Thị trường M&A và IPO (27/12- 31/12): Những thương vụ chuyển nhượng nổi bật cận kề năm 2022

Đầu tư và Tiếp thị
07:48 AM 01/01/2022

Thị trường M&A và IPO trong tuần diễn ra vô cùng sôi động với những thương vụ chuyển nhượng vốn, đầu tư vào các công ty liên kết, công ty con... tạo sức nóng không thua gì so với thị trường chứng khoán cho các nhà đầu tư nội và ngoại vào thị trường mua bán & sáp nhập tại thị trường Việt Nam.

photo-1640997822859

Các doanh nghiệp thực hiện M&A tuần này

Mở đầu tuần này là chuỗi sự kiện của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (HOSE: MSB) hoàn tất bán công ty con AMC và thông qua nghị quyết bán 100% công ty con FCCOM.

Việc bán công ty con FCCOM nhằm mục tiêu tập trung vào phát triển mảng bán lẻ của MSB. Thương vụ được kỳ vọng sẽ mang lại cho MSB khoản lợi nhuận khoảng 1.800 - 2.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn tất và hạch toán lợi nhuận trong năm 2022. MSB cho rằng nguồn thu này có thể là động lực chính cho mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế 30% trong năm 2022.

Trong khi đó, khoản thu từ việc bán AMC đã được ghi nhận vào lợi nhuận năm nay.

AMC và FCCOM là hai công ty con mà MSB sở hữu 100% vốn, trong đó AMC là công ty quản lý nợ và khai thác tài sản MSB với vốn điều lệ 100 tỷ đồng và FCCOM là công ty tài chính MTV Cộng đồng với vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

Về kết quả kinh doanh, tính đến hết tháng 10/2021, lợi nhuận trước thuế của MSB đã đạt 4.600 tỷ đồng, vượt 40% chỉ tiêu của cả năm. Lãnh đạo MSB hy vọng lãi trước thuế năm 2021 sẽ chinh phục ngưỡng 5.000 tỷ đồng.

Dự báo đến cuối năm 2021, tổng tài sản của MSB đạt 200.000 tỷ đồng, tăng hơn 13% so với hồi đầu năm; tăng trưởng tín dụng đạt 22% và tăng 13% vốn.

Ngày 28/12/2021, Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy (HoSE: TCH) đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần nắm giữ tại Công ty Cổ phần Xây dựng Đại Thịnh Vượng cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Bất động sản CRV.

TCH đã thông qua nghị quyết chuyển nhượng hơn 106 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Xây dựng Đại Thịnh Vượng cho Tập đoàn Bất động sản CRV.

Sau khi hoàn tất, TCH sẽ không nắm giữ trực tiếp cổ phần tại Xây dựng Đại Thịnh Vượng. Được biết, cả 2 đơn vị trong giao dịch chuyển nhượng này đều là công ty con của TCH. Trong đó, tính đến ngày 30/9/2021, tỷ lệ sở hữu của TCH tại Xây dựng Đại Thịnh Vượng là 99,99%.

Giá chuyển nhượng được phía TCH công bố là hơn 1.270 tỷ đồng. Thời gian hoàn tất thủ tục dự kiến trước ngày 31/12/2021.

Theo báo cáo thường niên của TCH, tính tới ngày 30/3/2021, vốn điều lệ của Xây dựng Đại Thịnh Vượng là 310 tỷ đồng, trong đó vốn góp của TCH là 309,9 tỷ đồng.

29/12/2021, Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa _TTC Sugar (SBT) công bố kế hoạch đầu tư trăm tỷ 'thâu tóm' Mía đường Tây Ninh.

Cụ thể, SBT sẽ mua 16,78 triệu cổ phần Tanisugar, tương đương 57,07% vốn doanh nghiệp theo hình thức thỏa thuận. Được biết, SBT đang là cổ đông lớn tại Tanisugar và khi thương vụ hoàn tất, tỷ lệ sở hữu dự kiến của SBT sẽ nâng lên gần 64%, qua đó hợp nhất kết quả kinh doanh của công ty con này.

SBT cho biết, mục đích đầu tư vào Tanisugar là vì có ngành nghề phù hợp với định hướng và chiến lược của doanh nghiệp. Thời gian thực hiện là quý II-III niên độ 2021-2022.

Hội đồng quản trị SBT đã thông qua nghị quyết về việc chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty TNHH MTV nước Miaqua cho Global Mind Commodities Trading Pte.Ltd (trụ sở tại Singapore), giá trị chuyển nhượng là 4,5 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, nhìn lại năm tài chính 2020 (niên độ từ 1/7/2020 đến 30/6/2021), SBT mang về 14.925 tỷ đồng doanh thu thuần với mức tiêu thụ đạt 1,16 triệu tấn đường, lần lượt tăng 16% và 10% so với năm trước đó. Đó là năm thứ 2 liên tiếp sản lượng tiêu thụ của SBT đạt trên 1 triệu tấn.

Với điểm sáng là biên lợi nhuận gộp nhờ kiểm soát tốt chi phí đầu vào, SBT lãi sau thuế 650 tỷ đồng, tăng 79% so với năm tài chính 2019.

Bước sang năm tài chính 2021, kết thúc quý đầu tiên (1/7/2021 đến 30/9/2021), SBT tiếp tục gặt hái những kết quả khả quan với doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 4.312 tỷ đồng (tăng 18% cùng kỳ) và 195 tỷ đồng (tăng 88%).

Doanh thu tài chính cũng là một điểm sáng trong quý này khi tăng gần 5 lần so với cùng kỳ, trong đó phần lớn doanh thu đến từ hoạt động giao dịch đường trên sàn giao dịch hàng hóa quốc tế.

Ngày 30/12/2021 vừa qua, Công ty Cổ phần Thaiholdings (HNX: THD) vừa thông qua việc góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Thaispace và phương án mua cổ phần trong đợt chào bán của Công ty Cổ phần Tôn Đản Hà Nội.

Theo đó, Thaiholdings thông qua việc góp 1.224,4 tỷ đồng thành lập Thaispace, tương đương 5% tổng mức vốn điều lệ của công ty này.

Vốn cổ phần của Thaispace dự kiến đạt 26.688 tỷ đồng.

Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là kinh doanh dịch vụ vận tải hàng không; xây dựng và kinh doanh trạm vũ trụ không gian, vệ tinh tại Việt Nam và thế giới; kinh doanh dịch vụ viễn thông không dây như internet vệ tinh, dịch vụ định vị,…; kinh doanh hoạt động truyền dẫn kỹ thuật số; hoạt động ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data); vận tải lên vũ trụ; dịch vụ du lịch hàng không vũ trụ; phát sóng vệ tinh,…

Ngoài ra, Thaiholdings cũng thông qua phương án mua cổ phần trong đợt phát hành của Công ty Cổ phần Tôn Đản Hà Nội.

Theo đó, trong đợt chào bán cổ phần của Tôn Đản Hà Nội, với việc sở hữu 14,2 triệu quyền mua, Thaiholdings dự kiến tham gia mua hơn 13 triệu cổ phần phổ thông với giá 10.000 đồng/cổ phần, tương đương tổng giá trị hơn 130 tỷ đồng.

Được biết, Thaiholdings và Công ty Cổ phần Thaigroup vào giữa tháng 11 đã công bố về việc dự kiến chuyển nhượng tổng cộng hơn 72,7 triệu cổ phần của Công ty Tôn Đản Hà Nội, chiếm 99,97% vốn điều lệ.

Trong đó, số cổ phẩn do Thaiholdings sở hữu là 14,2 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ 19,52%; số cổ phần do Thaigroup sở hữu là hơn 58,5 triệu đơn vị, tương đương tỷ lệ 80,45%.

Giá chuyển nhượng dự kiến không thấp hơn 60.000 đồng/cổ phần, tương đương tổng giá trị 4.363 tỷ đồng.

Như vậy, thay vì thoái vốn như kế hoạch ban đầu, Thaiholdings quyết định đầu tư thêm vào Tôn Đản Hà Nội thông qua mua cổ phần trong đợt chào bán tăng vốn.

Tổng số tiền mà Thaiholdings dự kiến đầu tư vào Thaispace và Tôn Đản Hà Nội là hơn 1.430 tỷ đồng.

Bên cạnh đó ngày 30/12/2021, thông tin: Tập đoàn T&T công bố sự định bán ra 6,8 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Cảng Quảng Ninh (Upcom: CQN), ước thu 140 tỷ đồng.

Tập đoàn T&T thông báo vừa đăng ký bán ra 6,8 triệu cổ phiếu CQN của Công ty Cổ phần Cảng Quảng Ninh, giảm tỷ lệ sở hữu từ hơn 94% xuống hơn 85%, mục đích để thu hồi vốn đã đầu tư tại doanh nghiệp.

Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh từ 5/1 đến 27/1/2022. Tạm tính theo thị giá hiện tại của CQN là 20.500 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên 29/12), nếu bán hết lượng cổ phiếu đăng ký, Tập đoàn T&T sẽ thu về khoảng 140 tỷ đồng.

Đây cũng không phải lần đầu trong năm nay Tập đoàn T&T bán bớt cổ phần tại Cảng Quảng Ninh. Trước đó ngày 16/6, Tập đoàn T&T đã bán bớt 2,6 triệu cổ phiếu.

Được biết, Cảng Quảng Ninh đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM kể từ ngày 18/08/2020 với với giá tham chiếu 12.200 đồng/cp. Lĩnh vực kinh doanh chính là cảng biển và kinh doanh nông sản. Tại thời điểm 25/05/2020, cổ đông lớn nhất của Cảng Quảng Ninh là Tập đoàn T&T với tỷ lệ sở hữu 98%, tương đương với khối lượng nắm giữ hơn 49 triệu cổ phiếu.

Sau khi lên sàn không lâu, Cảng Quảng Ninh phát hành 25 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1000:499, giá chào bán 13.500 đồng/cổ phiếu.

Tổng tài sản đến cuối quý III của Cảng Quảng Ninh đạt 1.040 tỷ đồng, thấp hơn 31,6% so với hồi đầu năm.

Ngoài ra, thông tin về IPO tuần này đã tạo ấn tượng với các nhà đầu tư trong tuần cuối cùng của năm 2021

Cổ phiếu VietCredit tiếp tục trắng bên bán, tăng 60% sau 2 ngày lên sàn UpCom.

Diễn biến trong phiên giao dịch chiều 29/12, cổ phiếu Công Ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (Vietcredit, UPCoM: TIN) tiếp tục tăng trần khi đạt mức 24.300 đồng/cp, tăng 14,62% so với thời điểm mở cửa sáng cùng ngày.

Nếu tính với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên, cổ phiếu TIN thậm chí đã tăng đến 60%.

Trước đó, ngày 28/12/2021, hơn 68,7 triệu cổ phiếu TIN chính thức giao dịch trên sàn UPCoM. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 15.200 đồng/cp. Ngay trong phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu này đã tăng kịch trần 39,5%.

Theo giới thiệu của doanh nghiệp, VietCredit tiền thân là Công ty Tài chính Cổ phần Xi Măng, thành lập vào ngày 05/09/2008.

Vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng với 3 cổ đông sáng lập gồm Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) chiếm 61,5% vốn.

Tháng 4/2018, Công ty Tài chính Cổ phần Xi Măng chính thức được đổi tên thành Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit).

Trả qua 3 lần tăng vốn kể từ năm 2008 đến nay, vốn điều lệ của VietCredit hiện tại là gần 688 tỷ đồng.

Cùng với đó, cơ cấu cổ đông hiện tại của VietCredit đã thay đổi so với khi thành lập.

Cụ thể, đến tháng 3/2021, các cổ đông sáng lập và định chế tài chính trên đã thoái toàn bộ vốn khỏi VietCredit, chỉ còn lại Vicem với tỷ lệ sở hữu 14,59% vốn điều lệ. 85,41% vốn cổ phần còn lại thuộc về 108 cổ đông khác, đều là cổ đông cá nhân trong nước.

Về phần sở hữu của ban lãnh đạo, Chủ tịch HĐQT VietCredit, ông Nguyễn Đức Phương sở nắm giữ hơn 2,9 triệu cổ phần, tương đương 4,32% vốn cổ phần. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Chí Hiếu (Thành viên HĐQT) và bà Nguyễn Thị Thanh Hoa đang sở hữu lần lượt 3,38% và 2,5% vốn công ty.

Tuần tới, cổ phiếu EVF của Công ty tài chính cổ phần điện lực (EVN Finance, UPCoM: EVF) dừng giao dịch tại UPCoM từ 30/12, và chuẩn bị lên sàn Hose.

21/12, HoSE thông báo chấp thuận niêm yết cho 304,7 triệu cổ phiếu EVF của Công ty tài chính cổ phần điện lực (EVN Finance, UPCoM: EVF). Chưa có ngày giao dịch chính thức tại HoSE, song cổ phiếu EVF có phiên giao dịch cuối cùng tại UPCoM là 29/12 và hủy đăng ký giao dịch từ 30/12.

EVN Finance được thành lập năm 2008 với mục tiêu làm đầu mối thu xếp vốn, quản trị vốn cho các dự án thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên. Cổ đông lớn nhất là Đầu tư và Tư vấn Thiên Triều Aria nắm 5%, tiếp theo là ABBank nắm 4,97%.

Hoạt động kinh doanh ổn định, lợi nhuận ròng trong khoảng 180 tỷ đồng đến 228 tỷ đồng giai đoạn 2017-2020, tỷ lệ cổ tức đều đặn 6-7% mỗi năm. 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế 238 tỷ đồng, tăng 56% và thực hiện 93% kế hoạch năm.

EVNFinance đặt mục tiêu năm 2022 lợi nhuận tăng trưởng 15-20%, phụ thuộc vào các phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước. Doanh nghiệp dự báo năm 2022 Việt Nam và các nước dần kiểm soát được dịch bệnh, sẽ có những thuận lợi và khó khăn đan xen.

Trong năm 2021, doanh nghiệp đã thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 15% của 2018 và 2019. Dự kiến trong quý I/2022, EVN Finance tiếp tục phát hành thêm gần 20 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên 3.245 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận năm 2020, tỷ lệ 6,5%. Kế hoạch này sẽ được triển khai sau khi Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và UBCKNN chấp thuận.

Khép lại thông tin M&A và IPO tuần này là thông tin PGT Holdings (HNX: PGT) đang thực hiện kể hoạch triển khai bán hơn 1,1 triệu cổ phiếu.

Cụ thể, ngày 29/12/2021, thông tin bà Nguyễn Thị Thanh Chi - Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng - đăng ký bán 1,166,201 cổ phiếu (tỷ lệ 12.94%). Ngày dự kiến bắt đầu giao dịch: 30/12/2021.

Ngày dự kiến kết thúc giao dịch: 28/01/2022. Cho thấy ở năm 2022, PGT Holdings đang bắt đầu triển khai những dự án đã lên kế hoạch, cổ phiếu tiềm năng được đưa tới các nhà đầu tư nắm giữ. Hay nói một cách khác, PGT là một mã cổ phiếu mở, người nắm giữ cổ phiếu không chỉ có nội bộ công ty, mà nhà đầu tư nào muốn cũng có thể sở hữu PGT để sinh lời.

Thông tin doanh nghiệp

PGT Holdings (Mã chứng khoán HNX: PGT) tiền thân là Công ty TNHH Taxi Gas Sài Gòn Petrolimex được hình thành dựa trên vốn góp của các công ty thành viên thuộc Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với số vốn điều lệ ban đầu là 31.8 tỷ đồng. Trải qua 2 lần tăng vốn, hiện vốn điều lệ của PGT ghi nhận hơn 92 tỷ đồng.

Năm 2015, Petrolimex thoái vốn khỏi PGT, một số nhà đầu tư Nhật đã hợp tác và đầu tư vào PGT. Năm 2016, PGT hoàn thành quá trình chuyển giao, thành lập ban HĐQT mới và chuyển hướng kinh doanh sang lĩnh Vực M&A. Đây là lĩnh vực hoàn toàn mới tại Việt Nam trong giai đoạn này.

Cùng năm 2016, PGT đã thành lập 2 công ty con là Công ty TNHH Một Thành Viên Vĩnh Đại Phát chuyên kinh doanh lĩnh vực cung ứng nguồn lao động và Công ty TNHH Vina Terrace Hotel chuyên lĩnh vực khách sạn và đầu tư.

Năm 2017-2018, PGT đã thành công mua phần vốn góp vào 2 công ty. Một là công ty tại Myanmar Công ty BMF Microfinance (BMF) chuyên về lĩnh vực tài chính và Công ty thứ hai là Công ty Nguồn Nhân Lực. Năm 2019-2020, PGT tập trung thúc đẩy phát triển các lĩnh vực kinh doanh trong hệ thống.

PGT đang đặt mục tiêu trở thành công ty M&A số 1 tại Việt Nam và ra thế giới. Đây cũng là lý do các nhà đầu tư đang rất quan tâm đến mã cổ phiếu tiềm năng đến từ công ty M&A của CEO Nhật Bản Kakazu Shogo khiến PGT liên tiếp lọt vào top cổ phiếu nổi bật và đầy tiềm năng trong thời gian tới.

Website: https://pgt-holdings.com/

Facebook: https://www.facebook.com/PGTHOLDINGS

Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCDSrWJL6hw7Ov_H168OIkLQ/featured

PV
Ý kiến của bạn
Kinh tế số có thể đem lại 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030 Kinh tế số có thể đem lại 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030

Theo nghiên cứu về nền kinh tế số Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng, tương đương 74 tỷ USD.