Thị trường ngày 22/5: Giá dầu bật tăng 2% trong khi vàng, đồng, quặng sắt, đường, cà phê đồng loạt giảm
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần giá dầu tăng 2% trong khi hầu hết các hàng hóa khác như vàng, đồng, quặng sắt, khí đốt, đường, cà phê đồng loạt sụt giảm.
Dầu tăng
Giá dầu tăng 2% sau 3 ngày giảm giá bởi một cơn bão hình thành tại Vịnh Mexico, nhưng có tuần giảm do các nhà đầu tư chuẩn bị cho sự trở lại của nguồn cung từ Iran sau khi các quan chức cho biết Iran và các cường quốc thế giới đạt được tiến bộ trong thỏa thuận hạt nhân.
Chốt phiên 21/5 dầu thô Brent tăng 1,33 USD hay 2% lên 66,44 USD/thùng, trong khi dầu WTI tăng 1,64 USD hay 2,65% lên 63,54 USD/thùng. Cà hai hợp đồng này đã giảm khoảng 3% trong tuần này, sau khi Tổng thống Iran cho biết Mỹ sẵn sàng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với lĩnh vực dầu mỏ, ngân hàng và vận tải biển của họ,
Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ (NHC) cho biết một hệ thống thời tiết hình thành ở phía tây Vịnh Mexico có 40% khả năng trở thành lốc xoáy trong 48 giờ tới.
Đà tăng giá dầu bị hạn chế bởi dự đoán Iran có thể bổ sung 1 triệu thùng dầu mỗi ngày hay hơn nữa vào cuối năm nay.
Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes các công ty năng lượng của Mỹ đã bổ sung số giàn khoan dầu và khí tự nhiên tuần thứ 4 liên tiếp khi giá dầu tăng thúc đẩy một số nhà khoan trở lại. Số giàn khoan tăng lên 455 giàn trong tuần tính tới ngày 21/5, cao nhất kể từ tháng 4/2020.
Iran và các cường quốc thế giới đã đàm phán kể từ tháng 4 về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Các nhà đầu tư vân lạc quan về sự phục hồi nhu cầu nhiên liệu trong mùa hè này do chương trình tiêm vaccine ở Mỹ và Châu Âu sẽ cho phép mọi người đi du lịch nhiều hơn, mặc dù số ca nhiễm đang tăng ở khắp Châu Á.
Ngân hàng JP Morgan dự báo giá dầu Brent kết thúc năm 2021 ở mức 74 USD/thùng.
Barclay dự kiến giá dầu Brent và WTI đạt trung bình lần lượt 66 USD/thùng và 62 USD/thùng trong năm nay. Họ giảm ước tính nhu cầu đối với các khu vực thị trường mới nổi Châu Á (không tính Trung Quốc) đánh dấu nguy cơ tiếp tục giảm nếu tình trạng ca nhiễm Covid gia tăng gần đây vẫn tiếp diễn.
Giá khí tự nhiên giao ngay ở Châu Á giảm
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Châu Á giảm trong tuần này sau khi Ấn Độ, nhà nhập khẩu lớn thứ 4 thế giới hủy các lô hàng do sự bùng phát của virus corona ảnh hưởng tới nhu cầu.
Giá LNG trung bình giao tháng 7 tới Đông Bắc Á ước tính khoảng 9,6 USD/mmBtu giảm 0,65 USD so với tuần trước.
Công ty phân phối khí đốt thành phố GSPC của Ấn Độ đã yêu cầu các nhà cung cấp hủy các lô hàng giao trong tháng 6 vì hàng tồn kho đã đầy và nhu cầu LNG cho lĩnh vực vận tải, thương mại và công nghiệp giảm trong bối cảnh tỷ lệ nhiễm Covid-19 gia tăng.
Vàng giảm
Giá vàng giảm do USD phục hồi sau khi số liệu sản xuất của Mỹ mạnh mẽ, mặc dù vàng vẫn theo xu hướng tăng tuần thứ 3 liên tiếp.
Vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.876,42 USD/ounce nhưng tính chung cả tuần giá tăng 1,9% bởi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 đóng cửa giảm 0,3% xuống 1.876,7 USD/ounce.
Số liệu cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Mỹ tăng tốc vào đầu tháng 5 trong bối cảnh nhu cầu trong nước mạnh.
USD tăng 0,3% so với các đối thủ, khiến vàng đắt hơn cho người giữ các đồng tiền khác, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm ở mức 1,62% giảm so với mức cao gần một tuần 1,69% trong ngày 19/5.
Đồng giảm
Giá đồng tiếp tục giảm do một số nhà đầu tư chốt lời và lo lắng về mối đe dọa kiềm chế giá hàng hóa tăng vọt của Trung Quốc.
Đồng trên sàn giao dịch London (LME) có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2020 sau khi tăng chóng mặt gần 40% kể từ đầu năm nay lên mức cao kỷ lục 10.747,5 USD trong tuần trước.
Giá đồng LME giao sau 3 tháng giảm 2% xuống mức thấp nhất 3 tuần tại 9.849 USD/tấn, tính chung cả tuần giảm 3,7%.
