Thị trường gọi xe công nghệ - “máy nghiền” các CEO Việt: Người chưa “ấm chỗ” đã bay ghế, "khai quốc công thần” cũng phải rời đi
Trong khi thị trường gọi xe vẫn khốc liệt từng ngày thì áp lực đè lên vai các lãnh đạo cấp cao cũng vô cùng lớn.
Theo thông tin chúng tôi đưa ngày hôm qua, bà Nguyễn Thái Hải Vân đã rời ghế CEO Grab Việt Nam sau hơn 2 năm gắn bó.
Tuy nhiên, việc lãnh đạo cấp cao của các hãng xe công nghệ rời công ty không phải điều quá bất ngờ, đặc biệt là với những người theo dõi sát chuyển động của thị trường này tại Việt Nam những năm qua. Không chỉ Grab mà tại Gojek hay startup "Made in Vietnam" như Be cũng từng trải qua những sự kiện tương tự, thậm chí nhiều lần.
Với Grab, nhân vật đóng vai trò "khai quốc công thần" cho ứng dụng này tại Việt Nam là ông Nguyễn Tuấn Anh. Ông Tuấn Anh đã giúp Grab trở thành công ty đầu tiên được cấp phép tham gia đề án thí điểm xe hợp đồng điện tử của Chính phủ, sau đó trở thành siêu ứng dụng đa dịch vụ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng. Ông cũng mở đường triển khai thành công ứng dụng đặt xe, đặc biệt là GrabBike, GrabTaxi và GrabCar. Chưa hết, giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt cho người dùng trên ứng dụng Grab thông qua hợp tác chiến lược với Moca cũng là một thành tựu lớn của vị CEO đầu tiên.
Ông Nguyễn Tuấn Anh
Tuy nhiên, sau 6 năm gắn bó, ông Tuấn Anh đã chia tay Grab Việt Nam, sau đó đầu quân cho VinID.
Vị thuyền trưởng thứ 2 của Grab Việt Nam là Jerry Lim – một doanh nhân đến từ Singapore, tiếp quản Grab Việt Nam từ năm 2017, khi ông Tuấn Anh chuyển sang làm Managing Director cho Grab Financial Group Vietnam. Trong thời gian Jerry Lim làm "thuyền trưởng", Grab Việt Nam đã mở rộng đến 43 tỉnh, thành phố trong nước, mở rộng hệ sinh thái dịch vụ của "kì lân" này, từ đưa rước khách bằng ôtô, xe máy, giao nhận thức ăn, giao nhận hàng hoá… Sau 3 năm, ông rời ghế CEO tại Việt Nam và trở lại Singapore để đảm nhiệm vị trí Giám đốc vùng, quản lí bộ phận trải nghiệm khách hàng khu vực Đông Nam Á, gồm 8 quốc gia.
Khi đó, bà Nguyễn Thái Hải Vân được chọn để thay thế trọng trách điều hành siêu ứng dụng tại thị trường Việt Nam từ ngày 1/2/2020. Bà gia nhập trong thời điểm ‘bão tố’ – đại dịch Covid-19 xuất hiện với những khoảng thời gian giãn cách xã hội đã tác động trực tiếp tới lĩnh vực cốt lõi của siêu ứng dụng gọi xe này. Thời điểm bà Vân ra đi cũng là lúc Grab tiếp tục đối mặt với những khó khăn sau khi IPO tại Mỹ. Grab Việt Nam vướng tranh chấp cổ phần với nhân viên cũ.
Bà Nguyễn Thái Hải Vân
Đối thủ Gojek (trước là GoViet) cũng trải qua nhiều lần thay ghế CEO. Ông Nguyễn Vũ Đức là người đồng sáng lập kiêm CEO đầu tiên của GoViet từ tháng 4/2018. Ông Đức từng có thời gian ngắn làm việc cho Uber khi nền tảng gọi xe của Mỹ vào Việt Nam thời gian đầu.
Tuy nhiên, chỉ một năm ngồi trên cương vị "lèo lái" GoViet, vị lãnh đạo này đã rời đi. Đó cũng là thời điểm ứng dụng này bắt đầu thu full chiết khấu 20% từ tài xế thay vì "chính sách 0 đồng" khi mới gia nhập thị trường Việt Nam, đồng thời siết các chính sách dựa trên hiệu quả của tài xế và cho điểm các lái xe.
Ông Nguyễn Vũ Đức
Người thay ông Đức đảm nhiệm ghế Tổng giám đốc là bà Lê Diệp Kiều Trang. Bà Trang vốn không còn xa lạ với giới công nghệ và giới startup. Tốt nghiệp Học viện Công nghệ Massachusetts, Kiều Trang đầu quân cho công ty tư vấn chiến lược McKinsey. Sau đó, bà cùng chồng là ông Sonny Vũ sáng lập nên Misfit Wearables. Bà Trang cũng có thời gian ngắn nắm giữ vị trí điều hành Facebook Việt Nam.
