Thị trường lao động quý I/2023 tiếp tục phục hồi
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tình hình lao động, việc làm quý I/2023 phục hồi tích cực, lực lượng lao động, số người có việc làm tăng so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động cũng tăng lên.
Những nhận định này được đưa ra tại buổi Họp báo tình hình lao động việc làm quý I/2023 do Tổng cục Thống kê tổ chức sáng nay (6/4).
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, quý I vừa qua, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,2 triệu người, tăng gần 89.000 người so với quý trước và tăng hơn 1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lực lượng lao động ở khu vực thành thị tăng 121.000 người, trong khi đó, khu vực nông thôn giảm hơn 32.000 người.
Trong thời gian này, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động không thay đổi so với quý trước và tăng 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 65,2%, trong khi đó, tỷ lệ này ở nông thôn là 71,3%.
Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 51,1 triệu người, tăng trên 113.000 người so với quý trước và tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, số lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,9 triệu người, tăng gần 121.000 người so với quý trước và tăng trên 386.000 người so với cùng kỳ năm trước.
Về tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động, do tình hình thị trường lao động quý I khá ổn định nên tỷ lệ người thất nghiệp cũng giảm đi. Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi là khoảng 1,5 triệu người, giảm gần 35.000 người so với quý trước và giảm trên 65.000 người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I vừa qua là 2,25%, giảm 0,07 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 0,21 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, so với quý IV/2022, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý I/2023 tăng 194.000. Trong khi so với cùng kỳ năm 2022, thu nhập bình quân tháng người lao động tăng 640.000 đồng.
Trong quý I/2023, thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,36 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (8,0 triệu đồng so với 5,9 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,41 lần khu vực nông thôn (8,6 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng). Dù tăng song theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng thu nhập bình quân tháng của người lao động quý I/2023 chỉ tăng 2,9% so với quý IV/2022. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so mức tăng 20,1% của quý I/2022 (so với quý IV/2021).
Ngoài ra, quý I/2023 chứng khiến một số địa phương có sự sụt giảm về thu nhập bình quân như: Thu nhập bình quân của lao động làm việc tại TP Hồ Chí Minh là 9,1 triệu đồng (giảm là 127.000 đồng so với quý IV/2022); lao động tại Bình Phước có thu nhập bình quân 6,8 triệu đồng (giảm 197.000 đồng); lao động tại Bắc Ninh có thu nhập bình quân 8,4 triệu đồng (giảm 197.000 đồng); lao động tại Quảng Ninh có thu nhập bình quân là 7,2 triệu đồng (giảm 237.000 đồng)…
Thống kê cũng cho thấy, thu nhập bình quân của người lao động ở cả 3 khu vực kinh tế (Nông, lâm nghiệp và thủy sản; Công nghiệp và xây dựng; dịch vụ) đều tăng.
Trong 3 khu vực kinh tế, lao động làm việc trong khu vực dịch vụ có tốc độ tăng thu nhập cao nhất. So với cùng kỳ năm 2022, thu nhập bình quân tháng của lao động làm việc trong dịch vụ là 8,3 triệu đồng (tăng 766.00 đồng). Lao động làm việc trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có thu nhập bình quân là 4,1 triệu đồng (tăng 345.000 đồng). Lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,9 triệu đồng (tăng 655.000 đồng).
Trong quý I/2023, GDP chỉ tăng 3,32% thấp nhất kể từ năm 2021 (ngoại trừ năm 2020) nhưng theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, thị trường lao động đang phục hồi tích cực hơn so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi còn chậm.
Để thị trường lao động phục hồi bền vững, đảm bảo cuộc sống cho người lao động, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đề xuất, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp. Cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm...
Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực... Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị thị trường lao động phù hợp, từng bước hiện đại, minh bạch có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả kết nối cung cầu lao động, việc làm, an sinh xã hội.
Thương Huyền (t/h)Đây là 1 trong 15 chỉ tiêu chủ yếu được đưa ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 tại Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội.