Thị trường khách sạn vẫn ảm đạm hậu Covid-19
Trước tác động khó lường của đại dịch Covid-19, thị trường khách sạn dường như rơi vào trạng thái "ngủ đông". 11 tháng qua, doanh thu phòng khách sạn giảm hơn hai phần ba so với cùng kỳ năm trước.
Toàn cảnh thị trường khách sạn Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020 là một bức tranh màu xám. Thị trường được cho là càng thêm khó do tiếp tục xuất hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Chỉ số ADR (giá phòng trung bình) trong tháng 10 của cả nước đã giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái, và gần 40% so với đầu năm.
Nhu cầu du lịch trong nước giảm mạnh và khách du lịch nội địa (vốn là cứu cánh còn lại của thị trường) trở nên trầm lắng. Du khách dè dặt hơn do những lo ngại leo thang về nguy cơ bùng phát dịch bất cứ lúc nào.
Sự thiếu vắng khách du lịch dẫn tới hàng loạt điểm tham quan, khách sạn phải đóng cửa. Sự phục hồi ở phân khúc khách quốc tế sẽ mất nhiều thời gian hơn, do Việt Nam sẽ tiếp tục trì hoãn việc nối lại các chuyến bay quốc tế, và tâm lý tránh du lịch nước ngoài khi dịch vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn trên thế giới.
Ông Nguyễn Trọng Thức, Phó Giám đốc của CBRE Hotels Việt Nam dự báo thị trường khách sạn trong giai đoạn 2020-2021 sẽ luôn trong tư thế phòng thủ. Hoạt động kinh doanh của thị trường có thể thay đổi liên tục do phải đối mặt với những biến động khó lường về dịch bệnh.
Hiện nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư bắt đầu vào cuộc săn đón những tài sản bị áp lực nợ với mức định giá thấp. Tuy nhiên, thị trường khách sạn 4-5 sao hiện vẫn chưa ghi nhận nhiều tài sản rơi vào tình thế này. Việc tài sản bị định giá thấp chủ yếu tập trung ở những khách sạn thuộc phân khúc bình dân trở xuống. Song song đó nhiều cơ hội cũng mở ra khi những chủ sở hữu các chuỗi khách sạn cũng đang tìm cách thoái vốn tại một số tài sản kém hiệu quả.
Sau khi đại dịch được kiểm soát, thị trường khách sạn ghi nhận nhu cầu đặt phòng đã dần cải thiện nhưng công suất phòng khách sạn tại Đà Nẵng - địa phương chịu ảnh hưởng nặng khi đại dịch Covid-19 bùng phát chỉ ở mức 20%. Nha Trang và Phú Quốc ghi nhận công suất phòng cao hơn, đặc biệt là vào cuối tuần nhờ các gói ưu đãi kích cầu du lịch. Toàn thị trường nghỉ dưỡng nói chung sẽ khó vượt qua ngưỡng công suất 25%, ngoại trừ một số khu nghỉ dưỡng nằm ở các điểm đến lân cận thành phố lớn có thể đạt cao hơn mức trung bình thị trường 10-15 điểm phần trăm.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương đánh giá thị trường khách sạn phục hồi khá chậm, nguồn cầu nội địa vẫn chưa được xem là đủ ổn định để có thể tác động rõ rệt đến hoạt động của khách sạn và khu nghỉ dưỡng. Nguyên nhân là hiện nguồn cầu chỉ thực sự tăng vào cuối tuần trong khi nhu cầu vào các ngày trong tuần vẫn còn khá thấp.
Trước đó, kể từ cột mốc sau kỳ nghỉ Tết, Việt Nam ghi nhận sự sụt giảm về lượng khách du lịch quốc tế và nội địa trong sáu tháng đầu năm 2020 với mức giảm lần lượt là 56% và 50% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyến bay quốc tế bị buộc phải dừng kể từ cuối tháng 3 khiến lượng khách quốc tế đến giảm mạnh gần 99% chỉ trong quý II.
CBRE nhận định sự hồi phục hoàn toàn của ngành dịch vụ lưu trú và khách sạn sẽ còn phải đối mặt với nhiều biến động khó lường và phụ thuộc rất nhiều vào tình hình kiểm soát dịch của thế giới. Hiện hầu hết khách sạn đều tập trung cắt giảm chi phí để có thể đạt được điểm hòa vốn hoạt động, chỉ một số ít có thể kỳ vọng đạt kết quả khả quan cho năm 2020.
Covid-19 thực sự là “cơn ác mộng” đối với thị trường khách sạn, kinh doanh gặp khó khăn và đòi hỏi nhiều thời gian để phục hồi. Mặc dù đại dịch Covid-19 đã để lại nhiều thiệt hại và tác động sâu rộng đến thị trường du lịch và khách sạn nhưng Việt Nam được cả thế giới biết đến là một trong những quốc gia ứng phó thành công và hiệu quả nhất trong đại dịch. Điều này đã giúp Việt Nam xây dựng hình ảnh một điểm đến an toàn trên bản đồ du lịch thế giới, hy vọng rằng sau khi đại dịch được kiểm soát hiệu quả, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày càng nhiều hơn.
Có thể thấy, sự hồi phục của bất động sản nói chung và của phân khúc khách sạn nói riêng sớm hay muộn còn phải phụ thuộc vào việc khống chế dịch.
Khi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.