Thị phần taxi công nghệ, không còn là chuyện “ai có nhiều xe hơn”
Thị trường gọi xe và taxi công nghệ đang diễn ra đầy khốc liệt giữa các hãng xe. Những doanh nghiệp đứng đầu đều là những cái tên quen thuộc, được người tiêu dùng đánh giá cao.
Mới đây, Hãng nghiên cứu thị trường đa quốc gia Mordor Intelligence đã công bố báo cáo nghiên cứu thị trường gọi xe và taxi Việt Nam quý I/2025.

Theo Mordor Intelligence, thị trường taxi chở khách tại Việt Nam đang chứng kiến sự thống trị của phân khúc gọi xe công nghệ, chiếm 59,37% thị phần tính đến quý I/2025.
Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh ngày càng tăng và sự thay đổi trong sở thích của người tiêu dùng. Giá trị thị trường trong quý I ước tính đạt 305,54 triệu USD với 113,23 triệu chuyến đi.
Trong đó, Xanh SM tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường taxi công nghệ Việt Nam. Đứng thứ hai là Grab (35,57%). Các vị trí tiếp theo là BE Group, Mai Linh, Vinasun...
Xanh SM hiện chiếm ưu thế vượt trội ở cả số chuyến xe mỗi ngày, doanh thu bình quân (GMV) và chỉ số hài lòng khách hàng. Xanh SM được khách hàng đánh giá cao ở các tiêu chí: xe sạch sẽ, tài xế lịch sự, thao tác đặt xe đơn giản và ứng dụng dễ sử dụng.
Ngoài ra, những trang bị hướng tới đảm bảo an toàn và quyền lợi cho khách hàng như hệ thống giám sát an toàn chủ động (S2S) được triển khai đồng bộ trên tất cả các phương tiện cũng góp phần nâng cao mức độ tin cậy trong trải nghiệm người dùng.
Vị trí số 1 của Xanh SM đã được giới chuyên gia dự đoán trước trong điều kiện hãng taxi điện Việt Nam này ngày càng phổ biến tại các tỉnh, thành phố và nhận được nhiều lời khen về chất lượng dịch vụ luôn được đảm bảo chuẩn 5 sao.
Theo xu hướng “xanh hoá”, Xanh SM ngày càng trở thành lựa chọn của đông đảo người dùng bởi sự thân thiện với môi trường. Trong điều kiện ô nhiễm không khí ngày càng tồi tệ, những chiếc taxi xanh là lựa chọn chủ động của đông đảo khách hàng Việt để chung tay vì môi trường.

Xanh SM chiếm 39,85% thị phần dịch vụ taxi và taxi công nghệ trong nước. Ảnh minh họa: Internet
Với Grab, dù vẫn giữ vững vị trí số hai với 35,57% thị phần, Grab đang dần "yếu thế" trước không chỉ bởi Xanh SM mà còn bởi các nhân tố mới như Be, Tada, Indrive... Theo các chuyên gia, Grab chưa tạo ra được một bước nhảy lớn về sản phẩm. Grab vẫn đang dựa vào nền tảng cũ và chưa có đột phá nào đáng kể về mặt dịch vụ lõi. Đây là điểm yếu mang tính chiến lược.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy xe sử dụng động cơ đốt trong (ICE) vẫn chiếm ưu thế (58,26% doanh thu, 63,68% số chuyến đi). Tuy nhiên, nhóm xe điện và hybrid đã vươn lên nhanh chóng (41,74% doanh thu) và sẽ còn bứt tốc khi các doanh nghiệp như VinFast, Haima, và G7 Taxi đều tập trung vào phân khúc này.
Song song đó, tỷ lệ người dùng Internet (88,38 triệu), smartphone, và ví điện tử (dự kiến 50 triệu vào cuối 2024) khiến môi trường sử dụng dịch vụ số trở nên phát triển hơn bao giờ hết. Đây là nền tảng giúp các nền tảng gọi xe không chỉ cạnh tranh bằng giá - mà còn bằng dữ liệu, tiện ích và mức độ tích hợp trong đời sống đô thị.
Mordor Intelligence nhận định, cuộc đua giành thị phần taxi công nghệ tại Việt Nam hiện nay không còn là chuyện “ai có nhiều xe hơn”, mà là cuộc chiến giữ khách hàng lâu hơn, hãng nào tạo ra trải nghiệm tốt hơn, và hãng nào tích hợp tốt hơn vào hạ tầng công nghệ - xã hội - môi trường đô thị.
Minh An (t/h)
Thời gian qua, NHNN đã triển khai kịp thời, đồng bộ nhiều giải pháp để tạo điều kiện triển khai, thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh, từ đó, giúp tín dụng xanh tăng trưởng cả về lượng và chất.