Thị trường ngày 21/5: Giá dầu lao dốc hơn 2%, quặng sắt tiếp tục giảm, cà phê arabica cao nhất trong 4 năm
Kết thúc phiên giao dịch 20/5, giá dầu giảm ngày thứ 3 liên tiếp do có thể đạt được thỏa thuận dỡ bỏ trừng phạt của Mỹ với Iran, đồng tăng do khả năng đình công tại Chile làm gián đoạn nguồn cung, quặng sắt tiếp tục giảm do nỗ lực kiềm chế tăng giá hàng hóa bất hợp lý của chính phủ Trung Quốc, trong khi đó cà phê arabica lên mức cao nhất 4 năm, giá gạo Ấn Độ tăng lần đầu tiên trong 7 tuần.
Dầu giảm hơn 2%
Giá dầu giảm hơn 2%, đánh dấu ngày giảm thứ 3 liên tiếp sau khi các nhà ngoại giao cho biết đã đạt được tiến bộ hướng tới một thỏa thuận dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran, điều này có thể thúc đẩy nguồn cung dầu mỏ.
Chốt phiên 20/5, dầu thô Brent giảm 1,55 USD hay 2,3% xuống 65,11 USD/thùng. Dầu WTI giảm 1,31 USD hay 2,1% xuống 62,05 USD/thùng. Cả hai hợp đồng đã giảm khoảng 3% trong phiên trước.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết trong một bài phát biểu trên truyền hình rằng các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ, vận tải đường biển, hóa dầu, bảo hiểm và ngân hàng trung ương đã được xử lý trong các cuộc đàm phán
Nhưng các nhà ngoại giao Châu Âu cho biết thành công không được đảm bảo và các vấn đề rất khó vẫn còn đó, trong khi một quan chức cấp cao của Iran mâu thuẫn với tổng thống.
Các nhà máy lọc dầu Ấn Độ và ít nhất một nhà máy lọc dầu Châu Âu đang đánh giá lại việc mua dầu thô của họ để nhường chỗ cho dầu thô Iran trong nửa cuối năm nay, với dự đoán rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ được dỡ bỏ.
Suy đoán Cục dự trữ liên bang Mỹ tại một thời điểm nào đó có thể bắt đầu thắt chặt chính sách ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng kinh tế và khiến một số nhà đầu tư rời xa dầu và các hàng hóa khác.
Tổ chức OPEC cho biết một cảnh báo nghiêm khắc từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về việc ngừng cấp vốn cho nhiên liệu hóa thạch mới có thể dẫn đến biến động giá dầu nếu hành động này diễn ra. IEA nói các nhà đầu tư không nên cấp vốn cho các dự án cung cấp than, dầu và khí đốt mới nếu thế giới muốn đạt được mức phát thải ròng bằng không vào giữa thế kỷ này.
Vàng tăng
Vàng gần mức cao nhất trong hơn 4 tháng thúc đẩy bởi USD và lợi suất trái phiếu của Mỹ giảm khi các nhà đầu tư không để ý tới hàm ý giảm các biện pháp hỗ trợ kinh tế của Cục dự trữ Liên bang Mỹ.
Vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.880,22 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 đóng cửa không đổi tại 1.881,9 USD/ounce.
Biên bản của Fed cho thấy một số quan chức nghĩ rằng nếu đà phục hồi tiếp tục thì có thể bắt đầu thảo luận kế hoạch điều chỉnh tốc độ mua tài sản.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, cùng với sự suy yếu của USD khiến vàng rẻ hơn cho người giữ các đồng tiền khác.
Giá vàng tăng bất chấp số lượng người Mỹ xin trợ cấp thất nghiệp mới giảm.
Đồng tăng do USD suy yếu
Giá đồng tăng do USD suy yếu và lo lắng về đình công tại Chile, nhưng các kế hoạch của Trung Quốc - nước tiêu dùng hàng đầu thế giới để quản lý nguồn cung, nhu cầu và giá các mặt hàng đã hạn chế đà tăng.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London tăng 0,5% lên 10.056 USD/tấn. Tuy nhiên giá kim loại này đã giảm 6% kể từ khi đạt mức cao kỷ lục 10.747,5 USD/tấn hồi đầu tháng 5.
