Thị trường bán lẻ Việt Nam: Doanh nghiệp Việt ngày càng chiếm lĩnh, doanh nghiệp ngoại dần rút lui

Đầu tư và Tiếp thị
02:54 PM 10/06/2021

Thời gian vừa qua, thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến nhiều thay đổi, đặc biệt là số lượng các nhà bán lẻ trong nước ngày càng gia tăng nhờ hoạt động mua bán và sáp nhập.

Trong quá khứ, thị trường này được đánh giá là "miếng bánh lớn" của các nhà đầu tư nước ngoài. Ở thời điểm hiện tại, dường như xu hướng này sẽ đi ngược lại.

Làn sóng "rút lui" của các doanh nghiệp nước ngoài

Báo cáo của Deloitte Việt Nam về thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2020 chỉ rõ, phân khúc siêu thị được thống trị bởi các tập đoàn trong nước như Saigon Co.op và Bách Hóa Xanh, dẫn đầu với thị phần lần lượt là 43% và 14%. Trong khi đó, các doanh nghiệp chủ chốt trong phân khúc đại siêu thị bao gồm BigC (Thái Lan), Lotte Mart (Hàn Quốc) và AEON Mall (Nhật Bản), đang chiếm lĩnh thị trường với 57,6% thị phần.

Thị trường bán lẻ Việt Nam: Doanh nghiệp Việt ngày càng chiếm lĩnh, doanh nghiệp ngoại dần rút lui - Ảnh 1.

Phân khúc siêu thị do các doanh nghiệp trong nước làm chủ tăng trưởng đều trong 4 năm.

Báo cáo nhấn mạnh, sự tăng trưởng đều của các phân khúc doanh nghiệp trong nước 4 năm qua phần lớn nhờ các doanh nghiệp hiểu rõ về thị trường trong nước của mình, làm tăng giá trị thương hiệu. Điển hình như việc E-Mart rút lui khỏi thị trường Việt Nam đã phản ánh những thách thức mà các nhà bán lẻ nước ngoài đang phải đối mặt. Trong quá khứ, một số nhà bán lẻ khác cũng rời khỏi thị trường như Auchan, Casino Group và Metro Group.

Ngoài ra, nhiều nhà bán lẻ ngoại cũng phải thu hẹp quy mô hoạt động. Năm ngoái, tập đoàn bán lẻ khổng lồ Malaysia, Parkson đã thông báo ngừng hoạt động các cửa hàng quy mô lớn tại Việt Nam sau nhiều năm thua lỗ. Có giai đoạn, Parkson có đến 10 cửa hàng trong nước và tự tin về thành công lâu dài vì đây là thương hiệu cửa hàng bách hóa đầu tiên ở nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam.

Ngay tuần trước, Lotte Mart Việt Nam xác nhận sẽ đóng cửa, ngưng hoạt động siêu thị Lotte Mart Đống Đa (Tòa nhà Mipec, 229 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) từ đầu tháng 7 tới. Đại diện công ty cho hay, việc ngừng hoạt động siêu thị này nằm trong kế hoạch thay đổi chiến lược phát triển và mở rộng mạng lưới của Lotte Mart tại Việt Nam; hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các trung tâm thương mại khác thuộc hệ thống Lotte Mart.

Tháng trước, Tập đoàn ô tô Trường Hải (Thaco) xác nhận đã ký hợp đồng mua lại chuỗi bán lẻ E-Mart Việt Nam. Sau thương vụ này, Thaco đang có kế hoạch đưa vào hoạt động thêm 3 đại siêu thị vào năm tới và sẽ vận hành 11 đại siêu thị trên cả nước vào năm 2025.

Tính đến nay, tập đoàn bán lẻ số một Hàn Quốc chỉ có một đại siêu thị E-Mart được mở kinh doanh tại quận Gò Vấp, TP. HCM, với tổng vốn đầu tư khoảng 60 triệu USD được đưa vào khai thác cách đây hơn 5 năm.

Cũng trong giai đoạn này, Tập đoàn Masan công bố chuyển nhượng 5,5% cổ phần phát hành mới (tương đương 400 triệu USD) của The CrownX cho nhóm các nhà đầu tư, trong đó có Tập đoàn Alibaba cùng Baring Private Equity Asia (BPEA). Thương vụ này được coi là động lực cho hai phía Masan và Alibaba, nhằm tận dụng cơ hội từ sự bùng nổ của thị trường thương mại điện tử.

Gian hàng của Masan Consumer hiện cũng đã xuất hiện trên nền tảng Lazada nhưng mới chỉ ở bước đầu thành lập. Masan Consumer chưa có gian hàng chính thức ở các sàn thương mại điện tử khác, mà chủ yếu được bán thông qua các hệ thống siêu thị và nhà bán nhỏ lẻ.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce của Vingroup (bán lẻ), Công ty VinEco (nông nghiệp) với Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - Masan Consumer Holding (tiêu dùng) đã sáp nhập với mục tiêu thành lập tập đoàn hàng tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Công ty mới sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart tại 50 tỉnh thành, hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco cùng nguồn lực và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất tiêu dùng từ Masan.

Giai đoạn trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, các doanh nghiệp trong nước khác cũng đã để lại dấu ấn trên thị trường bán lẻ. Giữa năm 2019, Saigon Co.op và Tập đoàn Auchan (Pháp) ký hợp đồng hợp tác tiếp quản toàn bộ hệ thống siêu thị tại Việt Nam. Theo đó phía Saigon Co.op nhận chuyển giao tất cả hoạt động kinh doanh của Auchan tại Việt Nam gồm 18 cửa hàng và toàn bộ hệ thống bán lẻ thương mại điện tử.

Ngoài ra còn có Tập đoàn BRG hợp tác với Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) nhằm phát triển chuỗi siêu thị Fuji Mart.

Sự bứt phá của các doanh nghiệp trong nước

Liên quan đến kế hoạch phát triển E-Mart tại Việt Nam, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco, cho biết mục tiêu của Thaco với mảng bán lẻ là làm sao để trở thành một điểm dừng nhiều tiện ích cho khách tham quan, mua sắm được nhiều thương hiệu xe, bên cạnh đó có đại siêu thị bán các thực phẩm và các mặt hàng khác.

Khác với trung tâm thương mại chỉ tập trung ở vài thành phố lớn, đại siêu thị E-Mart mà Thaco hướng đến sẽ tích hợp showroom, đi kèm với đó là khu ẩm thực, trung tâm hội nghị, tiệc cưới.

Trong khi đó, Masan cũng từng bước mua lại cổ phần tại các doanh nghiệp trong nước như Phúc Long, VinCommerce, Vinacafe Biên Hòa và các doanh nghiệp khác trong suốt 10 năm qua, nhằm hoàn thiện hệ sinh thái bán lẻ và hàng tiêu dùng.

Ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc VinCommerce, cho biết: "Tôi tin rằng sự kết hợp các sản phẩm thương hiệu Phúc Long cùng mạng lưới trên 2.200 cửa hàng VinMart hôm nay và 10.000 cửa hàng trong 5 năm tới sẽ giúp 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội thưởng thức những thức uống trà và cà phê tươi ngon".

Hà Trần
Ý kiến của bạn
Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần Hà Nội: Sau 10 năm, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người của người Hà Nội năm 2010 đạt khoảng 2 triệu đồng/tháng thì đến năm 2022 đạt 6,4 triệu đồng/tháng, tăng gấp 3 lần sau hơn 10 năm.