Thị phần cá ngừ Việt Nam tại Chile tăng mạnh nhờ Hiệp định CPTPP

Thị trường
10:04 AM 13/04/2024

Chile, một trong số các nước tham gia Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP), đang có xu hướng tăng nhập khẩu cá ngừ từ Việt Nam trong 3 năm trở lại đây.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, quốc gia Nam Mỹ này đã nhập khẩu gần 3 triệu USD các sản phẩm cá ngừ từ Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2023.

Năm 2023, Việt Nam đang là nguồn cung cá ngừ lớn thứ 4 cho Chile sau Thái Lan, Ecuador và Trung Quốc, chiếm thị phần hơn 9%. Trong khi xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam và Thái Lan sang thị trường tăng trưởng liên tục trong 3 năm qua, xuất khẩu của Ecuador và Trung Quốc lại có xu hướng giảm.

Bước sang năm 2024, Chile tăng nhập khẩu cả cá ngừ đóng hộp và thịt/loin cá ngừ đông lạnh từ Việt Nam. Đặc biệt, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang thị trường này trong 2 tháng đầu năm nay tăng gấp 3 lần.

Thị phần cá ngừ Việt Nam tại Chile tăng mạnh nhờ Hiệp định CPTPP- Ảnh 1.

Chile tăng nhập khẩu sản phẩm cá ngừ của Việt Nam. Ảnh minh hoạ, internet

Hiện có 10 doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu cá ngừ sang quốc gia Nam Mỹ này. Trong đó, Trinity Vietnam, Havuco và Nha Trang Bay là 3 doanh nghiệp xuất khẩu nhiều nhất cá ngừ sang thị trường này, chiếm 76% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023.

Theo VASEP, lạm phát tại Chile ở mức thấp nếu so sánh với bối cảnh chung ở nhiều nước. Trong nửa cuối 2023, chỉ số giá tiêu dùng của nước này giảm liên tục. Những điều này đang thúc đẩy tiêu dùng tại Chile, trong đó có nhu cầu tiêu thụ cá ngừ.

Bên cạnh đó, thị trường Chile chưa đòi hỏi khắt khe về chất lượng hàng hóa như Mỹ, Nhật Bản, các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), tạo thuận lợi lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt trong những năm gần đây mức sống của người dân Chile tăng cao.

Chile là một trong những quốc gia đầu tiên ở Mỹ Latinh ký Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) với Việt Nam. Do đó, VASEP đánh giá, doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam đang có lợi thế hơn các nước khi được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Trong năm 2024, VASEP dự đoán hoạt động xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sẽ chậm phục hồi, nhất là khi Ủy ban châu Âu (EC) duy trì giữ cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam. Ngoài ra, giá cá ngừ nguyên liệu trên thị trường thế giới đã giảm nhiệt, tuy nhiên căng thẳng tại Biển Đỏ đã khiến giá cước vận tải tăng cao sẽ khiến cho giá cá ngừ thành phẩm vẫn sẽ cao.

Trong khi đó, lạm phát ở các nước lớn đã được kiềm chế, kinh tế thế giới đã thoát đáy nhưng phục hồi chậm nên nhu cầu nhập khẩu cá ngừ tại nhiều nước chưa có dấu hiệu hồi phục. Cạnh tranh tại các thị trường ngày càng gay gắt và lượng tồn kho của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cao. “Tất cả các yếu tố này sẽ kìm hãm sự phục hồi xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam”, VASEP nhận định.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.