chuyển bởi hàng loạt bom đạn của kẻ thù dội xuống, nơi các chiến sĩ quả cảm sẵn sàng hy sinh để giằng co từng mỏm đá, từng gốc cây.

Sau 31 ngày đêm chiến đấu anh dũng dưới mưa bom, bão đạn, 1 giờ sáng ngày 6/1/1975, căn cứ truyền tin của Mỹ - Ngụy ở núi Bà Đen bị san phẳng. Núi Bà Đen được giải phóng cùng ngày giải phóng Phước Long.

Trong suốt cuộc chiến đấu ác liệt ấy, 181 đồng chí đã vĩnh viễn ra đi vì nghĩa lớn, để dân tộc tiến đến chiến thắng vĩ đại ngày 30/4 lịch sử.

Theo chân cựu binh trở về núi Bà Đen ghi dấu một thời oanh liệt- Ảnh 4.

Tượng đài Dũng sĩ núi Bà Đen tại chân núi

Ngày nay, núi Bà Đen yên bình với 6 ngôi chùa gắn liền với huyền thoại Linh Sơn Thánh Mẫu cùng một hệ thống các công trình tâm linh kỳ vĩ trên đỉnh núi sừng sững giữa vùng đồng bằng mênh mông trù phú. Nhưng những vết thương từ bom đạn vẫn còn đó, in hằn trên từng mỏm đá, với các hang động còn lưu giữ nhiều chứng tích chiến tranh, và sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ trên đỉnh núi cao nhất Nam bộ vẫn còn mãi trong tâm thức bao người.

Theo chân cựu binh trở về núi Bà Đen ghi dấu một thời oanh liệt- Ảnh 5.

Núi Bà Đen ngày nay đón hàng triệu du khách đến chiêm bái mỗi năm

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, giờ đây núi Bà Đen đã trở thành một điểm đến hành hương hàng đầu Nam bộ, nơi du khách thập phương tìm đến để tỏ lòng tôn kính Linh Sơn Thánh Mẫu Bồ Tát, chiêm bái các công trình tâm linh kỳ vĩ như Tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn cao nhất Châu Á toạ lạc trên đỉnh núi, hay tôn tượng Bồ Tát Di Lặc bằng đá sa thạch lớn hàng đầu thế giới.

Và cho đến mãi mai sau, ngọn núi thiêng này sẽ vẫn luôn là nơi để nhân dân tưởng nhớ đến các tượng đài lịch sử đã sống trong trái tim của nhiều thế hệ, các anh hùng dân tộc đã hy sinh để gieo mầm bình an và hạnh phúc cho muôn người.

PV
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.