Thị trường chứng khoán và cơ hội cho 'người đến sau'

Chứng khoán
10:28 PM 10/12/2020

Mức sinh lời hấp dẫn của thị trường chứng khoán kể từ đầu năm đến nay đã hấp dẫn được nhiều nhà đầu tư mới gia nhập thị trường. Tại thời điểm này nhiều cổ phiếu tăng trưởng khá mạnh liệu có còn cơ hội cho người đến sau?

Thị trường chứng khoán và cơ hội cho 'người đến sau'

Tính từ thời điểm chỉ số Vn-Index lập đáy hồi cuối tháng 3, cho tới nay chỉ số này đã tăng tới gần 60%. Đặc biệt, tính từ khi xuất hiện làn sóng Covid -19 thứ 2 khởi nguồn từ ổ dịch Đà Nẵng vào cuối tháng 7, Vn-Index đã tăng không ngừng nghỉ trong vòng 4 tháng qua.

Thị trường thăng hoa, 'người chơi' rủng rỉnh

Sự thăng hoa của thị trường chứng khoán trong thời gian qua không chỉ giúp các nhà đầu tư chuyên nghiệp mà ngay cả những “lính mới” thường gọi là các nhà đầu tư F0 kiếm được những khoản lợi nhuận rủng rỉnh.

Chỉ mới chính thức đầu tư chứng khoán từ tháng 6/2020 với số vốn ban đầu 10 triệu đồng sau nâng lên 30 triệu đồng, chị Trần Chúc An (sinh viên trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, có thời điểm chỉ trong 2 tuần đã kiếm được khoản lợi nhuận 4 triệu đồng.

Thị trường chứng khoán và cơ hội cho 'người đến sau' - Ảnh 1.

Nhiều khoản lãi của các F0 được khoe ra đã kích thích sự tò mò của nhiều người với thị trường chứng khoán.

Hay như anh Lại Đức Anh (sinh viên Học viện Tài chính) trong thời gian giãn cách xã hội, chủ yếu học online thời gian rảnh khá nhiều nên đã quyết định dành toàn bộ số tiền tiết kiệm nhiều năm từ việc đi làm thêm là 50 triệu đồng để đầu tư chứng khoán.

“Sau đợt giãn cách tôi thu về khoản lợi nhuận khoảng 10%, tôi mạnh dạn vay bố mẹ thêm 50 triệu đồng nữa để nâng vốn đầu tư lên 100 triệu đồng. Từ đó đến nay tỷ suất lợi nhuận trung bình mỗi tháng của tôi là 10-15%, số tiền lợi nhuận đó tôi lại tiếp tục tái đầu tư”, anh Đức Anh chia sẻ.

Không chỉ các nhà đầu tư F0 mà ngay cả các doanh nghiệp, ngân hàng cũng kiếm bộn trong bối cảnh thị trường chứng khoán đã “miễn nhiễm” với dịch bệnh.

Có thể kể đến như trường hợp của CTCP Vĩnh Hoàn (mã: VHC), tình hình kinh doanh trong quý III không mấy khả quan do xuất khẩu cá tra bị giảm mạnh kéo lợi nhuận gộp suy giảm nhưng lại ghi nhận khoản lãi 36,6 tỷ đồng từ việc mua bán chứng khoán.

Khoản này giúp Vĩnh Hoàn rút ngắn mức sụt giảm lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý III từ 38% xuống 27%, tương đương 208 tỷ đồng.

Sở hữu dòng tiền lớn, nhiều ngân hàng cũng "chơi" lớn với chứng khoán và thu lãi đậm. Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) ghi nhận lũy kế 3 quý đầu năm lãi 72,6 tỷ từ chứng khoán đầu tư, gấp 1,6 lần so với cùng kỳ 2019. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) có thu nhập từ lãi tiền gửi giảm hơn 53% thì lãi từ chứng khoán tăng gấp 191 lần so với cùng kỳ 2019, lên 699,7 tỷ đồng.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng ghi nhận khoản lãi 874,6 tỷ đồng từ mua bán chứng khoán khoán đầu tư, cao hơn cả lãi từ hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối. Ngoài ra, đơn vị còn lãi thêm 53,4 tỷ đồng từ chứng khoán kinh doanh.

"Người đến sau" vẫn còn cơ hội

Trước những gì đang diễn ra trên thị trường chứng khoán, nhiều ý kiến lạc quan còn cho rằng, thị trường đang tái hiện lại diễn biến của thời kỳ đầu khi mà nhà đầu tư cứ xuống tiền là có lãi, thậm chí là lãi lớn bởi thời gian vừa qua nhà đầu tư cứ rót tiền vào một cổ phiếu bất kỳ nào và kiên trì nắm giữ nó một thời gian là có lãi.

Diễn biến này khiến một bộ phận người dân trước đây không tin tưởng vào thị trường chứng khoán cũng không thể ngồi yên.

Theo chị Quỳnh Oanh (giáo viên thanh nhạc, Hà Nội) “thấy mọi người chơi chứng khoán ai cũng khoe lãi nên mình cũng vừa quyết tâm sẽ đi mở tài khoản chứng khoán, rút tiền tiết kiệm về để đầu tư”.

Thực tế, những người như chị Quỳnh Oanh không phải là thiểu số bởi số liệu thống kê của Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho thấy, chỉ tính riêng trong tháng 11 vừa qua nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới 41.080 tài khoản, tăng 4.734 tài khoản so với tháng 10.

Dòng tiền liên tiếp đổ vào thị trường là một tín hiệu tốt nhưng ở góc nhìn thận trọng có ý kiến cho rằng những “người đến sau” như chị Quỳnh Oanh hay hơn 41.000 tài khoản mở mới kia sẽ khó có thể đạt được thành quả như những “F0 đời đầu”.

Theo ông Hoàng Thạch Lân - Giám đốc Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty chứng khoán Rồng Việt, hiện không có nhiều kỳ vọng như trước cho những mã cổ phiếu đã đạt mức định giá khuyến nghị của các công ty chứng khoán, trừ khi việc định giá đã quá 6 tháng.

Tuy nhiên, thị trường vẫn còn rất nhiều mã chưa đạt mức định giá khuyến nghị, chưa nói đến những cổ phiếu mới chưa được định giá. Chưa kể, tăng trưởng giá cổ phiếu sẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào tốc độ tăng trưởng hoạt động kinh doanh quý cuối năm.

Hơn nữa, theo ông Trần Đức Anh – Giám đốc chiến lược Chứng khoán KB Việt Nam, sự thăng hoa của thị trường chứng khoán thời gian qua không chỉ được hỗ trợ từ dòng tiền F0 mà còn đến từ sự khởi sắc của các hoạt động kinh tế trong nước, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và NHNN như đẩy mạnh đầu tư công, hạ lãi suất.

Ông Đức Anh khẳng định đây vẫn sẽ là động lực chính hỗ trợ thị trường chứng khoán trong năm 2021. Môi trường vĩ mô thuận lợi kết hợp với nền lợi nhuận thấp trong năm nay bởi tác động của Covid-19 sẽ giúp các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng cao trong năm sau. Do vậy, cơ hội của những “người đến sau” vẫn luôn hiện hữu.

Minh Khuê
Ý kiến của bạn
Cảnh giác các thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản Cảnh giác các thủ đoạn sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Hiện nay, tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản hết sức phức tạp. Người dân cần nâng cao cảnh giác về một số phương thức thủ đoạn của các đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản và biện pháp phòng tránh, xử lý.