Đáng nói, quãng thời gian bà gắn bó với GoViet chỉ vỏn vẹn 5 tháng.
Ông Phùng Tuấn Đức là người tiếp theo dẫn dắt ứng dụng gọi xe này cho đến thời điểm hiện tại. Dưới thời của ông Tuấn Đức, GoViet đã có nhiều đổi thay quan trọng, gồm đổi tên thành Gojek (đồng nhất với công ty mẹ), ra mắt dịch vụ GoCar, thanh toán qua ví MoMo,…
Ông Phùng Tuấn Đức
Startup trong nước - Be cũng không tránh khỏi "dớp". Be được sáng lập bởi ông Trần Thanh Hải – một nhân vật có tiếng trong giới công nghệ. Ông Hải được biết đến là đồng sáng lập và nguyên Giám đốc công nghệ VNG; Đồng sáng lập và nguyên TGĐ Fim , Công ty lớn nhất tại Việt Nam cung cấp ứng dụng xem phim VOD theo yêu cầu; Đồng sáng lập và nguyên TGĐ Vina Data; Chủ tịch HĐQT chudu24.com; Thành viên HĐQT Sacombank Securities. Từ ngày đầu thành lập ứng dụng gọi xe Be, ông Hải đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc.
Ông Trần Thanh Hải
Tuy nhiên, một năm sau, nhà sáng lập Be bất ngờ rời ghế Tổng giám đốc, trong bối cảnh startup còn quá non trẻ. Người thay ông Tuấn lèo lái công ty là bà Trần Hoàng Phương – trước đó đảm nhiệm ghế COO, đồng thời cũng nằm trong nhóm sáng lập ứng dụng gọi xe này.
Nhưng rồi cũng không được bao lâu, đến ngày 8/9/2021, bà Phương rời ghế "nóng" với lý do cá nhân. Trọng trách điều hành Be được chuyển giao cho bà Vũ Hoàng Yến – người từng đảm nhận các vị trí quan trọng tại Adayroi (VinGroup), Agoda, Y khoa Hoàn Mỹ. Như vậy, trong vỏn vẹn 3 năm, ứng dụng gọi xe Make in Vietnam đã thay CEO đến 3 lần.
Thị trường gọi xe vẫn "nóng"
Đến nay, người ta không còn thắc mắc về chuyện "đốt tiền" của các ứng dụng gọi xe, nhưng điều đó không có nghĩa thị trường này đã giảm bớt sự khắc nghiệt. Bên cạnh việc tiếp tục phải duy trì các chương trình khuyến mãi để giữ chân người dùng, các ứng dụng còn phải đối mặt với nhiều thách thức mới vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 suốt 2 năm qua.
Đặc biệt trong khoảng làn sóng Covid-19 lần thứ 4, việc thực hiện giãn cách đã có lúc khiến các ứng dụng gọi xe "đóng băng" hoạt động hoàn toàn, không thể chở khách cũng không thể giao đồ ăn, thực phẩm.
Chưa hết, chuyện tăng phần trăm chiết khấu còn khiến Grab, Be không ít lần đối mặt với làn sóng phản đối, đình công của các tài xế.
Theo báo cáo mới nhất của ABI Research, Grab dẫn đầu thị trường với 74,6% thị phần, tiếp theo là Be (12,4%) và Gojek (12,3%). Là người dẫn đầu thị trường, IPO thành công trên đất Mỹ, tưởng như Grab sẽ chào đón một tương lai tươi sáng nhưng đến thời điểm hiện tại, kỳ lân này đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Theo Bloomberg, khoản lỗ của Grab đạt 1,06 tỷ USD trong quý 4, so với ước tính đồng thuận là 645 triệu USD. Những khoản lỗ ngày càng tăng đã khiến các nhà đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu của cả các công ty khác vẫn chưa thu được lợi nhuận. Grab là công ty có hoạt động kém nhất trong Chỉ số De-SPAC. Giá cổ phiếu Grab thậm chí còn "rơi tự do" từ mức 13,06 USD/cổ phiếu (giá mở cửa ngày 2/12/2021) xuống còn 3,29 USD/cổ phiếu vào ngày 10/3/2022. Từ vốn hóa 40 tỷ USD khi IPO, hiện mức vốn hóa của Grab chỉ còn 12,3 tỷ USD.
Do đó, trong khi thị trường gọi xe vẫn khốc liệt từng ngày thì áp lực đè lên vai các lãnh đạo cấp cao cũng vô cùng nặng nề.
Hoàng ThuỳKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.