Thị trường ngày 8/5: Giá dầu và vàng tăng; đồng đạt đỉnh lịch sử; ngũ cốc đồng loạt tăng
Phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu và vàng đều tăng. Đáng chú ý, giá đồng đạt mức cao nhất từ trước tới nay; ngô, lúa mì và đậu tương cao nhất trong gần một thập kỷ; nhưng giá hàng hóa nhẹ và cao su đảo chiều giảm trở lại.
Dầu tăng giá nhẹ
Giá dầu tăng nhẹ trong phiên cuối tuần mặc dù cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ ngày càng tồi tệ. Tính chung cả tuần, giá cũng tăng và là tuần tăng thứ 2 liên tiếp do nhà đầu tư lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu.
Kết thúc phiên cuối tuần, giá dầu Brent và dầu Tây Texas Mỹ (WTI) đều tăng 19 US cent, tương đương 0,3%, lên lần lượt 68,28 USD/thùng và 64,90 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, cả dầu Brent và WTI cũng đều tăng hơn 1%, là tuần mạnh lên thứ 2 liên tiếp do Mỹ và Châu Âu tiếp tục nới lỏng những quy định về hạn chế đi lại để chống Covid-19, trong bối cảnh hoạt động của các nhà máy dần được khôi phục và chiến dịch tiêm chủng vắc-xin sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu hồi phục.
Tuy nhiên, nhu cầu dầu trên thế giới hồi phục không đồng đều khi mà số ca nhiễm Covid-19 mới ở Ấn Độ tiếp tục gia tăng làm giảm sức tiêu thụ ở nước nhập khẩu và tiêu thụ dầu mỏ lớn thứ 3 thế giới này.
Ấn Độ hôm qua 7/5 thông báo số ca nhiễm Covid-19 trong ngày tăng kỷ lục, thêm 414.188 trường hợp, trong khi số ca tử vong cũng tăng 3.915 người, theo dữ liệu của Bộ Y tế nước này.
Vàng tăng thêm hơn 1%
Giá vàng tăng hơn 1% trong phiên vừa qua do số liệu về việc làm mới của Mỹ bất ngờ gây thất vọng khi chỉ ở mức rất thấp, khiến USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ nhanh chóng quay đầu giảm.
Kết thúc phiên cuối tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,84% lên 1.830,41 USD/ounce; tính chung cả tuần tăng 3,5%, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11 năm ngoái. Giá vàng kỳ hạn tháng 6/2021 phiên này cũng tăng 0,9% lên 1.831,30 USD/ounce.
Đồng cao kỷ lục do hoạt động mua đầu cơ
Giá đồng tăng mạnh trong phiên vừa qua, lập mức cao kỷ lục do các nhà đầu cơ tích cực mua vào sau những dữ liệu kinh tế khả quan phát đi từ một số nền kinh tế lớn trên thế giới và các nền kinh tế phương Tây hồi phục sau đại dịch.
Phiên giao dịch vừa qua, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London có thời điểm vượt qua kỷ lục lịch sử 10.190 USD/tấn đạt được vào năm 2011 để đạt 10.435 USD/tấn. Kết thúc phiên, giá đồng vẫn tăng 3,3% so với phiên liền trước, đạt 1.421 USD/tấn.
Trên sàn Thượng Hải, giá đồng kỳ hạn tháng 6 cũng tăng 2,7% lên 74.950 CNY (11.630 USD)/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 5/2006 và chỉ thấp hơn 1,6% so với mức kỷ lục lịch sửa là 76.160 CNY.
Ngô đạt đỉnh nhiều năm do lo ngại về nguồn cung
Giá ngô Mỹ tiếp tục tăng do lo ngại nguồn cung trên toàn cầu sẽ tiếp tục giảm sút.
Các thương nhân tích cực mua vào vì lo ngại giá sẽ còn tăng thêm nữa do lượng tồn trữ ngô của Mỹ bị thắt chặt. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) sẽ công bố báo cáo hàng tháng vào thứ 4 tới.
Phiên cuối tuần, giá ngô Mỹ giao dịch trên sàn Chicago có thời điểm đạt 7,35-1/4 USD/bushel, cao nhất kể từ tháng 3/2013, trước khi kết thúc ở mức 7,32-1/4 USD/bushel, tăng nhẹ 13-1/2 US cent so với phiên liền trước.
Tính chung cả tuần giá tăng 8,8%.
Giá ngô đã tăng mạnh từ năm ngoái khi Trung Quốc tăng cường nhập khẩu nông sản Mỹ. Tháng 1 năm nay, Trung Quốc tiếp tục mua lượng lớn ngô của Mỹ, với 1,36 triệu tấn, hàng sẽ giao trong năm 2021/22 (bắt đầu từ tháng 9).
Trong khi đó, nguồn cung của Brazil nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng do thời tiết khô hạn khiến người mua buộc phải lựa chọn ngô Mỹ dù giá cao ngất ngưởng.
Đậu tương cao kỷ lục
Giá đậu tương tuần này cũng tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2012 do lo ngại nguồn cung trên toàn cầu tiếp tục giảm.
Phiên cuối tuần, giá đậu tương có lúc đạt 15,99-1/2 USD/bushel, mức chưa từng có kể từ tháng 10/2021, trước khi kết thúc ở mức 15,89-3/4 USD/bushel, vẫn cao hơn 20-1/4 US cent so với phiên trước đó.
Tính chung cả tuần, giá đậu tương tăng 3,6%, tương đương mức tăng của giá ngô.
