Thị trường bán lẻ Việt kỳ vọng cán mốc 200 tỷ USD
Theo dự báo của các chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ, nếu tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như những năm qua thì chỉ trong 2 năm nữa thị trường bán lẻ Việt Nam có thể cán mốc 200 tỷ USD.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô phục hồi, bán lẻ trở thành lĩnh vực nhận nhiều kỳ vọng tăng trưởng. Tổng cục Thống kê cho biết, dù không bằng mức tăng 12,7% của năm 2019, nhưng quy mô của thị trường này năm 2020 đã tăng thêm hơn 11 tỷ USD. Sức mua hàng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2021 đã tăng đến 10% so với cùng kỳ năm 2020 mặc dù phải đối đầu với sự trở lại của dịch COVID-19. Do đó, các chuyên gia kỳ vọng, thị trường bán lẻ Việt sẽ cán mốc 200 tỷ USD trong 2 năm tới nếu duy trì được đà tăng trưởng hiện tại.
Báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) về triển vọng thị trường bán lẻ trong năm 2021 dự báo, chi tiêu cho nhu yếu phẩm và vật dụng cao cấp sẽ tăng lên. Theo đó, tăng trưởng chi tiêu hộ gia đình sẽ phục hồi mạnh lên 9,69% trong năm nay. BSC cũng kỳ vọng, trong năm 2021, tăng trưởng ngành bán lẻ sẽ đạt trên 10%, vượt xa nhiều quốc gia Đông Nam Á khác.
Vietnam Report nhận định trong một báo cáo rằng, với việc kiểm soát và chống dịch tốt, tâm lý người tiêu dùng đã dần ổn định. Điều này thể hiện ở lượng khách hàng tham quan, mua sắm ổn định trong giai đoạn “bình thường mới”. Điển hình là các trung tâm thương mại có công suất đạt 95% và cửa hàng bách hóa đạt 98%, cả hai phân khúc đều giữ được sức hút và công suất ổn định theo năm do lượng khách mua sắm cao và cơ cấu khách thuê tốt. Diện tích trống nhanh chóng được lấp đầy, nhất là ở khu trung tâm. Đây chính là bước đà đầu tiên trên cuộc đua phục hồi thị trường bán lẻ trong năm 2021.
Trong tầm nhìn dài hạn, quy mô dân số Việt Nam tăng 2% mỗi năm, dự báo đạt 106 triệu dân vào năm 2050 sẽ là dấu hiệu tốt cho các nhà bán lẻ khi thị trường được mở rộng. Nhìn vào những tiềm năng của thị trường bán lẻ, giới chuyên gia nhận định Việt Nam đang là “miền đất hứa” cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, đồng thời cũng là điểm đến lý tưởng của các doanh nghiệp ngoại.
Có thể kể đến một số thương hiệu ngoại quốc không bỏ lỡ “chuyến tàu” Việt Nam như hãng thời trang giá trị nhất thế giới - Uniqlo - vừa khai trương cửa hàng thứ 7 tại Việt Nam chỉ sau 14 tháng gia nhập thị trường; hai thương hiệu cao cấp là Louis Vuitton và Christian Dior mở thêm cửa hàng flagship store tại Hà Nội; H&M đã mở hai cửa hàng tại Hạ Long và Cần Thơ; Pandora cũng giới thiệu liên tiếp 3 cửa hàng trong tháng 12/2020 và tháng 1/2021. Đặc biệt, thương hiệu nhà cửa, gia đình “đình đám” từ Nhật Bản – Muji cũng đã hé lộ sẽ mắt cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội trong năm 2021 tại Vincom Center Metropolis.
Trước làn sóng "đổ bộ" của các thương hiệu quốc tế, nguồn cung bất động sản bán lẻ cũng nhanh chóng gia tăng để đáp ứng. Trong đó, mô hình trung tâm thương mại có quy mô lớn, theo hướng "tất cả trong một" ở khu vực vùng ven để tiếp cận tập khách hàng mới là hướng đi mới. Các nhà phân tích dự đoán, tới năm 2030, bán lẻ quy mô lớn sẽ thống trị thị trường Việt Nam, đặc biệt là các trung tâm mua sắm điểm đến “tất cả trong một” như vậy.
Năm 2021 với lực đẩy từ thị trường và người tiêu dùng, COVID-19 không còn là “rào cản” của các doanh nghiệp bán lẻ. Đây là cơ hội “vàng” để các doanh nghiệp mở rộng kênh bán hàng, nhanh chóng nắm bắt các thị trường mới tiềm năng, chưa được khai thác nhiều như khu vực ngoại ô thành phố lớn hay các đô thị loại 1.
Dương Dương (tổng hợp)Năm 2024, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới công bố Việt Nam tăng 2 bậc chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu so với năm 2023, xếp thứ 44/133 quốc gia, nền kinh tế.