Thị trường ngày 18/5: Giá dầu tăng hơn 1%, vàng lên mức cao nhất 3,5 tháng
Kết thúc phiên giao dịch đêm qua giá dầu tăng bởi hy vọng sự phục hồi kinh tế, vàng lên mức cao nhất trong 3,5 tháng, đồng và cao su cũng đi lên, trong khi thép giảm ngày thứ 3 liên tiếp.
Dầu tăng 1%
Giá dầu tăng hơn 1% bởi nền kinh tế Châu Âu mở cửa trở lại và nhu cầu của Mỹ đang tăng, sau khi giá giảm trước đó bởi số ca nhiễm virus corona tăng vọt ở Châu Á và số liệu sản xuất của Trung Quốc không ấn tượng.
Chốt phiên 17/5 dầu Brent tăng 75 US cent hay 1,1% lên 69,46 USD/thùng và dầu WTI tăng 90 US cent hay 1,4% lên 66,27 USD/thùng.
Nền kinh tế Anh mở cửa trở lại sau khi phong tỏa vì Covid-19 trong 4 tháng. Với việc tăng tốc tiêm chủng, Pháp và Tây Ban Nha đã nới lỏng những hạn chế liên quan tới Covid và vào ngày 15/5 Bồ Đào Nha và Hà Lan đã nới lỏng những hạn chế đi lại.
Những hứa hẹn về tăng trưởng kinh tế đã hỗ trợ giá dầu trong những tuần gần đây, mặc dù tốc độ lạm phát khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại rằng lãi suất có thể tăng điều đó ảnh hưởng tới chi tiêu của người tiêu dùng.
Hãng United Airlines thông báo họ sẽ bổ sung 400 chuyến bay hàng ngày tới Châu Âu trong tháng 7. Các hãng hàng không cho biết lượng đặt chỗ cho các chuyến du lịch mùa hè tăng 214% so với mức 2020.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn lo lắng về biến thể virus corona lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ. Doanh số bán xăng và dầu diesel của các nhà máy lọc dầu nhà nước Ấn Độ giảm 1/5 trong nửa đầu tháng 5 so với cùng kỳ tháng trước. Singapore chuẩn bị đóng cửa trường học trong tuần này và Nhật Bản đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở 3 tỉnh nữa.
Tăng trưởng sản xuất của các nhà máy Trung Quốc chậm lại trong tháng 4 và doanh số bán lẻ thất vọng khi các quan chức cảnh báo về những vấn đề mới ảnh hưởng tới sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Sản lượng dầu thô của Trung Quốc tăng 7,5% trong tháng 4 so với cùng tháng năm trước, nhưng vẫn thấp hơn mức đỉnh được thấy trong quý 4/2020.
Những dấu hiệu nguồn cung đang tăng cũng hạn chế đà tăng giá dầu.
Sản lượng dầu thô của Mỹ từ 7 khu vực đá phiến lớn dự kiến tăng 26.000 thùng/ngày trong tháng 6, đạt 7,73 triệu thùng/ngày, tăng lần đầu tiên trong 3 tháng, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ.
Trong khi đó giá xăng bán lẻ của Mỹ đạt mức cao mới trong bảy năm, vì họ sẽ mất một thời gian để chuỗi cung ứng của đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất quốc gia hoạt động bình thường sau khi dừng hoạt động 6 ngày.
Vàng tăng lên mức đỉnh 3,5 tháng
Giá vàng tăng lên mức cao nhất trong hơn 3 tháng do các nhà đầu tư thận trọng khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ vẫn giảm thậm chí giá cổ phiếu giảm do lo lắng về lạm phát.
Vàng giao ngay tăng 1,3% lên 1.866,84 USD/ounce sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 1/2 tại 1.868,26 USD. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 đóng cửa tăng 1,6% lên 1.867,6 USD/ounce.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã giảm xuống làm giảm chi phí việc nắm giữ vàng.
Hiện nay các nhà đầu tư đợi biên bản cuộc họp trong tuần trước của Cục dự trữ Liên bang Mỹ để có thêm các manh mối về chính sách tiền tệ và các bình luận về lạm phát. Vàng được xem như một phòng hộ chống lại lạm phát tăng.
Đồng đảo chiều tăng
Giá đồng tăng trở lại mức cao kỷ lục của tuần trước do mối đe dọa đình công tại các mỏ ở Chile và niềm tin của các nhà đầu tư rằng giá sẽ tăng tiếp, không bị ảnh hưởng bởi số liệu sản xuất yếu kém từ Trung Quốc, nước tiêu thụ kim loại hàng đầu.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 1,2% lên 10.359 USD/tấn, đóng cửa phiên đầu tuần trước ở mức cao kỷ lục 10.747,50 USD/tấn.
Giá đồng tăng hơn 30% trong năm nay và nhiều nhà phân tích dự kiến sẽ tăng tiếp khi thế giới chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang điện khí hóa sử dụng đồng nhiều hơn và nhu cầu vượt cung.
