Thị trường ngách xuất khẩu thủy sản tăng trưởng đột phá

Xuất nhập khẩu
03:53 PM 03/03/2023

Trong khi xuất khẩu thủy sản sang các thị trường chủ lực giảm mạnh vì đơn hàng ít thì đã có sự chuyển dịch sang các thị trường nhỏ, thị trường ngách và ghi nhận các mức tăng trưởng đột phá về doanh số.

Theo Tổng cục Thống kê, sản lượng thủy sản tháng 02/2023 ước đạt 593,4 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung hai tháng đầu năm 2023, sản lượng thủy sản ước đạt 1.185,5 nghìn tấn, tăng 1,3%; trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 665,9 nghìn tấn, tăng 2,8%.

Tổng giá trị xuất khẩu thủy sản trong tháng 2/2023 hồi phục nhẹ, đạt 662 triệu USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 2 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt trên 1,1 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2022. 

Thị trường ngách xuất khẩu thủy sản tăng trưởng đột phá - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Doanh nghiệp Hội nhập

Trong đó cá tra vẫn giảm sâu 38% đạt 240 triệu USD, tôm giảm 37% đạt 350 triệu USD, cá ngừ giảm 27% đạt 113 triệu USD. Xuất khẩu mực, bạch tuộc và các loại cá biển có xu hướng tích cực hơn với tăng trưởng 6% mỗi loại, đạt lần lượt 103 triệu USD và 273 triệu USD.

Về thị trường xuất khẩu, cơ cấu thị trường xuất khẩu thủy sản có sự biến động lớn khi tỷ trọng xuất khẩu sang Hoa Kỳ và Trung Quốc giảm mạnh, trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan tăng.

Nhật Bản là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, đạt 91,19 triệu USD, giảm 28,9% so với tháng 12/2022 và giảm 31,4% so với tháng 1/2022. Tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản tăng từ 17,6% trong tổng trị giá xuất khẩu thủy sản của cả nước trong tháng 01/2022 lên 19,9% trong tháng 01/2023.

Xuất khẩu thủy sản sang Hoa Kỳ tháng 01/2022 đạt 68,12 triệu USD, giảm 31,5% so với tháng 12/2022 và giảm 65,8% so với tháng 01/2022. Tỷ trọng xuất khẩu thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh từ mức 26,4% trong tháng 01/2022 xuống 14,9% trong tháng 01/2023. Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan là các thị trường xuất khẩu thủy sản lớn tiếp theo của Việt Nam trong tháng 01/2023.

Trong khi xuất khẩu sang các thị trường lớn giảm mạnh vì đơn hàng ít thì đã có sự chuyển dịch sang các thị trường nhỏ, thị trường ngách và ghi nhận các mức tăng trưởng đột phá về doanh số: Israel tăng 17%, Indonesia tăng 8%, Cameroon tăng 15%, Lào tăng 21%, Chile tăng 7%. Các nước thành viên EU đa số đều giảm 30 - 60% nhập khẩu thủy sản Việt Nam, nhưng vẫn có thị trường nổi bật với mức tăng 435% như Phần Lan.

Theo các chuyên gia, để đạt được các mục tiêu về xuất khẩu và nâng cao giá trị ngành thủy sản, các doanh nghiệp cần tổ chức lại sản xuất, đổi mới công nghệ, thiết bị, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo chất lượng và tăng khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, cần tiếp tục xúc tiến thương mại tại các thị trường trên thế giới, nhất là những thị trường mà Việt Nam đã tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Trước bối cảnh nhiều biến động năm 2023, VASEP khuyến cáo doanh nghiệp thủy sản cần đảm bảo sức khỏe tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục có thể đáp ứng nguồn cung.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn