Thị trường bất động sản có khởi sắc nhưng chưa thực sự bứt phá

Diễn đàn
02:00 PM 26/09/2023

Đó là ý kiến của TS Lê Xuân Nghĩa, trong Diễn đàn Phát triển bền vững do VCCI tổ chức. Theo ông Nghĩa, khó khăn của thị trường bất động sản có thể kéo dài đến quý II, hoặc quý III năm sau.

Theo batdongsan.com.vn, tháng 8 vừa qua, thị trường bất động sản có sự phục hồi nhu cầu tìm mua bất động sản trên toàn quốc, tăng trung bình 5%; lượng tin đăng bán bất động sản cũng tăng 2% so với tháng 7.

Tại thị trường Hà Nội, tháng 8, đất nền là loại hình có nhu cầu tìm mua tăng cao nhất, tăng 12% so với tháng 7. Chung cư, nhà riêng, nhà mặt phố, biệt thự cũng có mức độ quan tâm tăng từ 7% - 9%. Tuy nhiên, lượt tìm kiếm đất dự án lại giảm 7% so với tháng 7, cho thấy loại hình này cần nhiều thời gian hơn để phục hồi.

Thị trường bất động sản có khởi sắc nhưng chưa thực sự bứt phá - Ảnh 1.

Thị trường bất động sản có sự phục hồi nhu cầu tìm mua bất động sản trên toàn quốc, tăng trung bình 5%. Ảnh minh họa, Internet

Tại TP HCM, tháng 8, nhu cầu tìm mua tăng cao nhất đối với nhà mặt phố và biệt thự (tăng 7%). Mức độ quan tâm tới chung cư, nhà riêng và cả đất dự án vẫn duy trì nhịp tăng ổn định từ 2 - 4% so với tháng 7. Đất nền là loại hình duy nhất có lượt quan tâm giảm 1% so với tháng 7.

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cho rằng, dự báo khủng hoảng thị trường bất động sản đã được đưa ra nhưng không thể tránh được. Theo đó, bất động sản là sản phẩm thiết yếu dài hạn, do đó khi mất cân bằng cung cầu sẽ xảy ra khủng hoảng. Lần khủng hoảng trước đây là dư cung, trong khi đó lần này là khủng hoảng thiếu cung. Vấn đề thiếu cung bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa là tắc nghẽn nguồn vốn và vướng mắc pháp lý.

Cả hai vướng mắc khiến thị trường bất động sản ngoài thiếu cung, còn đối mặt nhiều thách thức liên đới khác. Quan sát thị trường trong thời gian qua, ông Nghĩa nhận định thị trường mới phục hồi khoảng 30% so với kỳ vọng.

TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng thị trường bất động sản có thể khó khăn kéo dài đến quý II, quý III sang năm. Để phục hồi thị trường bất động sản, Chính phủ đang quyết liệt tháo gỡ với các Tổ công tác về tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản. Đây là nỗ lực chưa từng có, tuy nhiên kết quả chưa cao.

"Chúng ta chưa vào "tâm bão", chúng ta chưa đẩy được cung của nguồn nhà ở giá rẻ thì chưa giải quyết được vấn đề. Làm sao để các doanh nghiệp đi vào nhà ở giá rẻ được "tự do". Cần thiết Chính phủ quy định khung giá cho nhà ở giá rẻ như Trung Quốc, tránh làm các nhà đầu tư nhà ở giá rẻ nản lòng. Chúng ta chưa tạo được mặt bằng giá nhà ở bất động sản thì chưa giải quyết được khủng hoảng thị trường", TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.

Thị trường bất động sản có khởi sắc nhưng chưa thực sự bứt phá - Ảnh 2.

Các chuyên gia trong hội thảo cho rằng, thị trường bất động sản vẫn cần nhiều thời gian để bứt phá. Ảnh: DNDN

Đồng quan điểm với TS Lê Xuân Nghĩa, TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ, hiện nay, thị trường bất động sản đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Mặc dù sức cầu thị trường rất tốt, nhưng vẫn chứng kiến sự suy giảm trong giao dịch do các nhà đầu tư đang đối diện với vấn đề "chôn" vốn và phải giải quyết những thách thức tài chính.

Trong giai đoạn 2022 - 2023, lượng giao dịch bất động sản đã giảm đến 90%, cho thấy tình trạng sức cầu của thị trường yếu kém. Bên cạnh vấn đề khan hiếm nguồn cung nhà ở giá rẻ, còn tồn tại một vài vấn đề như thiếu cơ chế và sự quyết tâm của nhiều địa phương, dẫn đến tình trạng nhiều dự án vẫn chưa được gỡ khó, các doanh nghiệp bất động sản còn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Ông Đính cho biết, những nỗ lực của Chính phủ và các Bộ ngành liên quan trong việc ban hành nhiều chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn trên thị trường bất động sản đã có tác động tích cực tới thị trường. Theo ông Đính, trong quý I/2023, đã có gần 3.000 sản phẩm giao dịch và trong quý II, con số này đã tăng 30%. Đến nay, niềm tin từ các nhà đầu tư cũng dần được phục hồi, nhiều dự án mới bắt đầu mở bán trên thị trường, dẫn đến việc gia tăng số lượng giao dịch bất động sản.

Việc cải thiện nguồn cung nhà ở mới và sự ổn định tâm lý của người mua vẫn đang diễn ra chậm chạp, cần nhiều thời gian để hoàn thiện các dự án mới. Đồng thời, tâm lý của nhà đầu tư dù đang dần ổn định hơn nhưng vẫn khá thận trọng, đặc biệt là những người đang đối diện với áp lực tài chính từ các khoản đầu tư trước đây.

TS Nguyễn Văn Đính kỳ vọng, trong giai đoạn cuối năm 2023 - đầu năm 2024, thị trường bất động sản sẽ ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực hơn so với giai đoạn cuối quý II và đầu quý III/2024.

Để thị trường bất động sản phục hồi, Chính phủ đã và đang có những động thái quyết liệt như ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững và thành lập các Tổ công tác về tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản với sự tham gia tới tận doanh nghiệp. Những động thái này góp phần quan trọng cho sự chuyển biến của thị trường bất động sản thời gian tới.

Thanh Thủy
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.