Đồng Comex giảm 2,1% xuống 4,474 USD/lb.
Trung Quốc, nước sử dụng đồng lớn nhất thế giới cho biết họ sẽ tăng cường quản lý cung và cầu hàng hóa để hạn chế giá tăng bất hợp lý và bảo vệ người tiêu dùng.
Quặng sắt Trung Quốc có tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 3
Giá quặng sắt Châu Á giảm phiên thứ 3 liên tiếp hướng tới tuần giảm giá thứ hai liên tiếp, do Trung Quốc nhà sản xuất thép hàng đầu tăng cường nỗ lực hạ nhiệt đà tăng giá nguyên liệu thô.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch Đại Liên đóng cửa giảm 3,4% xuống 1.096,5 CNY (170,48 USD)/tấn, giá đã giảm 5,4% trong tuần này, giảm mạnh nhất kể từ giữa tháng 3.
Giá quặng sắt tại Singapore giảm 4,8% xuống 191,3 USD/tấn.
Giá thép tại Trung Quốc thoái lui từ mức cao kỷ lục trong tuần trước, kéo quặng sắt và các thành phần sản xuất thép khác giảm, việc bán tháo tăng lên sau khi chính phủ Trung Quốc cho biết họ sẽ kiềm chế tăng giá để bảo vệ người tiêu dùng.
Tuy nhiên, giới phân tích cho biết trừ khi Trung Quốc thực hiện các bước để hạn chế tiêu thụ các hàng hóa công nghiệp, điều đó có thể cản trở sự phục hồi vững chắc của nước này sau đợt sụt giảm do đại dịch gây ra, ảnh hưởng của các biện pháp này tới giá cho đến nay chỉ là tạm thời.
Bất chấp áp lực bán quặng sắt, đặc biệt giá nguyên liệu cao cấp vẫn ở mức cao, với giá giao ngay vẫn gần 250 USD/tấn, tạo ra nhiều khó khăn cho các nhà sản xuất thép.
Giá dự kiến vẫn ở mức cao trong dài hạn do các quy định môi trường khắc nghiệt hơn của Trung Quốc đã thúc đẩy sự chuyển hướng sang loại vật liệu cao cấp, ít gây ô nhiễm hơn.
Thép thanh tại Thượng Hải giảm 0,7%, trong khi thép cuộn cán nóng ổn định. Thép không gỉ tăng 0,7%.
Cao su Nhật Bản tăng theo giá Thượng Hải
Giá cao su Nhật Bản tăng theo xu hướng tại Thượng Hải, do các nhà đầu tư đánh giá cao cam kết của Bắc Kinh giữ giá hàng hóa trong tầm kiểm soát, kết thúc tuần giá tăng gần 4%.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 3,9 JPY hay 1,6%, lên 251,3 CNY (2,3 USD)/kg. Tính chung cả tuần giá tăng 3,8%.
Giá cao su kỳ hạn tháng 9 tại Thượng Hải tăng 470 CNY lên 13.675 CNY (2.125 USD)/tấn.
Tồn trữ cao su tại sàn giao dịch Thượng Hải tăng 0,3% so với tuần trước.
Đường giảm giá
Đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 0,37 US cent hay 2,2% xuống 16,67 US cent/lb, trong phiên giá đã xuống mức thấp nhất một tháng tại 16,60 US cent/lb.
Các đại lý cho biết các nhà đầu cơ, những người nắm giữ vị thế bán lớn đã thanh lý các hợp đồng do USD tăng giá. Các chỉ số kinh tế vi mô nói chung là tiêu cực với hàng hóa trong phiên cuối tuần này.
Thông báo của Ấn Độ về việc cắt giảm trợ cấp xuất khẩu không ảnh hưởng nghiêm trọng tới xuất khẩu niên vụ này, do nhiều người cho rằng các thương nhân Ấn Độ đã ký hợp đồng bán hơn 5,5 triệu tấn trong mục tiêu xuất khẩu 6 triệu tấn trước khi cắt giảm trợ cấp.
Unica, tổ chức ngành mía Brazil dự kiến phát hành số liệu sản lượng vào tuần tới.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 giảm 6 USD hay 1,3% xuống 447,4 USD/tấn.
Cà phê giảm
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 0,85 US cent hay 0,6% xuống 1,501 USD/lb.
Việc phong tỏa đường phố liên quan tới các cuộc biểu tình chống chính phủ kéo dài nhiều tuần tại Colombia, nước xuất khẩu arabica lớn thứ hai thế giới vẫn đang diễn ra, cản trở xuất khẩu và gây tính trạng thiếu lương thực, xăng dầu.
Mưa được dự báo ở khu vực trồng cà phê chính của Brazil cuối tuần này và tăng cường trong nhưng ngày sau đó có thể trì hoãn việc thu hoạch nhưng cải thiện tình trạng cho vụ mùa năm tới.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 giảm 12 USD hay 0,8% xuống 1.478 USD/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 22/5
Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.