Thị trường bán dẫn Việt Nam dự báo tăng 6% giai đoạn 2022-2027

Thị trường
08:47 AM 22/03/2024

Ngành bán dẫn ở Việt Nam đang có tiềm năng tăng trưởng đáng kể trong thời gian tới. Theo dự báo của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA), thị trường bán dẫn Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 6% trong giai đoạn 2022-2027.

Bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử, là ngành công nghiệp lõi, quan trọng cho sự phát triển công nghệ hiện đại. Đây là ngành công nghiệp được nhiều nước phát triển và đang phát triển quan tâm. Nhiều quốc gia phát triển mạnh công nghiệp bán dẫn, sẵn sàng bỏ tiền mặt để thu hút các đầu tư vào bán dẫn.

Thị trường bán dẫn Việt Nam dự báo tăng 6% giai đoạn 2022-2027- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Với sự phát triển của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, xe tự lái, Internet of Things (IoT)… đang tạo ra nhu cầu lớn cho các linh kiện bán dẫn. Việc sản xuất chip có thể tạo ra cơ hội xuất khẩu lớn, đặc biệt là khi nhiều quốc gia đang tìm kiếm nguồn cung cấp an toàn và độc lập trong lĩnh vực bán dẫn.

Theo Bộ KH&ĐT, ngành công nghiệp này đã mở ra nhiều cơ hội cho tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Thời gian gần đây, Việt Nam nổi lên như một nhân tố đầy tiềm năng trong ngành bán dẫn với nhiều lợi thế như vị trí chiến lược, cơ sở hạ tầng số ngày càng phát triển, người dân thành thạo công nghệ và lực lượng lao động trẻ dồi dào, có sức sáng tạo.

Sự xuất hiện của những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như công ty Kine SIC Semi (Mỹ), Công ty bán dẫn Hana Micron (Hàn Quốc) hay Tập đoàn Amkor Technology (Hàn Quốc)... giúp Việt Nam thâm nhập vào thị trường bán dẫn toàn cầu, thậm chí có thể trở thành trung tâm tăng trưởng của ngành. 

Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Đông Nam Á (SEMI SEA) dự báo, thị trường bán dẫn Việt Nam có thể tăng trưởng hơn 6% trong giai đoạn 2022-2027.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp bán dẫn đang đặt ra các thách thức như mức đầu tư cho sản xuất chip rất lớn, đòi hỏi cơ sở hạ tầng đặc biệt và các dây chuyền sản xuất phức tạp. Trên thực tế, việc xây dựng một xưởng đúc chip có thể tiêu tốn tới 50 tỷ USD.

Cùng với đó, sự phức tạp ngày càng tăng của công nghệ bán dẫn đòi hỏi sự đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển để duy trì sự cạnh tranh. Yêu cầu về đội ngũ nhân sự chất lượng cao rất lớn, và thực tế nguồn nhân lực của Việt Nam mới chỉ đang dừng lại ở giai đoạn đầu, kỹ năng và trình độ chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần tập trung nhiều giải pháp như xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách, trong đó có cơ chế ưu đãi cho dự án công nghệ cao, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển, xây bay… Đồng thời, Việt Nam phải đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu trong lĩnh vực này.

Bộ KH&ĐT đang phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng Đề án “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” với mục tiêu đào tạo 50 nghìn kỹ sư đến năm 2030.

Bên cạnh đó, ngành này có nhiều công đoạn, gồm những công đoạn có nguồn lực đầu tư vô cùng lớn về thiết bị, tài chính. Vì vậy, các doanh nghiệp nên lựa chọn công đoạn phù hợp, ít sự đầu tư, đổi lại cần nhiều hơn yếu tố đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là bí quyết để giành thắng lợi. Ngoài ra, để tạo lợi thế cạnh tranh, ngành bán dẫn cũng phải tuân thủ yêu cầu xanh hóa của sản phẩm.

Không chỉ vậy, chúng ta cần học tập kinh nghiệm chung của các nước đi trước nhưng cũng cần có cách tiếp cận riêng để “gặt hái” được thành công.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn