Thị trường máy công trình tăng trưởng nhờ hàng loạt dự án lớn

Xuất nhập khẩu
10:50 AM 18/04/2025

Thị trường máy công trình được dự báo tiếp tục phát triển mạnh trong 3 - 5 năm tới, nhờ vào việc Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt trong các lĩnh vực giao thông, đô thị, thủy lợi, sân bay, cảng biển...

Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2024 có khoảng 2.000 máy công trình công trình (máy xúc, máy ủi, cần cẩu, xe lu, máy khoan, máy san, xe nâng…) mới các loại được nhập khẩu về Việt Nam, tổng giá trị ước tính từ 4.000 - 5.000 tỷ đồng.

Thị trường máy công trình tăng trưởng nhờ hàng loạt dự án lớn- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Đầu Tư

Trong đó, các loại máy xúc đào khoảng 800 chiếc, chiếm gần 40%, giá trị trung bình khoảng 2 tỷ đồng/chiếc. Xếp thứ hai là máy xúc lật với khoảng 600 chiếc, chiếm khoảng 30%, giá trị trung bình khoảng 1,2 tỷ đồng/chiếc.

Các loại máy lu rung nhập khẩu khoảng 250 chiếc với mức giá khoảng 1,5 tỷ đồng/chiếc, chiếm 15%. Còn lại là những thiết bị máy móc phụ trợ khác.

Komatsu hiện là thương hiệu đứng đầu tại Việt Nam về thị phần, chiếm khoảng 25 - 27%. Xếp sau là Kobelco, Hyundai, Caterpillar, Develon (trước kia là Doosan), trung bình mỗi hãng chiếm từ 10 - 13% thị phần. Ngoài ra, còn có một số thương hiệu mới nổi của Trung Quốc như XCMG, SANY, Liugong.

Hãng nghiên cứu thị trường Research and Markets cho biết, ngành máy móc xây dựng của Việt Nam được định giá 2 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến đạt 9,4 tỷ USD vào năm 2032.

Theo dự báo của các công ty nghiên cứu thị trường toàn cầu, nhờ quá trình đô thị hóa nhanh chóng và các dự án hạ tầng quy mô lớn, thị trường máy công trình tại Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong 3 - 5 năm tới, nhờ vào việc Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt trong các lĩnh vực giao thông, đô thị, thủy lợi, sân bay, cảng biển...

Đồng thời, nhiều dự án lớn như cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, các tuyến metro tại TP.HCM và Hà Nội tiếp tục được triển khai sẽ kéo theo nhu cầu lớn về máy công trình.

Từ năm 2022 đến nay, thị trường tăng trưởng mạnh, đạt mức bình quân khoảng 20 - 30%/năm. Riêng 2 tháng đầu 2025 đạt mức tăng trưởng lên tới 100%, dự kiến cả năm tăng từ 25 - 40% so với năm ngoái, với 2.500 - 3.000 máy công trình mới được nhập về. Mức tăng trưởng bình quân hàng năm ước đạt 10% trong 3 - 5 năm tới.

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, hiện các loại máy công trình nhập khẩu không có quy định về niên hạn sử dụng. Các quy trình về đăng kiểm cơ bản giống với các loại phương tiện giao thông khác và được quy định tại Thông tư số 54/2024 của Bộ GTVT (nay là Bộ Xây dựng).

Cũng theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện chỉ có duy nhất 1 doanh nghiệp thực hiện việc lắp ráp loại máy công trình tại Việt Nam.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ đạt đỉnh vào quý III/2025 Áp lực đáo hạn trái phiếu sẽ đạt đỉnh vào quý III/2025

Quý III/2025 sẽ là thời điểm áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp lên đến đỉnh, tạo sức ép lớn lên dòng tiền của các doanh nghiệp phát hành, đặc biệt trong bối cảnh môi trường tín dụng thận trọng và tiêu chuẩn phát hành ngày càng siết chặt.