Thị trường điện khí Việt Nam giàu tiềm năng và cơ hội

Diễn đàn
09:21 AM 15/12/2023

Một thuận lợi quan trọng cho phát triển điện khí LNG ở Việt Nam là Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành đều rất quan tâm đến việc phát triển. Đây là cơ sở để phát triển hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển của loại nhiên liệu này tại Việt Nam

Các chuyên gia tại diễn đàn "Tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam" tổ chức sáng 14/12 nhận định, Việt Nam đã và đang tiên phong trong việc thực hiện các cam kết “xanh”. Việt Nam hiện đang phát triển điện khí LNG, giúp tăng hiệu quả trong sản xuất điện, giảm sự phụ thuộc vào nhiệt điện than, giảm phát thải, bảo vệ môi trường và hướng đến mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. LNG là dạng năng lượng có phát thải thấp, đang có xu hướng sử dụng rộng rãi, đặc biệt khi Việt Nam đã tham gia vào “Cam kết quốc tế giảm phát thải gây ô nhiễm sau COP21”.

Thị trường điện khí Việt Nam giàu tiềm năng và cơ hội- Ảnh 1.

Còn nhiều tiềm năng phát triển thị trường điện khí tại Việt Nam. Ảnh: PV Power

Ngành năng lượng Việt Nam trong những năm gần đây đã phát triển mạnh trong tất cả các khâu phát triển công nghiệp khí đốt; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ hết khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)…

Hiện nay, cả nước có 13 dự án điện LNG đã được Thủ tướng phê duyệt trong danh mục các dự án quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện tại Quyết định 500/QĐ-TTg. Theo đó, đến năm 2030, sẽ có 22.400MW điện khí LNG, chiếm 14,9% tổng nguồn điện của cả nước với năng lực sản xuất 83 tỷ kW giờ. Đây sẽ là một trong các nguồn giúp bảo đảm cung cấp đủ, ổn định và an toàn hệ thống điện quốc gia.

Tại diễn đàn, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, nhấn mạnh: "Một thuận lợi quan trọng cho phát triển điện khí LNG ở Việt Nam là Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành đều rất quan tâm đến việc phát triển thị trường LNG. Đây là cơ sở để phát triển hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển của loại nhiên liệu này tại Việt Nam".

TS. Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế cho rằng, có nhiều thuận lợi trong việc phát triển điện khí tại Việt Nam. Phát triển nhiệt điện khí (cả tự nhiên và LNG) là hướng đi tất yếu và có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho nền kinh tế và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam.

Điện khí có vai trò quan trọng an ninh năng lượng Việt Nam khi Việt Nam phải đảm bảo cung ứng điện và an ninh năng lượng quốc gia đến năm 2030 khi đối mặt với thách thức rất lớn. Đó là vừa phải tăng rất nhanh về quy mô, vừa phải chuyển đổi mạnh về cơ cấu để tiệm cận mục tiêu trung hòa carbon và phát triển cân đối các vùng miền, cân đối giữa nguồn và truyền tải.

Việc phát triển nguồn điện nền của nước ta trong thời gian tới được dự báo là sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh: Thủy điện cơ bản hết dư địa phát triển; nhiệt điện than không được phát triển thêm sau năm 2030 theo cam kết với quốc tế; điện sinh khối công suất nhỏ và giá thành không dễ cạnh tranh; điện hạt nhân chưa được xác định cụ thể, trong khi điện khí hydro, amoniac còn nhiều vướng mắc để thương mại hóa.

"Phát triển mạnh mẽ nhiệt điện khí LNG trong tương lai chắc chắn sẽ giúp ngành điện phát triển xanh hơn và hạn chế sự phụ thuộc vào các nhà máy nhiệt điện than vốn chiếm tỉ lệ khá cao trong hệ thống hiện nay" - TS. Nguyễn Minh Phong phát biểu.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), tổng công suất nguồn điện đến năm 2030 khoảng 150.000-160.000 MW, gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay.

Trong đó, nhiệt điện khí trong nước và LNG đến năm 2030 sẽ đạt 37.330MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện 150.489MW, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nâng tầm doanh nghiệp Việt Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nâng tầm doanh nghiệp Việt

Theo các chuyên gia, để duy trì và phát huy vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng các chính sách đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp nội địa kết nối với doanh nghiệp FDI, đặc biệt là nâng cấp năng lực doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.