Thị trường dệt may có xu hướng tăng trưởng tích cực
Từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường dệt may có xu hướng tăng trưởng tích cực hơn so với năm 2023. Ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2024. Tính đến hết tháng 5/2024, xuất khẩu dệt may thu về hơn 15,8 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngành dệt may Việt Nam có sự khởi sắc là do hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu đang kiềm chế được lạm phát giúp sức mua tăng lên. Lượng hàng tồn kho trong năm 2023 của các nhãn hàng đã giảm, một số doanh nghiệp dệt may hiện đã thông qua Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) để tìm những công ty nhỏ hơn thuê gia công lại đơn hàng. Thêm vào đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam thời gian qua cũng đã chủ động đa dạng hóa thị trường và khách hàng.
Tại Lễ ra mắt toàn cầu sản phẩm máy vắt sổ Arus của Công ty Jack Technology, tại TP. Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Vitas cho rằng, xuất khẩu dệt may đang quay lại đà phục hồi, các doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng đến hết quý III và cuối năm 2024. Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất cũng đang đối mặt với nhiều thách thức mới do khách hàng có thay đổi yêu cầu, thường đặt đơn hàng nhỏ, số lượng ít, đơn giá thấp, thời gian giao hàng ngắn.
Người tiêu dùng có xu hướng mua hàng qua thương mại điện tử ngày càng nhiều, nhu cầu sản phẩm đa dạng hơn. Ở các thị trường như EU, Mỹ, yêu cầu về sản xuất xanh, bền vững từ nguyên liệu, lao động, thiết bị đến năng lượng, vận chuyển đều được luật hóa và triển khai đồng bộ.
Song song đó, ngành dệt may Việt Nam cũng chịu áp lực ngày càng lớn về lực lượng lao động. Cụ thể, đến hiện tại, các doanh nghiệp trong ngành đang thiếu khoảng 500.000 lao động; trong đó tập trung vào lao động có tay nghề, lao động cấp trung, quản lý, thiết kế sản phẩm…
Hiện Việt Nam đang nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới khi đã xuất khẩu 36 mặt hàng dệt may sang 104 thị trường. Trong đó, Mỹ là thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất, tiếp đó là EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản.
Mục tiêu được ngành dệt may đặt ra trong năm 2024 là sẽ xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, từ nay tới năm 2030, ngành dệt may sẽ phải chuyển dần từ trọng tâm phát triển nhanh sang trọng tâm phát triển bền vững, kinh doanh tuần hoàn. Giai đoạn 2031-2035, phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới.
Trong bối cảnh hiện tại, để tham gia vào chuỗi cung ứng và đạt mục tiêu đề ra, Phó Tổng Thư ký Vitas cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi chiến lược sản xuất thông qua cải tiến quy trình, đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, ứng dụng tự động hóa các khâu sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, công suất sản xuất, linh hoạt đáp ứng các đơn hàng nhỏ, đa dạng sản phẩm.
Ngoài việc cắt giảm chi phí và thời gian sản xuất, doanh nghiệp cũng phải chú trọng đến việc lựa chọn các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, có khả năng tái chế phù hợp với xu hướng kinh tế tuần hoàn. Doanh nghiệp cũng phải đa dạng hóa thị trường, khách hàng; linh hoạt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người mua mới có thể duy trì và phát triển lâu dài.
Huyền My (t/h)Việc nắm vững Blockchain và AI sẽ giúp người lao động đáp ứng nhu cầu công việc trong kỷ nguyên số, đồng thời nâng mức lương trung bình lên mức cao hơn.