Theo quy định mới, TP.HCM có 36 phường, xã nâng cấp độ dịch COVID-19

Sức khỏe
11:32 AM 16/02/2022

Sở Y tế TP.HCM cho biết bắt đầu từ ngày 14/2, TP đánh giá cấp độ dịch theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế. Theo đó, TP có 275 phường, xã đạt cấp 1, 37 phường, xã cấp 2, tăng 36 phường, xã cấp 2 so với cách đánh giá cũ.

Theo đó, cấp độ dịch được xác định dựa trên tổng hợp kết quả đánh giá mức độ lây nhiễm và khả năng đáp ứng, sau đó có thể được hiệu chỉnh bởi chỉ số tử vong theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Theo quy định mới, TP.HCM có 36 phường, xã nâng cấp độ dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Tỷ lệ tiêm vaccine cũng là một trong những tiêu chí đánh giá cấp độ dịch

Theo Sở Y tế TP.HCM, 37 phường, xã trong tuần qua có cấp độ dịch ở cấp độ 2 do 4 nhóm nguyên nhân chính. 

Thứ nhất, do tỷ lệ tiêm vaccine đủ mũi không đạt quy định sẽ bị tăng thêm 1 mức độ lây nhiễm, do đó sẽ làm tăng thêm 1 cấp độ dịch. Nhóm này có 28 phường, xã; trong đó, 2 phường ở Quận 8, 7 phường ở quận Bình Tân, 10 phường ở quận Gò Vấp, 1 phường ở Tân Phú, 6 phường ở thành phố Thủ Đức và 2 xã ở huyện Hóc Môn.

Thứ 2, các phường, xã này ở mức độ lây nhiễm ở mức 2 nhưng khả năng đáp ứng ở mức trung bình nên cấp độ dịch sẽ là cấp độ 2. Nhóm này có 5 phường, trong đó có 3 phường ở Quận 12, 1 phường ở quận Gò Vấp và 1 xã ở huyện Nhà Bè.

Thứ 3, các phường, xã này có mức độ lây nhiễm ở mức 3 và khả năng đáp ứng ở mức cao nên cấp độ dịch sẽ là cấp 2. Nhóm này có 1 phường ở Quận 6.

Thứ 4, các phường, xã này có tỷ lệ ca tử vong/100.000 dân vượt ngưỡng quy định (6 ca/100.000 dân). Do đó, đối với những phường, xã có mật độ dân số dưới 16.667 người và chỉ cần 1 ca tử vong trong tuần thì sẽ vượt ngưỡng và tăng thêm 1 cấp độ dịch. Nhóm này có 3 phường, trong đó có 2 phường ở Quận 5 và 1 phường ở Quận 8.

Sở Y tế TP.HCM đề nghị các phường, xã cần phải tập trung vận động người dân tiêm vaccine đủ mũi, đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ; đồng thời tăng cường truyền thông để người dân khi phát hiện triệu chứng nghi nhiễm hoặc tự test nhanh dương tính phải khai báo ngay cho Trạm y tế để chăm sóc, cấp phát thuốc điều trị COVID-19 kịp thời, hạn chế thấp nhất tỷ lệ chuyển nặng và tỷ lệ tử vong do COVID-19.

Trước đó, theo hướng dẫn mới của Bộ Y tế, có 4 nguyên tắc của việc đánh giá cấp độ dịch. Cụ thể: Kiểm soát dịch tại nơi xuất phát là biện pháp mang tính chủ động và hiệu quả, hạn chế áp dụng các biện pháp mang tính bao vây trên phạm vi rộng.

Mang tính kế thừa, tiếp thu các kinh nghiệm phòng chống dịch trong nước, thế giới và đảm bảo tính ổn định tương đối trong quá trình điều chỉnh các chỉ số trong các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, phù hợp với thực tế tình hình dịch.

Biện pháp phòng chống dịch mang tính tổng thể bao gồm cả y tế, biện pháp hành chính, kinh tế - xã hội; cả điều trị và dự phòng theo các cấp độ dịch được quy định tại Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Kiểm soát nguy cơ sớm nhất, gọn nhất ở quy mô cấp xã nhằm đảm bảo linh hoạt, hiệu quả; phát hiện sớm sự bất thường để xử lý đúng, trúng, hiệu quả. Phát huy tính chủ động của chính quyền địa phương, tránh tư tưởng buông tay, giao phó cho y tế trong việc điều trị ca bệnh, nặng.

HM (t/h)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.