Thị trường hàng Tết bắt đầu sôi động, các doanh nghiệp cam kết đảm bảo nguồn cung ổn định

Thị trường
12:43 PM 29/12/2021

Chỉ còn khoảng hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, thị trường hàng hóa đã bắt đầu sôi động khi các doanh nghiệp, nhà phân phối đang tất bật chuẩn bị hàng Tết phục vụ nhu cầu của người dân. Dù thị trường Tết Nhâm Dần 2022 được dự báo không sôi động bằng các năm trước, nhưng đến thời điểm này, sức mua đã bắt đầu tăng lên.

Doanh nghiệp tất bật chuẩn bị nguồn cung ứng hàng Tết

Các hiệp hội, đặc biệt là các đơn vị sản xuất hàng Tết, có tinh thần vào cuộc rất quyết tâm. Đến hiện tại, các doanh nghiệp đều khẳng định đã chuẩn bị một nguồn hàng lương thực thực phẩm tương đối đầy đủ.

Doanh nghiệp chuẩn bị đủ hàng Tết, sức mua tăng dần - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã xây dựng kế hoạch phục vụ với giá trị hàng hóa tương đương Tết Nguyên đán 2021. Ngoài nhóm mặt hàng đăng ký theo chương trình bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của thành phố, Hapro đã chuẩn bị các sản phẩm thực phẩm đã qua chế biến mang thương hiệu Hapro. Đặc biệt, công ty cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động bán hàng online thông qua thương mại điện tử, qua đó hạn chế tập trung đông người mua sắm, góp phần ngăn chặn dịch COVID-19.

Trong khi đó, lượng dự trữ hàng hóa phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 của hệ thống siêu thị Big C dự kiến tăng 5-7% so với kế hoạch Tết 2021, trong đó, tập trung vào nguồn hàng trong nước, đặc biệt chú trọng đến các mặt hàng truyền thống. Hiện đơn vị này đang bắt đầu đưa hàng hóa lên kệ các siêu thị.

Saigon Co.op cũng đã chuẩn bị lượng hàng hóa lên đến 6.000 tỷ đồng, trong đó dự trữ hàng thực phẩm thiết yếu tăng 2-3 lần kèm rất nhiều hoạt động khuyến mãi hấp dẫn để phục vụ mùa mua sắm cuối năm. Năm nay, để tạo điều kiện cho người tiêu dùng chủ động sắm sửa, chuẩn bị Tết trong bối cảnh bình thường mới, các hệ thống bán lẻ thuộc Saigon Co.op sẽ bố trí các hoạt động giảm giá, khuyến mãi theo từng nhóm hàng và sắp xếp các đợt giảm giá riêng theo thứ tự ưu tiên mua sắm của khách hàng.

Hiện tại, dịch COVID-19 dù diễn biến phức tạp nhưng đang trong tầm kiểm soát nên các chợ truyền thống, hệ thống siêu thị tại Hà Nội vẫn hoạt động bình thường. Công tác phòng chống dịch tại các chợ và siêu thị vẫn được lực lượng chức năng kiểm tra và giám sát chặt chẽ. 

Doanh nghiệp chuẩn bị đủ hàng Tết, sức mua tăng dần - Ảnh 2.

Nhiều siêu thị đã đưa hàng Tết lên kệ, đảm bảo cung ứng đủ hàng Tết cho người dân.

Sức mua hàng Tết tăng dần

Đến thời điểm hiện tại người dân đã sắm Tết, mua hàng Tết nhiều hơn so với những ngày trước. Tổng Giám đốc Saigon Co.op - ông Nguyễn Anh Đức nhận định tại tọa đàm chủ đề "TP HCM bảo đảm nguồn hàng hóa, giá cả ổn định dịp cuối năm", thị trường Tết Nhâm Dần 2022 sẽ là một năm rất khác. Theo ông, thị trường năm nay sẽ có 3 sự thay đổi lớn buộc các doanh nghiệp bán lẻ, phân phối phải thích nghi.

Một là, Tết năm nay chắc chắc việc người dân sẽ hạn chế đi du lịch từ TP.HCM đến các tỉnh cũng như từ Việt Nam ra các nước. Do đó, nhu cầu tiêu dùng Tết cũng như các hoạt động vui chơi giải trí sẽ tập trung trong nước.

Thứ hai, làn sóng công nhân về quê ăn Tết như các năm trước sẽ giảm. Tỷ lệ "ai ở đâu ở đó" ăn Tết là một xu hướng mới.

Thứ ba, tình hình dịch bệnh xảy ra ở các địa phương cũng sẽ khác nhau.

Đó là những cơ sở để kỳ vọng sức mua thị trường sẽ tốt dần lên trong những ngày cuối năm.

An Mai
Ý kiến của bạn
Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5% Nhiều nhóm giải pháp nhằm đạt tăng trưởng GDP năm 2024 đạt từ 6%-6,5%

Nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý I đạt 5,66% đang sát với kịch bản cao (5,6%). Để vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những quý còn lại cần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện hiệu quả, linh hoạt các chính sách điều hành của Chính phủ.