Thị trường ô tô... tăng tốc
Từ cuối tháng 6/2020, sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua các chính sách giảm thuế, phí đã khiến thị trường ô tô trong nước bắt đầu tăng trưởng. Dự kiến nửa cuối năm 2020, bức tranh thị trường này sẽ khởi sắc hơn khi dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát và chính sách kích cầu tiêu dùng của Chính phủ đi vào cuộc sống.
Người tiêu dùng chọn mua xe VinFast tại showroom. Ảnh: Lê Nam
Sức tiêu thụ tăng mạnh
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa công bố doanh số bán hàng trong tháng 6/2020 của các đơn vị thành viên. Theo đó, các DN sản xuất, lắp ráp xe VAMA đã tiêu thụ được tổng số 24.002 xe, tăng 26% so với tháng trước. Trong đó, có 17.584 xe du lịch, tăng 35%; 6.109 xe thương mại, tăng 5% và 309 xe chuyên dụng, tăng 18% so với tháng 5. Xét về xuất xứ, doanh số tiêu thụ xe lắp ráp trong nước đạt 15.874 xe, tăng 43%, doanh số của xe nhập khẩu nguyên chiếc đạt 8.155 xe, tăng 21% so với tháng 5. Đại diện VAMA cho biết, trong tháng 6, cả 3 dòng xe du lịch, thương mại và xe chuyên dụng đều có mức tăng trưởng. Điều đó cho thấy dấu hiệu tích cực của thị trường ô tô đang trên đà hồi phục sau những tháng diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Tuy nhiên, theo giới chuyên kinh doanh xe ô tô, doanh số bán hàng của VAMA chưa phản ánh hết toàn cảnh sự hồi phục của thị trường ô tô Việt Nam, bởi chưa thống kê sự góp mặt của các thương hiệu nhập khẩu như: Audi, Jaguar Land Rover, Mercedes-Benz, Subaru, Volkswagen, Volvo, TC Motor… Chỉ tính riêng TC Motor (đại diện thương hiệu Hyundai Thành Công), trong tháng 6/2020 đã tiêu thụ 5.613 xe, cộng dồn 6 tháng đầu năm lên 28.014 xe các loại. VinFast cũng vừa công bố doanh số bán hàng trong tháng 6 vừa qua đạt 2.170 xe. Như vậy, chỉ tính doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên VAMA, TC Motor và VinFast, thị trường ô tô Việt Nam trong tháng 6 vừa qua tiêu thụ tổng cộng 31.785 xe; nâng tổng doanh số bán hàng trong 6 tháng đầu năm lên 137.367 xe các loại.
Hoạt động tiêu thụ xe ô tô những ngày đầu tháng 7 cho thấy, sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp tại Việt Nam, sức tiêu thụ xe đã tăng mạnh. Tại một số showroom kinh doanh xe ô tô trên địa bàn TP Hà Nội, ngay sau khi có thông tin giảm 50% phí trước bạ có hiệu lực (28/6), lượng khách hàng tìm đến các showroom ô tô đã tăng mạnh.
Giám đốc bộ phận kinh doanh đại lý ô tô Nissan trên đường Phạm Văn Đồng Lại Quang Hưng chia sẻ, việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước đã tạo cú hích tăng doanh số của các hãng xe. Hiện số lượng khách hàng đã tăng từ 100 - 150% so với những tháng trước đó, trung bình mỗi ngày showroom ký được 20 hợp đồng, 100% khách hàng đặt cọc trước từ 10 - 20 triệu đồng. “Doanh số của thị trường ô tô tháng 7/2020 sẽ còn cao hơn tháng 6/2020” - anh Hưng dự báo.
Cú hích cho thị trường cuối năm
Về thị trường ô tô những tháng cuối năm 2020, các chuyên gia kinh tế nhận định, việc Nhà nước giảm phí trước bạ, DN giảm giá bán xe sẽ khiến thị trường này tiếp tục sôi động, tăng trưởng.
Giám đốc Đại lý xe Huyndai Đông Đô Đinh Văn Trọng phân tích, Nghị định 70/2020/NĐ-CP giảm 50% phí trước bạ nên thị trường ô tô Việt Nam trong tháng 7 đã dần khởi sắc, trong đó tập trung vào xe sản xuất, lắp ráp trong nước bởi có khá nhiều khách hàng ký hợp đồng trước nhưng nhận xe sau để hưởng lợi "kép". Bên cạnh đó, DN sản xuất ô tô trong nước còn được nhà nước hỗ trợ giảm thuế nhập khẩu phụ tùng. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các quy định về biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi của Nghị định 122/2016/NĐ-CP cho phép DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đạt chuẩn sẽ được hưởng thuế nhập khẩu 0% đối với nguyên liệu, linh kiện, vật tư trong nước chưa sản xuất được giai đoạn 2020 - 2024. “Chính sách ưu đãi mới này đã giúp DN sản xuất tiết giảm được khoảng 2 - 2,5% chi phí, qua đó hỗ trợ DN kinh doanh giảm giá bán, thúc đẩy nhu cầu mua xe của người dân” - ông Trọng nói.
Đồng tình với nhận định này, Trưởng Tiểu ban Chính sách VAMA Nguyễn Trung Hiếu cho biết, để hỗ trợ DN sản xuất xe ô tô nội địa khắc phục khó khăn do Covid-19, DN sản xuất ô tô hoặc lắp ráp trong nước còn được Chính phủ cho phép gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các khoản phải nộp phát sinh từ tháng 3 đến hết 31/12/2020. Những chính sách trên sẽ giúp ngành sản xuất và lắp ráp ô tô khởi sắc hơn. “Nếu như trước đây, chỉ những DN có sản lượng lớn, nhiều mẫu xe lắp ráp mới có thể hưởng ưu đãi này thì nay với Nghị định 57/2020/NĐ-CP, DN chỉ sản xuất lắp ráp 1 hoặc 2 mẫu xe cũng có thể nhận được ưu đãi nếu đáp ứng được điều kiện về sản lượng riêng tối thiểu. Những cái tên có thể kể đến như Honda hiện chỉ lắp ráp xe Honda City tại Việt Nam, hay Mitsubishi là Outlander” - ông Hiếu dẫn chứng. Thông tin từ Bộ Tài chính cho thấy, từ khi chương trình ưu đãi thuế có hiệu lực, đã có 9 DN sản xuất ô tô đủ điều kiện áp dụng ưu đãi như Toyota, Thaco, TC Motor, Hyundai.
Đánh giá của DN kinh doanh và phân tích của các chuyên gia kinh tế cho thấy, thông qua việc giảm thuế, phí, Chính phủ đã tạo cơ hội rất lớn cho ngành sản xuất xe hơi trong nước giảm chi phí và kéo giá xe hạ xuống, từ đó kích cầu tiêu dùng... Vì vậy, thị trường ô tô từ nay đến cuối năm sẽ tăng trưởng, không còn tình trạng ế ẩm, ảm đạm như những tháng đầu năm 2020 do dịch Covid-19.
Việc giảm 50% phí trước bạ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước, DN kinh doanh xe điều chỉnh giảm giá bán nhằm thanh lý hàng tồn kho sẽ thúc đẩy nhu cầu mua xe của người dân trong thời gian tới. Còn về dài hạn, có thể thấy nguồn cung trong nước cũng như nhập khẩu đều sẽ được hưởng nhiều chính sách có lợi, kéo theo đó giảm chi phí tạo điều kiện cho giá xe giảm sâu hơn nữa. Vì vậy, dự kiến thị trường ô tô Việt Nam sẽ tiếp tục sôi động và tăng trưởng mạnh mẽ trong các tháng tiếp theo.
Tổng Giám đốc Công ty CP Ô tô Trường Hải Phạm Văn Tài
Việc Nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ không chỉ có lợi cho người tiêu dùng, DN sản xuất kinh doanh xe ô tô mà cả nền kinh tế. Bởi trong bối cảnh cả nước đang bước vào thời kỳ bình thường mới sau dịch Covid-19 thì chính sách có tác động kích cầu tốt, tạo điều kiện cho tiêu thụ hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất và phục hồi nền kinh tế những tháng cuối năm 2020.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), TS Ngô Trí Long
Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định số 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô theo hướng bỏ kiểm tra chất lượng ô tô theo lô, thay bằng kiểm tra theo mẫu. Điều này giúp việc nhập khẩu ô tô thông thoáng hơn, chi phí cho việc nhập khẩu xe sẽ giảm hơn và kéo giá xe nhập khẩu giảm theo, qua đó người tiêu dùng có thêm cơ hội mua xe ô tô nhập khẩu.
Đại diện Hiệp hội các nhà Nhập khẩu ô tô chính hãng tại Việt Nam (VIVA) Laurent Genet
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.