Những dự báo sơ bộ cho rằng USDA sẽ công bố tồn trữ đậu tương của Mỹ cuối niên vụ 2021/22 ở mức chỉ 138 triệu bushel, và sản lượng niên vụ 2020/21 sẽ giảm xuống 117 triệu bushel, từ mức 120 triệu bushel dự báo tháng trước.
Lúa mì cao nhất 8 năm
Cùng chung xu hướng tăng giá các loại hạt, giá lúa mì phiên vừa qua cũng tăng 8-1/2 US cent lên 7,61-3/4 USD/bushel trên sàn Chicago, gần sát mức cao nhất trong vòng 8 năm đạt được vào tuần trước.
Cà phê lùi khỏi mức cao nhất 4 năm
Giá cà phê arabica phiên 7/5 giảm khỏi mức cao kỷ lục trong vòng 4 năm ở phiên trước đó do nhà đầu tư giảm mua khi giá tăng quá cao.
Kết thúc phiên này, arabica kỳ hạn tháng 7 giảm 1,4%, tương đương 0,9%, xuống 1,5290 USD/lb. Hợp đồng này đã đạt 1,5540 USD vào thứ Năm 7/5, cao nhất kể từ tháng 1/2017.
Giá arabica tăng gần đây bởi thời tiết khô hạn ở Brazil – nước sản xuất arabica hàng đầu thế giới, khiến sản lượng dự báo giảm xuống.
Đồng real Brazil tăng cũng góp phần đẩy giá arabica tăng lên. Real đã tăng lên mức cao nhất hơn 3 tháng trong ngày 7/5.
Ngân hàng đầu tư Itau BBA cho biết triển vọng giá cà phê sẽ còn tiếp tục tăng vì Brazil bắt đầu bước vào mùa Đông, mùa có thể xảy ra hiện tượng thời tiết sương giá. Ngân hàng này cũng nhận định Brazil có thể sẽ đón những cơn mưa trong những ngày tới, sau khi khô hạn kéo dài trong thời gian qua.
Kết thúc phiên 7/5, giá robusta cũng giảm 8 USD (0,5%) xuống 1.539 USD/tấn.
Đường giảm giá
Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 trong phiên vừa qua giảm 0,06 US cent, tương đương 0,3%, xuống 17,49 cent/lb, sau khi chạm mức cao nhất một tuần rưỡi, là 17,89 US cent trong phiên liền trước.
Các đại lý cho biết, mặt hàng đường có thể được bán ra nhiều trong thời gian tới do mức chênh lệch giá (trừ lùi) giữa hợp đồng kỳ hạn tháng 7 với kỳ hạn tháng 5 ngày càng tăng lên, là dấu hiệu cho thấy nguồn cung ở những khoảng thời gian đó tăng.
Giá đường trắng kỳ hạn tháng 8 phiên vừa qua cũng tăng 1,80 USD, tương đương 0,4% lên 464,70 USD/tấn.
Cao su giảm
Giá cao su trên thị trường Nhật Bản trong phiên cuối tuần tăng vào lúc đầu phiên, nhưng giảm vào cuối phiên sau 3 phiên tăng trước đó.
Cụ thể, cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn Osaka giảm 2,4 JPY vào lúc đóng cửa, tương đương 0,9%, xuống 255,5 JPY (2,3 USD)/kg, sau khi có lúc đạt mức cao nhất kể từ 24/3 là 260 JPY/kg.
Tính chung cả tuần giá tăng 4,3%.
Jiong Gu, một nhà phân tích tại Yutaka Shoji Co cho biết: "Hôm thứ Năm (6/5), các nhà đầu tư ngắn hạn đã mua cao su vào do giá tăng ít hơn so với các hàng hóa khác. Tuy nhiên, hôm sau họ nhanh chóng bán ra để thu lời".
Trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 9 phiên cuối tuần tăng 150 CNY lên 14.444 CNY (2.238 USD)/tấn vào cuối phiên, trước đó, lúc đầu phiên có lúc giá đạt mức cao nhất 7 tuần là 14.625 CNY.
Lượng cao su lưu kho trên sàn Thượng Hải tuần này chỉ giảm 10 tấn so với tuần trước.
Trên sàn Singapore, giá cao su kỳ hạn tháng 6 cũng tăng 0,5% trong phiên cuối tuần, lên 172,3 JPY/kg.
Quặng sắt vượt 200 USD/tấn
Giá quặng sắt vẫn đang tiếp nối đà tăng. Phiên cuối tuần, quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn Đại Liên (Trung Quốc) đóng cửa phiên giao dịch 7/5 tăng 6,4% lên 1.226,5 CNY (189,78 USD)/tấn, trong phiên có lúc giá đạt tới 1.231 CNY/tấn. Trên sàn Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 6 tăng 3,9% lên 203 USD/tấn.
Tính chung cả tuần, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên tăng khoảng 9% mặc dù nghỉ lễ 3 phiên đầu tuần, là tuần tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 12/2021.
Đặc biệt, quặng sắt giao ngay nhập khẩu vào cảng biển Trung Quốc vượt ngưỡng 200 USD/tấn do nhu cầu mạnh mẽ đối với nguyên liệu sản xuất thép từ Trung Quốc và lo ngại nguồn cung không đáp ứng đủ cầu.
Theo Mysteel, giá quặng sắt Australia hàm lượng 62% CFR cảng Tần Hoàng Đảo phiên 6/5 là 201,15 USD/tấn, tăng 10,95 USD/tấn so với phiên giao dịch liền trước đó (30/5) và là mức cao nhất kể từ khi Mysteel báo giá nguyên liệu này, tháng 1/2010.
Nhu cầu quặng sắt của Trung Quốc đã tăng rất mạnh, nhất là các loại quặng chất lượng cao và ít gây ô nhiễm môi trường.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 8/5
Không khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.