Thị trường điện toán đám mây đạt quy mô 133 triệu USD, doanh nghiệp Việt chỉ chiếm 20% thị phần
80% thị phần còn lại của thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam đang do các công ty nước ngoài cung cấp.
Thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam sẽ đạt quy mô 500 triệu USD vào năm 2025
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), đến thời điểm này, quy mô thị trường điện toán đám mây (cloud) của Việt Nam đạt khoảng 3.200 tỷ đồng (tương đương 133 triệu USD). Việt Nam có khoảng 27 trung tâm dữ liệu điện toán đám mây do 11 doanh nghiệp trong nước đầu tư với trên 270.000 máy chủ được kết nối trong cả nước.
Tuy vậy, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới chiếm được khoảng 20% thị phần các sản phẩm, dịch vụ điện toán đám mây trong nước, 80% thị phần còn lại đang do các công ty nước ngoài cung cấp.
Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, nền tảng điện toán đám mây là hạ tầng viễn thông thế hệ mới trong vòng 5 đến 10 năm tới. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông xác định nền tảng điện toán đám mây là hạ tầng số cho phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Đây là một trong những định hướng chủ lực của quốc gia cần tập trung phát triển trong thời gian tới.
Theo dự báo, đến năm 2025, thị trường điện toán đám mây tại Việt Nam sẽ đạt quy mô 500 triệu USD và có tốc độ tăng trưởng rất nhanh. Năm 2020, dịch Covid-19 đã tạo “cú hích” thúc đẩy phát triển thị trường điện toán đám mây, nhờ đó thị trường này đã tăng trưởng tới 40%.
"Sự tăng trưởng này cho thấy về mặt thị trường, lĩnh vực điện toán đám mây trong nước là một mảnh đất tương đối lớn và còn nhiều khoảng trống đang đợi các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam", Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin nhận định.
"Miếng bánh to nhưng doanh nghiệp Việt chỉ chiếm một góc nhỏ"
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Viettel IDC, các doanh nghiệp Việt Nam mới cung cấp chủ yếu dịch vụ hạ tầng điện toán đám mây, còn dịch vụ phần mềm trên nền hạ tầng điện toán đám mây chưa khai thác được nhiều dù mảng này mới đem lại doanh thu và tăng trưởng lớn.
Lý giải cho thực tế thị trường điện toán đám mây là miếng bánh to, nhưng doanh nghiệp Việt Nam chỉ chiếm được một góc nhỏ, ông Nam cho rằng nhu cầu điện toán đám mây xét theo đối tượng khách hàng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ và doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam.
Bên cạnh đó, hiện dịch vụ cung cấp dịch vụ đám mây ở Việt Nam chưa đủ năng lực xây dựng hạ tầng tốt như nhiều tập đoàn lớn cung cấp nền tảng lớn trên thế giới. Do vậy doanh nghiệp Việt lựa chọn nền tảng dịch vụ của nước ngoài để nhanh chóng, thuận tiện và tránh được nhiều rào cản về đường truyền, chí phí, hỗ trợ kỹ thuật.
Với doanh nghiệp lớn, khi khởi nghiệp hệ thống quản lý, toàn bộ phần mềm mua của nước ngoài. Sau vài năm, họ chuyển dịch dần do bên nước ngoài, khách hàng vào chậm, sự cố lệch giờ và chi phí vận hành của nước ngoài cao nên phải tối ưu cả về trải nghiệm khách hàng và chi phí mới chuyển dần về Việt Nam.
Với hạ tầng đám mây của công ty trong nước, khách hàng thường dè dặt vì ngoài lợi ích giảm chi phí, tốc độ tăng lên thì vấn đề an toàn như thế nào, trách nhiệm đến đâu; khi gặp sự cố lớn có khả năng khôi phục dữ liệu hoặc giảm tỉ lệ gián đoạn dịch vụ hay không.
Ngọc LưuTừ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.