Công đoàn đại diện công nhân tại mỏ đồng Escondida của Chile cho biết họ đang chuẩn bị đình công kéo dài nếu chủ sở hữu BHP không đạt được một thỏa thuận công bằng và bình đẳng trong các cuộc đàm phán sắp diễn ra.
Đồng USD giảm khiến các kim loại định giá bằng USD rẻ hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác.
Cũng đang hỗ trợ đồng là chính sách bất ổn tại các nhà sản xuất hàng đầu Chile và Peru.
Peru, nhà sản xuất đồng lớn thứ 2 đang hướng tới cuộc bầu cử tổng thống trong tháng 6 với một nhà xã hội chủ nghĩa ít được biết đến, người muốn phân phối lại của cải trong ngành khai thác mỏ đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò.
Quặng sắt giảm do nỗ lực kiềm chế của Trung Quốc
Giá quặng sắt và thép của Trung Quốc bị bán tháo sau khi chính phủ yêu cầu giám sát chặt chẽ hơn với các thị trường hàng hóa để kiềm chế giá lên quá cao, gây ra đợt điều chỉnh trên diện rộng.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 5,7% xuống 1.142,5 CNY (177,4 USD)/tấn, trong phiên có lúc giá xuống mức thấp nhất trong 3 tuần tại 1.102 CNY/tấn.
Hợp đồng quặng sắt này đã giảm 16% kể từ mức kỷ lục 1.358 CNY/tấn đã đạt được trong ngày 12/5.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 6 tại Singapore giảm 3% xuống 200 USD/tấn. Giá đã chạm mức kỷ lục 233,75 USD/tấn trong ngày 12/5.
Trung Quốc, nhà sản xuất các sản phẩm thép lớn nhất thế giới đã tăng mạnh tiêu thụ quặng sắt và các thành phần sản xuất thép khác trong khi tăng sản lượng để sản xuất các thiết bị gia dụng và vật liệu xây dựng.
Trong ngày 19/5, chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường quản lý nguồn cung và nhu cầu hàng hóa để kiềm chế việc tăng giá bất hợp lý và bảo vệ người tiêu dùng.
Giá thép tiếp tục chuỗi giảm giá xuống mức thấp nhất trong 5 tuần, giảm từ mức cao kỷ lục đạt được trong tuần trước. Thép thanh tại Thượng Hải giảm 4,7% trong khi thép cuộn cán nóng giảm 4,5%. Thép không gỉ giảm 2,8%.
Cao su Nhật Bản tăng
Giá cao su Nhật Bản phục hồi do các nhà đầu tư săn giá hời và do lo lắng về việc gián đoạn nguồn cung tại Đông Nam Á khi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 2 JPY hay 0,8% lên 247,4 JPY (2,3 USD)/kg sau khi giảm xuống mức thấp 241,2 JPY/kg trong đầu phiên này.
Cao su tại Thượng Hải giao tháng 9 tăng 85 CNY lên 13.405 CNY (2.082 USD)/tấn.
Một thương nhân tại Tokyo cho biết thị trường này giảm trong đầu phiên giao dịch do lo sợ việc Trung Quốc hạn chế giá các hàng hóa công nghiệp, nhưng việc săn giá hời dẫn tới sự phục hồi khi giá tại Osaka khá rẻ so với giá giao ngay tại Thái Lan.
Gạo Ấn Độ tăng, gạo Thái Lan giảm
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng lần đầu tiên trong 7 tuần do đồng rupee mạnh lên, trong khi nhu cầu yếu khiến giá gạo Thái Lan xuống mức thấp nhất trong hơn 6 tháng.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức giá 379 – 385 USD/tấn trong tuần này tăng từ 370 – 374 USD/tấn trong tuần trước. Giá gạo của nước này đang dần được nâng lên do đồng rupee tăng giá, nhưng giá vẫn rẻ hơn so với các nơi khác.
Gần đây, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ bị áp lực bởi việc giải phóng kho dự trữ của chính phủ để hỗ trợ người nghèo tại quốc gia đang vật lộn với Covid này.
