Thị trường M&A hứa hẹn bứt phá với nhiều thương vụ 'bom tấn'
Chỉ tính riêng trong chưa đầy 2 tháng đầu năm 2022, thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) đã tăng độ nóng khi diễn ra gần chục thương vụ với giá trị lên đến hàng trăm triệu USD.
Cụ thể, SK Group và Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (MSN) đã công bố việc ký kết thỏa thuận mua lại 16,26% cổ phần của công ty nắm giữ cổ phần VinCommerce (VCM) với tổng giá trị là 410 triệu USD. Với giao dịch này, VCM được định giá 2,5 tỷ USD cho 100% vốn chủ sở hữu. Thỏa thuận đầu tư của SK khẳng định năng lực cải thiện vận hành và lợi nhuận VCM nhằm tối ưu hóa mạng lưới cửa hàng, danh mục sản phẩm và tiết kiệm chi phí.
Trước đó, Tập đoàn Masan cũng đã chi ra 110 triệu USD để mua thêm 31% cổ phần của Trà sữa Phúc Long, từ đó thuận tiện hơn trong việc đầu tư mở rộng chuỗi đồ uống và thực phẩm dùng nhanh và tích hợp vào chuỗi Winmart theo mô hình "Point of Life" - nơi phục vụ các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu trên một nền tảng tích hợp xuyên suốt từ offline đến online.
Trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng chứng kiến thương vụ trị giá 212,5 triệu USD do Tập đoàn Hibiscus Petroleum chi ra để mua lại dự án khai khác dầu khí của Repsol tại Việt Nam và Malaysia. AC Energy (ACEN), công ty con thuộc Tập đoàn Ayala (Philippines) cũng bỏ 165 triệu USD để mua 49% cổ phần của Solar NT - đơn vị đang sở hữu và vận hành 9 nhà máy điện mặt trời tại thị trường Việt Nam.
Còn đối với lĩnh vực bất động sản, nhà đầu tư Singapore Keppel Land ký một thỏa thuận với Công ty cổ phần địa ốc Phú Long để mua 49% cổ phần trong 3 khu đất tại khu đô thị Bắc An Khánh - Mailand Hanoi City với tổng giá trị 2.715 tỷ đồng. Hay tại TP.HCM, nhà đầu tư mới nổi Masterises Group thâu tóm dự án Sài Gòn Bình An 117 ha có vị trí đắc địa tại TP. Thủ Đức và đổi tên thành The Global City.
Chuỗi bán lẻ Con Cưng nhận 90 triệu USD đầu tư từ quỹ Quadria Capital, nguồn vốn mới này dự định dùng để mở rộng quy mô và mạng lưới cửa hàng tại thị trường Việt Nam, đặt mục tiêu khai trương 2.000 siêu thị mẹ và bé từ nay đến năm 2025. Đồng thời, khoản đầu tư này cũng được dùng để phát triển ứng dụng chuyên cung cấp sản phẩm và dịch vụ cá nhân hóa tất cả trong một, dựa trên nhu cầu khách hàng.
Theo nhận định của một số chuyên gia, sở dĩ, “sóng” M&A nhộn nhịp ngay đầu năm nay bởi trong năm qua, Việt Nam đã có những tín hiệu kiểm soát tốt, thúc đẩy nền kinh tế phát triển trở lại, hơn nữa sau một thời gian dài bị dồn nén, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã nhanh chóng tìm cách xoay chuyển tình hình, bắt kịp chuyển biến mới trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp giàu tiềm lực tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, sản xuất kinh doanh, công nghệ… cần bổ sung một nguồn vốn lớn để phục vụ cho nhu cầu phát triển, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thời hậu giãn cách xã hội, hứa hẹn cho một năm bận rộn cho các công ty luật, tư vấn và thẩm định giá.
Bên cạnh đó, niềm tin tăng trưởng còn đến từ gói kích thích kinh tế cực lớn mới được triển khai và các dự án đầu tư công sẽ thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Hơn thế, năm 2022 có thể chứng kiến các thương vụ dồn nén không thể triển khai trong hai năm qua khởi động trở lại. Các lĩnh vực được giới đầu tư quan tâm nhiều nhất là bất động sản, kho bãi - hậu cần, bán lẻ tiêu dùng. Danh mục tiềm năng còn có thương mại điện tử, công nghệ tài chính, ô tô, bảo hiểm. Các ngành mới hấp dẫn được dự báo còn có năng lượng tái tạo, dược phẩm, viễn thông và cơ sở hạ tầng… đều hứa hẹn một năm nhiều thuận lợi trong kinh doanh.
Theo dự báo, giá trị M&A có thể phục hồi lên 7 tỷ USD trong năm 2022, gấp đôi giá trị năm 2020 và 2021.
Mai AnTheo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.