Tuy nhiên, sự thiếu hụt trong dài hạn không thể xảy ra khi nhu cầu tăng cao từ công nghệ xanh sẽ được bù một phần bởi sự sụt giảm nhân chủng học của Trung Quốc và quá trình chuyển đổi từ tăng trưởng dựa vào đầu tư sang dựa vào tiêu dùng.
Các nhà máy của Trung Quốc tăng trưởng sản xuất chậm lại trong tháng 4 và doanh số bán lẻ thấp hơn nhiều so với kỳ vọng.
Thép Trung Quốc giảm ngày thứ ba
Thép xây dựng và thép cuộn cán nóng của Trung Quốc giảm phiên thứ 3 liên tiếp sau khi giá thép tăng vọt lên mức cao lịch sử trong tuần trước và khiến các cơ quan quản lý tăng cường kiểm tra.
Số liệu ngày 17/5 cho thấy sản lượng thép thô của Trung Quốc trong tháng 4 ở mức kỷ lục bất chấp những nỗ lực khuyến khích giảm sản xuất của chính phủ.
Giá thép đang tăng buộc một số công ty xây dựng phải mua kim loại này chậm lại trong khi một số nhà xuất khẩu phải chuyển chi phí tăng cao cho khách hàng.
Cơ quan điều hành tại Thượng Hải và trung tâm thép Đường Sơn cũng cảnh báo các nhà máy thép địa phương chống lại việc thao túng giá, thông đồng hay những bất thường khác có thể phá vỡ trật tự thị trường.
Thép thanh giao tháng 10 trên sàn giao dịch Thượng Hải đóng cửa giảm 2,9% xuống 5.596 CNY (869,32 USD)/tấn.
Thép cuộn cán nóng sử dụng trong lĩnh vực sản xuất giảm 5,1% xuống 5.949 CNY/tấn. Mức đóng cửa cao kỷ lục tại 6.683 CNY/tấn vào ngày 12/5.
Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings cho biết việc giá thép ở Trung Quốc tăng sẽ chậm lại trong những tuần tới khi mùa hè đến gần vì mùa này có xu hướng nhu cầu chậm lại. Họ cũng bổ sung rằng giá quặng sắt cao và những hạn chế môi trường mới có thể khiến giá thép giữ ở mức cao.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng 0,9% lên 1.198 CNY/tấn.
Cao su Nhật Bản tăng
Giá cao su Nhật Bản tăng trong phiên đầu tuần khi các nhà đầu tư săn giá hời sau khi giá giảm trong tuần trước, nhưng hợp đồng này đã giảm đà tăng ban đầu sau khi doanh số bán lẻ thất vọng từ Trung Quốc.
Hợp đồng cao su giao tháng 10 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 4,2 JPY hay 1,7% lên 246,2 JPY (2,3 USD)/kg sau khi tăng lên mức cao 248,5 JPY.
Giá bán buôn trong tháng 4 tại Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, tăng ở tốc độ nhanh nhất trong 6,5 năm, do chi phí năng lượng và hàng hóa tăng mặc dù lạm phát giá tiêu dùng vẫn giảm.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 tại Thượng Hải giảm 30 CNY đóng cửa tại 13.360 CNY (2.075 USD)/tấn.
Đường trái chiều
Đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 0,03 US cent lên 16,99 US cent/lb, thị trường này có một số hỗ trợ sau khi giảm mạnh cuối tuần trước.
Các đại lý cho biết tiêu thụ yếu tại Ấn Độ vì đại dịch Covid-19 và triển vọng xuất khẩu tăng từ quốc gia Nam Á này vào cuối năm nay đã hạn chế đà tăng giá.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 0,6 USD xuống 453 USD/tấn.
Cà phê arabica tăng
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 0,75 US cent lên 1,4575 USD/lb.
Các đại lý cho biết nguồn cung đang khan hiếm, sản lượng cà phê arabica của Brazil có thể giảm trong năm nay và tình trạng thiếu hụt container tại quốc gia Nam Mỹ này đã khiến xuất khẩu chậm lại.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 giảm 1 USD xuống 1.459 USD/tấn.
Ngô, đậu tương đóng cửa trái chiều, lúa mì giảm
Giá ngô và đậu tương kỳ hạn của Mỹ đóng cửa trái chiều, các hợp đồng kỳ hạn gần mạnh do được hỗ trợ từ nguồn cung khan hiếm và giá cao trên thị trường giao ngay, trong khi dự báo thời tiết ấm thúc đẩy sự phát triển cây trồng tại Midwest gây áp lực cho vụ mới.
Ngô kỳ hạn tháng 7 trên sàn giao dịch Chicago đóng cửa tăng 8-3/4 US cent lên 6,52-1/2 USD/bushel. Hợp đồng ngô vụ mới kỳ hạn tháng 12 giảm 5-1/2 US cent xuống 5,37-1/4 USD/bushel.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 7 tăng 1-1/4 US cent lên 15,87-1/2 USD/bushel, trong khi vụ mới kỳ hạn tháng 11 giảm 3-3/4 US cent xuống 13,97 USD/bushel.
Lúa mì mềm đỏ vụ đông giao tháng 7 giảm 7-1/2 US cent xuống 6,99-3/4 USD/bushel.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 18/05
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.