Tại Bangladesh sản lượng gạo dự kiến tăng 3,5% lên 35,8 triệu tấn trong năm nay tính tới tháng 4 so với cùng kỳ năm trước đó, do diện tích và sản lượng tăng, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Việc đầu cơ trên thị trường và người tiêu dùng đang tích trữ gạo do đại dịch và các đợt phong tỏa đã khiến nhu cầu trong nước mạnh, thúc đẩy giá tăng.
Bangladesh, truyền thống là nhà sản xuất gạo lớn thứ 3 thế giới đã trở thành nhà nhập khẩu lớn sau khi lũ lụt liên tiếp vào năm ngoái đã phá hủy mùa màng và khiến giá trong nước lên cao kỷ lục.
Tại Thái Lan giá gạo 5% tấm nới rộng lên 454 – 475 USD/tấn, thấp nhất kể từ tuần đầu của tháng 11/2020, so với mức 465 – 473 USD/tấn trong tuần trước. Thái Lan đã xuất khẩu 1,13 triệu tấn gạo trong 3 tháng đầu năm 2021, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, trị giá khoảng 695 triệu USD.
Tại Việt Nam giá gạo 5% tấm không đổi tuần thứ hai liên tiếp tại 490 – 495 USD/tấn.
Cà phê arbica cao nhất 4 năm
Trong phiên, cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 đạt cao nhất 4 năm tại 1,5365 USD/lb khi đóng cửa tại 1.5295 USD/lb.
Liên đoàn cà phê Colombia yêu cầu chính phủ có giải pháp khẩn cấp về vấn đề giao thông. Các cuộc biểu tình chống chính phủ làm gián đoạn xuất khẩu cà phê tại quốc gia này, nước xuất khẩu cà phê arabica lớn thứ hai thế giới.
Công ty tư vấn Safras & Mercado đã điều chỉnh giảm dự báo sản lượng của Brazil, với sản lượng arabica giảm 31%.
Xuất khẩu cà phê từ Guatemala, nhà xuất khẩu arabica lớn thứ 6 thế giới dường như giảm 3% trong niên vụ này do thiếu công nhân và mưa thất thường.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 12 USD hay 0,8% xuống 1.490 USD/tấn.
Mức cộng của cà phê xuất khẩu Việt Nam giảm trong bối cảnh hoạt động giao dịch dịu bớt, trong khi nguồn cung tại Indonesia tăng lên với những hạt cà phê vụ mới được đưa vào thị trường.
Tại Việt Nam các thương nhân chào bán cà phê robusta loại 2 với 5% hạt đen và vỡ ở mức cộng 20 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7 ở London, giảm từ mức cộng 55 USD một tuần trước.
Nông dân tại Tây Nguyên đã bán cà phê ở mức 32.800 – 34.000 đồng/kg so với 32.600 -33.900 đồng trong tuần trước. Một lái thương cho biết kho dự trữ thấp, chỉ khoảng 5 – 7% sản lượng của niên vụ 2020/21 vẫn chưa được bán. Doanh số thấp do nông dân không quan tâm bán ra ở mức giá hiện nay 34.000 đồng/kg bởi chỉ hòa vốn.
Trong khi đó, cà phê rubusta Sumatran của Indonesia được chào bán ở mức cộng 110 USD so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7, mức cộng là 120 USD so với hợp đồng kỳ hạn tháng 6 được bán trong 2 tuần trước. Giá giảm do cà phê vụ mới bắt đầu đưa vào thị trường nhưng nhu cầu vẫn yếu.
Đường trái chiều
Đường thô kỳ hạn tháng 7 chốt phiên tăng 0,09 US cent hay 0,5% lên 17,04 US cent/lb.
Thị trường được cung cấp tốt không khan hiếm trong ngắn hạn và khả năng bán đường từ các nhà đầu cơ nếu môi trường kinh tế vĩ mô tích cực bị đảo ngược.
Ấn Độ đã cắt giảm trợ cấp xuất khẩu 31,4% trong niên vụ này (kết thúc vào ngày 30/9).
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 0,1 USD xuống 453,4 USD/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 21/5
Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.