Thị trường ngày 2/3: Giá dầu, vàng, sắt thép, cao su… đồng loạt lao dốc
Giá hầu hết các hàng hóa nguyên liệu từ dầu tới vàng, thiếc, ngô, đường thô, cao su… đều giảm trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 3. Một số mặt hàng như ngũ cốc, đường, thiếc… giảm do hoạt động bán chốt lời. Trong khi đó, một số mặt hàng khác như dầu, cao su giảm là do số liệu hoạt động sản xuất công nghiệp của Trung Quốc trong tháng Hai tăng trưởng với tốc độ chậm nhất 9 tháng, gây lo ngại nhu cầu từ thị trường này sẽ chậm lại.
Dầu giảm hơn 1% do nghi ngờ về nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc
Giá dầu giảm hơn 1% trong phiên giao dịch đầu tiên của tháng 3 do lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu thô của Trung Quốc chậm lại trong khi OPEC có thể gia tăng nguồn cung sau kỳ họp lần này.
Kết thúc phiên giao dịch, dầu Brent giảm 73 USD/thùng (tương đương 1,1%) xuống 63,69 USD/thùng, trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 86 US cent (1,4%) xuống 60,64 USD/thùng.
Tăng trưởng sản xuất ở các nhà máy của Trung Quốc tháng 2/2021 giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 9 tháng, gây lo ngại nhu cầu dầu thô từ thị trường này sẽ giảm xuống trong thời gian tới.
Vàng giảm do USD mạnh lên
Giá vàng giảm trong phiên giao dịch vừa qua do USD mạnh lên và nhà đầu tư chia sẻ tiền sang các tài sản rủi ro.
Cuối phiên giao dịch vừa qua, giá vàng giao ngay giảm 0,6% xuống 1.723,30 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 4/2021 giảm 0,3% xuống 1.723 USD/ounce.
"Kỳ vọng kinh tế thế giới hồi phục, đồng USD đảo chiều tăng lên, thị trường chứng khoán hoạt động tốt….Trong môi trường như vậy, nhu cầu vàng giảm bớt", David Meger, giám đốc mảng giao dịch kim loại của High Ridge Futures cho biết.
Chỉ số dollar index đã tăng lên mức cao nhất trong 3 tuần do lạc quan về gói kích thích kinh tế 1,9 tỷ USD và hiệu quả của việc tiêm chủng vắc-xin – kéo theo nhu cầu gia tăng đối với những tài sản có độ rủi ro cao.
Thiếc giảm khỏi mức cao nhất 9 năm, đồng cũng giảm
Giá thiếc hiện đã thấp hơn 10% so với mức cao nhất 9 năm đạt được vào tuần trước. Giá kim loại này giảm là do hoạt động bán mang tính kỹ thuật khi các nhà đầu tư chốt lời, mặc dù nguồn cung thiếc vẫn trong tình trạng thiếu hụt.
Thiếc kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London phiên vừa qua giảm 8,3% xuống 23.530 USD/tấn, là mức giảm trong một ngày nhiều nhất kể từ tháng 9/2011.
Trong khi đó, giá đồng giảm 0,5% xuống 9.036 USD/tấn, sau khi có mức tăng trong tháng 2/2021 nhiều nhất kể từ năm 2016.
Than thấp nhất 3 tháng
Giá than luyện cốc Trung Quốc giảm hơn 6% trong phiên vừa qua, xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng do sản lượng và nhập khẩu đều ổn định làm giảm bớt lo ngại về tình trạng nguồn cung, trong khi triển vọng nhu cầu vẫn khả quan nhờ ngành sản xuất thép.
Giá than luyện cốc kỳ hạn tháng 5 trên sàn Đại Liên trong phiên 1/3 có thời điểm giảm 6,5% xuống 1.387 CNY (214,60 USD)/tấn, lúc kết thúc phiên giao dịch vẫn giảm 5,5% so với đóng cửa phiên trước, xuống 1.402 CNY, thấp nhất kể từ ngày 23/11/2020. Than cốc phiên này cũng giảm 3,2% xuống 2.478 CNY/tấn.
Mặc dù giá giảm xong các nhà phân tích vẫn lạc quan về triển vọng nhu cầu đối với nguyên liệu sản xuất thép này, do công suất hoạt động của các lò cao trong các nhà máy thép đang ở mức cao, trong khi các lĩnh vực hạ nguồn bước vào mùa cao điểm.
Sắt, thép giảm
Giá sắt thép giảm sau số liệu về sản xuất của Trung Quốc cho thấy tăng trưởng sản xuất trong tháng 2 thấp nhất 9 tháng.
Giá quặng sắt Trung Quốc trên sàn Đại Liên giảm 0,8% xuống 1.133 CNY/tấn; quặng sắt 62% nhập khẩu tới cảng biển Trung Quốc trong phiên liền trước tăng 1 USD lên 175,5 USD/tấn.
Giá thép thanh vằn trên sàn Thượng Hải giảm 0,7% xuống 4.639 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng giảm 0,9% xuống 4.841 CNY/tấn; thép không gỉ giảm 0,4% xuống 15.105 CNY/tấn.
Cao su giảm
Giá cao su trên các sàn Osaka và Thượng Hải đều giảm trong phiên và qua do số liệu sản xuất của Trung Quốc không như mong đợi.
Kết thúc phiên giao dịch 1/3, cao su kỳ hạn tháng 8 trên sàn Osaka giảm 9,4 JPY (3,4%) xuống 266,5 JPY/kg; hợp đồng kỳ hạn tháng 5 trên sàn Thượng Hải giảm 3,4% xuống 15.895 CNY/tấn.
Ngô, lúa mì, đậu tương
Giá ngũ cốc đồng loạt giảm trong phiên vừa qua sau đợt tăng mạnh trước đó do lo ngại nguồn cung bị thắt chặt. Tuy nhiên, đà giảm được hạn chế bởi nhu cầu mạnh từ khách hàng Trung Quốc.
Cụ thể, trên sàn Chicago, giá ngô Mỹ giảm 9-1/4 US cent xuống 5,38-1/4 USD/bushel (tháng trước giá có lúc đạt mức cao nhất kể từ tháng 6/2013); đậu tương giảm 13 US cent xuống 13,91-1/4 USD/bushel (tuần trước giá có lúc cao nhất kể từ tháng 6/2014); lúa mì giảm 10 US cent xuống 6,50-1/4 USD/bushel.
Nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi từ Trung Quốc vẫn mạnh, và vẫn có khả năng khách hàng Trung Quốc sẽ tiếp tục mua ngô để tích trữ.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết, lượng đậu tương Mỹ được ép dầu trong tháng 1 vừa qua sẽ cao hơn mức dự kiến là 195,6 triệu bushel.
Cà phê giảm
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 5/2021 giảm 1,7 US cent (1,2%) xuống 1,358 USD/lb, sau khi đã giảm ở phiên liền trước. Lý do bởi các nhà đầu tư bán chốt lời sau khi giá tăng mạnh hồi đầu tuần trước, trông bối cảnh kinh tế thế giới đang dần cải thiện, USD mạnh lên và đường cong lợi suất Mỹ hướng lên có thể tác động tiêu cực tới nông sản trong thời giant ới.
Tuy nhiên, triển vọng dài hạn của mặt hàng cà phê vẫn tích cực bởi sản lượng của Brazil năm nay dự báo giảm.
Cà phê robusta phiên vừa qua cũng giảm 8 USD (0,5%) xuống 1.465 USD/tấn.
Đường giảm
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 giảm 0,24 US cent (1,6%) xuống 16,21 US cent/lb, trái lại đường trắng kỳ hạn tháng 5 tăng 3 USD lên 458,10 USD/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 2/3
Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.